Dự báo ca Covid-19 TP HCM tăng, bệnh nặng và tử vong giảm
Số ca bệnh nặng và số tử vong tiếp tục giảm sâu nhưng số ca mắc mới tại TP HCM đang có xu hướng tăng nhẹ sau nghỉ Tết và được Sở Y tế dự báo tiếp tục tăng.
Dịp Tết, TP HCM ghi nhận số ca Covid-19 giảm mạnh, từ vài trăm xuống còn vài chục ca mỗi ngày. Tuy nhiên, từ mùng 5 Tết đến nay, số ca nhiễm tăng nhẹ trở lại, đến ngày 11 lên 260 trường hợp. Khi cao điểm hồi tháng 7 đến tháng 9/2021, thành phố ghi nhận khoảng 6.000-7.000 trường hợp mỗi ngày, có hôm hơn 8.000 ca mắc mới.
Một tháng qua, số ca tử vong tại thành phố giảm dần, ở mức dưới 20 người mỗi ngày. Gần đây, thành phố chỉ ghi nhận 2-3 trường hợp tử vong, có ngày cả 3 ca tử vong đều là bệnh nhân từ nơi khác chuyển đến. Số ca bệnh nặng cũng đang giảm mạnh. Các bệnh viện đang điều trị hơn 600 bệnh nhân, trong đó 88 bệnh nhân nặng đang thở máy, 13 bệnh nhân can thiệp ECMO. Cao điểm cách đây hơn 5 tháng, số F0 điều trị trong viện lên đến hơn 40.000, trong đó khoảng 2.800 ca thở máy, ECMO.
Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai (Chánh văn phòng Sở Y tế TP HCM) họp báo chiều 10/1, cho rằng sau thời gian dài xảy ra dịch Covid-19, người dân thành phố đã hưởng được những ngày nghỉ Tết Nguyên đán gần như trọn vẹn. “Số ca nhiễm mới đã giảm về mức ba con số mỗi ngày nhưng dự kiến vài ngày tới có xu hướng tăng. Tuy nhiên qua theo dõi các ca bệnh nặng, số trường hợp thở máy và tử vong sẽ giảm do việc điều trị ngày càng được nâng cao”, bà Mai nói.
Cụ thể, sau hai năm chống dịch, đặc biệt là trận dịch lớn vừa qua, các y bác sĩ càng nhiều kinh nghiệm điều trị. Thành phố tiếp tục triển khai lực lượng quản lý, chăm sóc F0 tại nhà, phát các túi thuốc, dùng thuốc kháng virus sớn để hạn chế nguy cơ trở nặng. F0 trở nặng được xử trí, chuyển vào viện kịp thời. Tại các bệnh viện, oxy và trang thiết bị y tế, thuốc đảm bảo đáp ứng điều trị. Ngoài ra, thời gian qua thành phố cũng triển khai chiến lược bảo vệ nhóm nguy cơ, người lớn tuổi, người mắc bệnh nền, từ đó giảm tỷ lệ bệnh nặng và tử vong.
Theo Sở Y tế TP HCM, số ca mắc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tăng là hiện tượng phổ biến tại các nước có kỳ nghỉ này, bởi sự gia tăng mức độ giao lưu, đi lại của người dân làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Chẳng hạn, Hàn Quốc mới đây đã ghi nhận hơn 49.000 trường hợp mắc mới trong một ngày, tăng gần 13.000 trường hợp so với ngày hôm trước. Các nước khác của châu Á cũng đang chứng kiến mức tăng đột biến trong những ngày sau Tết như Singapore đã tăng hơn gấp đôi, Hong Kong tăng hơn 5 lần và ở Indonesia là tăng hơn 11 lần. Tại Việt Nam, những ngày qua số ca mắc Covid-19 liên tục tăng cao, riêng hai ngày 10 và 11/2, số ca mắc mới mỗi ngày trong cả nước đã lên hơn 26.000 ca.
