8
category
341987

Dự án sông Tô lịch: sai phạm do “người đánh máy”?

sông trà 18/12/2019 14:08

Một lần nữa, lỗi đánh máy, lỗi soạn thảo văn bản lại được đưa lên “mạng nghị sự” và dư luận lại được phen nói về cái “thằng đánh máy”.

Vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung có buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, vấn đề làm sạch sông Tô Lịch được đông đảo cử tri quan tâm. Tại đây, Chủ tịch Hà Nội đã phát biểu khiến cử tri, dư luận cảm thấy bất ngờ liên quan đến dự án thí điểm của Trung tâm Xúc tiến thương mại, môi trường Nhật Bản (JEBO) và Công ty môi trường Nhật Việt (JVE).

Chủ tịch Hà Hội Nguyễn Đức Chung có phát biểu về dự án làm sạch sông Tô Lịch của JEBO gây băn khoăn trong cử tri và dư luận

“Thông báo này được công khai gửi cho các bộ ban ngành, chứ không phải thành phố lại để cho một cái công ty vào đây làm trò đùa cho cả thiên hạ, gây bức xúc xã hội” – Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu.

Tranh cãi vì một dự án có lợi cho dân

Sau phát ngôn nói trên của ông Nguyễn Đức Chung thì sáng ngày 7/12, JEBO lập tức phát hành thông cáo tới các cơ quan báo chí “xin lấy danh dự ra đảm bảo và khẳng định 100%” nội dung mà ông Chung cung cấp cho cử tri là “thông tin sai sự thật”.

Thực tế, xét về mặt pháp lý, đúng như lời Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói: “Thành phố chỉ cho phép JVE chứ không phải cho phép JEBO. Thông báo do Phó chủ tịch thành phố Nguyễn Thế Hùng ký cũng khẳng định ‘cho phép các chuyên gia Nhật Bản phối hợp với JVE thí điểm xử lý làm sạch môi trường nước trên một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây’, chứ không phải cho phép tổ chức kia”, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Theo đó, mới đây, ngày 10/12, JEBO gửi lời xin lỗi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vì “hiểu lầm phát ngôn” của ông. Tổ chức này cũng khẳng định, về mặt pháp lý thì JEBO không phải là đơn vị xin phép UBND TP nên việc ra thông cáo khẳng định UBND Thành phố đã cho phép JEBO thực hiện là hoàn toàn sai, vì JEBO chỉ là Đoàn chuyên gia Nhật Bản.

Thông cáo ghi rõ: “Sau khi xem lại nội dung Công văn 142/TB-VP không nêu cho phép JEBO mà là “Đồng ý cho Đoàn chuyên gia Nhật Bản phối hợp với Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt thực hiện thí điểm, tức là về mặt Pháp lý chỉ cho phép JVE và phối hợp với Đoàn chuyên gia Nhật Bản chứ thành phố không cho phép JEBO vì JEBO đúng là chưa gửi văn bản xin phép UBND TP mà việc này là JVE gửi văn bản”, JEBO cho hay.

“JEBO xin khẳng định lại là Ngài Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu về việc JEBO chưa hề xin phép là hoàn toàn đúng. JEBO chúng tôi chỉ có vai trò là Đoàn chuyên gia Nhật Bản phối hợp với JVE để thực hiện về mặt Kỹ thuật Dự án thí điểm vừa qua. Việc thông cáo báo chí của chúng tôi gây ra dư luận xã hội tại Việt Nam hiểu nhầm về Ngài Chủ tịch, do vậy chúng tôi xin gửi lời xin lỗi chân thành nhất tới Ngài Chủ tịch và mong Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội thông cảm” – Thông báo của JEBO nêu.

Rõ ràng, đang có những rắc rối “không đáng có” xung quanh dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch.

Việc có lợi cho dân nhưng đôi bên lại hiểu lầm nhau?

Phải nói rằng, sông Tô Lịch đã thành “dòng sông chết” khi nó bị bốc mùi hôi thối ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Đã có nhiều phương hướng khắc phục được đưa ra nhưng dường như không hiệu quả.

Tức là, như đã nói ở trên thì đang có những hiểu lầm nhất định về vấn đề pháp lý của hai bên. Tuy nhiên, xét về bản chất, dự án này là một dự án có lợi cho người dân Thủ đô và chính quyền không mất một đồng phí nào vào dự án này. Thế nên, dự án thí điểm này cũng đáng để được Chính quyền nơi đây xem xét, đánh giá cụ thể. Theo đại diện của JEBO thì đến giờ phút này, biết bao công sức, tiền của, thời gian của chuyên gia Nhật Bản vì người dân Hà Nội để thực hiện dự án tài trợ miễn phí thí điểm xử lý sông Tô Lịch.

Vì thế, mấy hôm nay theo dõi phát ngôn của đôi bên cá nhân người viết cũng rất băn khoăn. Không biết trong quá trình triển khai và thực hiện dự án đã vướng phải vấn đề gì để đến khi cử tri có ý kiến lại phát sinh hiểu lầm nhau.

Lướt qua mạng –truyền thông cũng thế, đã có khá nhiều người đặt vấn đề: Điều khúc mắc ở đây không phải thủ tục hành chính mà là xung đột lợi ích, có doanh nghiệp nào trúng thầu đầu tư công mà không “quan hệ”? Phải chăng, chúng ta đã quen với quy trình máy móc trong lãnh đạo mà đối tác thì khác ta nên mới như thế?

