2
category
368888

Du lịch thiệt hại 7 tỷ USD vì dịch Covid-19

03/03/2020 18:17

Dịch bệnh ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Việt Nam, từ điện tử, may mặc, giày da, cơ khí… và làm gián đoạn chuỗi cung ứng hay vận chuyển hành khách, giáo dục, du lịch.

Chủ trì cuộc họp báo chiều 3/3 là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng – Người phát ngôn Chính phủ.

Dự họp báo còn có Thứ trưởng Bộ TTTT Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ…

Du lich thiet hai 7 ty USD vi dich Covid-19 hinh anh 1 maitiendung.jpg
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

PV đặt một số câu hỏi tại họp báo:

1. Với Bộ Công an: Một số thông tin trong vụ án liên quan Tuấn Khỉ. Đến nay, cơ quan điều tra đã làm rõ vai trò của 10 người liên quan bị khởi tố trong vụ án này ra sao? Trước đó, khi vây bắt Tuấn Khỉ, Bộ Công an dựa vào manh mối nào để phát hiện chỗ ẩn nấp của Tuấn? Và sau vụ việc, theo Bộ Công an, cần rút ra bài học kinh nghiệm gì trong việc quản lỹ vũ khí quân dụng ở địa phương?

2. Với Bộ Tài chính: Quy định về mức giảm trừ gia cảnh mới vẫn lỗi thời, chưa khoa học, chưa theo kịp mức tăng thu nhập của người dân. Ngoài việc thay đổi mức giảm trừ gia cảnh cho sát thực tế, Bộ Tài chính có tính đến việc sửa các bất cập khác của Luật Thuế thu nhập cá nhân trong việc thu thuế các ca sĩ, người mẫu, cá nhân nổi tiếng, người kinh doanh qua mạng, các cá nhân trên YouTube, Facebook…

3. Với Bộ Kế hoạch và đầu tư: Vừa qua xảy ra việc một doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn 144.000 tỷ đồng, tương đương 6,3 tỷ USD. Rà soát lại quy định thì thấy một cá nhân nào cũng có thể khai báo mức vốn điều lệ bất kỳ, sau đó nếu không góp đủ chỉ bị phạt vài chục triệu đồng. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là kẽ hở của hệ thống đăng ký doanh nghiệp. Quan điểm của Bộ KHĐT về vụ việc này như thế nào? Có cần thiết phải sửa quy định để tránh các hệ lụy có thể xảy ra hay không?

Dịch Covid-19 khiến du lịch mất 7 tỷ USD

Theo người phát ngôn Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận sự nỗ lực thực hiện các giải pháp đồng bộ của cả hệ thống trong công tác phòng, chống dịch. Những ngày qua, tại nhiều nước trên thế giới, dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, số người lây nhiễm tăng chóng mặt, có khi ngày hôm sau tăng gấp đôi ngày hôm trước.

“Dịch lan ra nhiều nước, trong đó có những nước là địa bàn thị trường truyền thống và là đối tác quan trọng của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu”, ông Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, dịch bệnh đã ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Việt Nam, từ điện tử, may mặc, giày da, cơ khí và thiếu hụt nguồn lao động; làm gián đoạn chuỗi cung ứng hay vận chuyển hành khách, giáo dục, du lịch…

“Lượng khách của khách sạn giảm 60-70%, khách du lịch giảm 2 con số. Theo thống kê, ngành du lịch mất khoảng 7 tỷ USD do dịch bệnh”, ông Dũng nói.

Nói về việc phòng chống dịch Covid-19, người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh phải kiên quyết áp dụng cách ly tập trung, không để lây lan dịch từ bên ngoài vào.

“Nếu để một ca nhiễm bệnh vào Việt Nam và để xảy ra lây chéo thì sẽ rất khó kiểm soát”, ông Dũng nói.