Tăng ca Covid-19 sau thời gian nghỉ Tết cũng được các chuyên gia dự đoán trước đó. Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Trưởng Khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP HCM), số ca mắc tại TP HCM sau Tết sẽ có sự gia tăng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, với tỷ lệ bao phủ vaccine như hiện nay và nếu người dân tiếp tục thực hiện tốt 5K, số ca mắc sau đó sẽ giảm dần. Ngược lại, nếu không tuân thủ 5K, khi mắc bệnh không cách ly mà vẫn đi lại, tham gia các hoạt động bên ngoài thì có thể lây lan, bùng phát dịch.
Để ứng phó với số ca mắc tăng, TP HCM tăng cường các hoạt động kiểm soát dịch trước, trong và sau Tết. Ngành y tế vận động người dân từ các tỉnh thành trở về và cư trú sau Tết cần tuân thủ 5K, tự theo dõi sức khỏe, thông báo y tế nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19. Người có triệu chứng sốt, ho, khó thở… cần hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, liên hệ y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm Covid-19 và xử trí.
Người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm phòng Covid-19 chưa đầy đủ sẽ được các địa phương tăng cường rà soát, lập danh sách để vận động đến cơ sở y tế tiêm chủng. Thành phố giám sát chặt, phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca có diễn biến, đặc điểm bất thường, lưu ý trường hợp mắc bệnh lây truyền qua đường hô hấp để kịp thời khống chế dịch, đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra công tác quản lý người nhập cảnh cách ly.
Trong bối cảnh số ca bệnh nặng, tử vong giảm dần, thành phố có kế hoạch ngưng hoạt động Trung tâm Hồi sức (ICU) Covid-19 tại Thủ Đức quy mô 1.000 giường vì đã hết bệnh nhân và trả lại cơ sở cho Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2. Đây là trung tâm ICU dành cho bệnh nhân Covid-19 lớn nhất tại TP HCM cũng như cả nước, thành lập từ tháng 7/2021, đến nay điều trị hơn 5.000 bệnh nhân nặng nguy kịch.
Hầu hết bệnh viện năm ngoái đã chuyển đổi công năng hoặc “tách đôi” để điều trị Covid-19 được phục hồi công năng ban đầu và thành lập thêm khoa, đơn vị điều trị Covid-19. Nhiều bệnh viện dã chiến cấp thành phố đã ngưng hoạt động.
Hiện, thành phố tiếp tục duy trì các bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung điều trị Covid-19 tại quận, huyện và khu chế xuất Linh Trung, khu công nghệ cao TP HCM; các bệnh viện dã chiến 13, 14, 16. Thành phố cũng luôn sẵn sàng 1.000 giường ICU cho bệnh nhân Covid-19, gồm 600 giường ở hai trung tâm hồi sức đặt tại hai bệnh viện dã chiến số 14 và 16; 200 giường tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM và 200 giường tại Chợ Rẫy.
Ngành y tế thành phố tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo các kịch bản trong thế trận phòng chống Omicron, giám sát các khu vực có gia tăng ca mắc mới, truy vết, cách ly hạn chế nguồn lây. Đến nay, thành phố đã phát hiện 125 ca mắc biến thể mới Omicron, trong đó 115 ca nhập cảnh, 10 ca trong cộng đồng, tất cả đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, không có ca nặng và tử vong.
Trước tình hình dịch bệnh có chiều hướng gia tăng, Sở Y tế TP HCM khuyến cáo người dân tuân thủ các nguyên tắc phòng chống dịch Covid-19, bao gồm nâng cao cảnh giác, tuân thủ 5K, tiêm vaccine liều bổ sung và liều nhắc lại khi đến lượt. Đi khám ngay khi có dấu hiệu nghi mắc Covid-19, thông báo cho trạm y tế tại địa phương ngay sau khi làm xét nghiệm nhanh dương tính để được tư vấn, theo dõi sức khỏe và cung cấp các túi thuốc chăm sóc F0 tại nhà, tuân thủ cách ly y tế để tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Bộ Y tế mới đây yêu cầu các địa phương tiếp tục nâng mức cảnh giác cao nhất với dịch Covid-19, không chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch. Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng dịch cơ bản đang được kiểm soát trên cả nước với số ca chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm. Tuy nhiên số ca nhiễm đang gia tăng sau Tết, nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng khi xuất hiện các ca biến chủng Omicron và mở cửa các hoạt động xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế.
Lê Phương