Ông nhắc lại tnh thần chỉ đạo của Thủ tướng là không để rơi vào bị động. Cùng với đó, tập trung hỗ trợ các đối tượng bị dịch bệnh; tập trung tái cơ cấu sản xuất; đơn giản hóa thủ tục, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

“Mức điều chỉnh giảm trừ gia cảnh phù hợp biến động giá cả”

Trả lời về cơ sở đưa ra mức giảm trừ gia cảnh mới, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết việc thay đổi mức giảm từ gia cảnh là căn cứ theo Khoản 4, điều 1, Luật số 26/2012. Bộ Tài chính đã theo dõi chỉ số giá CPI biến động và tính toán ra mức giảm trừ gia cảnh mới.

“Mức điều chỉnh phù hợp biến động giá cả”, bà Mai nói. Với câu hỏi mức giảm trừ mới này có lỗi thời, “vô cảm”, không bồi dưỡng nguồn thu, Thứ trưởng Bộ Tài chính không đề cập.

Nói về việc quản lý thuế của các đối tượng như người nổi tiếng, ca sĩ, người kinh doanh qua mạng, cá nhân nổi tiếng trên YouTube, Facebook, bà Mai cho biết Luật Quản lý thuế sẽ có hiệu lực từ 1/7/2020 và có đầy đủ công cụ, quy định rõ trách nhiệm các bộ, ngành để quản lý thuế các đối tượng này.

“Trước hết cần nâng cao trách nhiệm kê khai đầy đủ, trung thực của các đối tượng. Cần tuyên truyền việc thực hiện đúng quy định, song song với việc thanh tra, kiểm tra”, bà Mai phát biểu.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế – xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2020 xuất hiện nhiều dấu hiệu có ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Nhiều chỉ tiêu đều giảm so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cụ thể, vốn FDI thực hiện giảm 5%; Khách quốc tế tăng 4,8% – mức tăng thấp nhất của 2 tháng các năm 2016-2020. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 và bình quân 2 tháng đầu năm 2020 tăng so với cùng kỳ năm trước (tăng 5,4% và 5,91%) – mức tăng cao nhất trong 7 năm qua.

Một số ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do diễn biến về giá cả và thời tiết. Khu vực dịch vụ là khu vực bị tác động mạnh nhất bởi dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là các nhóm ngành liên quan đến du lịch, vận tải, lưu trú và ăn uống. Lượng khách quốc tế trong tháng 2/2020 chỉ đạt khoảng 1 triệu lượt khách – giảm 49,8% so với tháng trước và giảm 35,8% so với cùng kỳ.

Sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe cho nhân dân

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, các thành viên Chính phủ đã họp bàn đánh giá tác động của dịch Covid-19 tới tình hình kinh tế – xã hội của Việt Nam cũng như những giải pháp để đạt mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Chính phủ kiên định quan điểm sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe cho nhân dân, du khách và người nước ngoài ở Việt Nam.

Ghi nhận và đánh giá cao các kết quả đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19, song người đứng đầu Chính phủ lưu ý tình hình dịch bệnh tại nhiều nước trên thế giới vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến mới phức tạp, số người mắc tăng nhanh, lan rộng sang nhiều nước.

Du lich thiet hai 7 ty USD vi dich Covid-19 hinh anh 2 1ceda5f37aae81f0d8bf.jpg

Ở Việt Nam, dịch Covid-19 tác động trước hết đến hàng không, du lịch, dịch vụ, tiếp đến là thương mại, đầu tư, đặc biệt là gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất.

“Có những khách sạn gần như đóng cửa, nhiều khu du lịch vắng người”, Thủ tướng nêu thực tế nhưng cũng cho rằng không thể vì doanh thu, mở cửa đón khách du lịch tràn lan để ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.

Nhiều chuyên gia nhận định dịch Covid-19 có tác động rất mạnh, thậm chí là nghiêm trọng đến kinh tế Việt Nam, bởi tác động của nó là nhiều chiều, lên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế.

Đọc nhiều