Chúng ta biết rằng, ngay cả với những tổ chức, doanh nghiệp đến đầu tư vì kiếm tìm lợi nhuận thì chính quyền địa phương cũng luôn khẳng định sẽ “đồng hành”, “hỗ trợ” để kêu gọi và thu hút. Nên với những dự án phi lợi nhuận như làm sạch môi trường nước thì thiết nghĩ, chính quyền càng phải tạo điều kiện hơn nữa, những rắc rối về thủ tục hành chính càng phải được “dọn sạch”.

Liên quan đến vấn đề này, có người nói: “Lâu nay chúng ta làm theo cơ chế xin – cho quen rồi nên giờ đây cái gì cũng phải xin. Dọn sạch rác trên sông cũng phải xin, làm từ thiện cũng phải xin……dần thành thói quen trong cách nhìn. Nên bỏ bớt thủ tục ‘hành là chính’ cho dân nhờ đi, thời đại thế kỷ 21 rồi”.

Bác Hồ từng nói: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”. Sự trân trọng ở đây không phải chỉ vì tiền, vì vốn, vì được “miễn phí”, mà hơn cả là trân trọng tâm huyết và mục tiêu nhân văn, tốt đẹp vì con người!

Có thể nói, đây là một dự án tài trợ miễn phí từ phía đối tác Nhật Bản với một mục đích không thể chính đáng hơn đó là “giúp người dân Hà Nội bớt khổ”. Chính vì vậy, dù kết quả thí điểm thế nào, chính quyền TP cũng nên tạo điều kiện hết mức để dự án được thực hiện theo nguyện vọng của người dân, vì cuộc sống của người dân.

Đọc theo “báo cáo của văn phòng”?

Sau khi bị JEBO “tố ngược” là phát biểu của Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung “hoàn toàn sai sự thật”, song song ông cũng bị cộng đồng mạng phản ứng, dư luận băn khoăn có những ý kiến trái chiều.

Khi trao đổi với giới truyền thông (cụ thể là Đất Việt), Chủ tịch Hà Nội cho biết: “Tôi đọc nguyên văn theo báo cáo của văn phòng”.

Vậy là, một lần nữa, lỗi đánh máy, lỗi soạn thảo văn bản lại được đưa lên “mạng nghị sự” và dư luận lại được phen nói về cái “thằng đánh máy”.

Có một thực tế là lỗi đánh máy, lỗi soạn thảo văn bản đã xuất hiện với tần suất ngày một nhiều trong những năm gần đây, đủ để “nghề đánh máy” trở thành một trong những nghề nguy hiểm.

Còn nhớ, Công an huyện Si Ma Cai tỉnh Lào Cai phát đi một thông báo khiến dân tình hoảng hốt: Có 16 trẻ em đã bị bắt cóc mổ lấy nội tạng tim, gan, mắt. Thông tin được truyền đi bằng một văn bản giấy có chữ ký của Phó công an huyện, được đóng dấu đỏ tươi rói.

Sau đó, Bộ Công an vừa khẳng định thông tin 16 nạn nhân bị bắt cóc lấy nội tạng tại Hà Giang là bịa đặt, không có thật. Trong khi đó đại diện công an Hà Giang cho biết, đã liên hệ với phía Lào Cai xác minh và bên liên quan thừa nhận do sơ suất trong khâu soạn thảo văn bản.

Tương tự, Cục hàng không Việt Nam bất ngờ tuyên bố các loại giấy tờ như thẻ Đảng viên, thẻ nhà báo, giấy phép lái xe không được làm thủ tục đi máy bay khiến dư luận quan ngại.

Sau đó lãnh đạo Cục hàng không giải thích: “Khi soạn thảo thông tư 45 về chương trình an ninh hàng không, cán bộ đánh máy đã sơ suất nên thẻ Đảng viên, thẻ nhà báo, giấy phép lái xe bị loại ra khỏi danh sách các loại giấy tờ được chấp nhận để làm thủ tục đi các chuyến bay nội địa. Chúng tôi nhận trách nhiệm sai sót thuộc về đơn vị soạn thảo Thông tư và sẽ xem xét kiểm điểm một số cán bộ liên quan..v..v.

Dĩ nhiên, trong soạn thảo văn bản, lỗi chính tả, bố cục là chuyện thường tình. Và giờ đây ai đó cũng thấy chột dạ khi nghe vị Chủ tịch Hà Nội nói mình chỉ đọc theo báo cáo của văn phòng.

“Người đánh máy” của Văn phòng UBND TP sai sót trong soạn thảo văn bản báo cáo?

Vậy ai là người đánh máy? Họ soạn thảo văn bản xong có đọc lại không? Ai là người xem duyệt, đặt bút ký? Họ quyết định và ký mà không xem hay đọc kỹ? Và cuối cùng trách nhiệm thuộc về ai?

Có phải “lỗi đánh máy” giờ trở thành một đối tượng chịu trách nhiệm mới được “sáng kiến” ra? Hay là người ta quá coi thường trình độ tin học của những chuyên viên văn phòng – 365 ngày ôm bàn phím nhiều hơn vợ con? Không rõ nhà chức trách hoặc xem thường trình độ dân trí hoặc họ không biết mình sai ở chỗ nào?

Thật tình, không ai có định kiến gì về ngài Chủ tịch TP Hà Nội cả, vì ít ra trong tâm thức người dân, đặc biệt là người dân Thủ đô, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung là người công tâm, chính trực. Nhưng dù sao đi nữa cũng thật khó tin nếu lỗi đánh máy làm sai cả “tinh thần” của văn bản, chẳng có cái lỗi đánh máy nào khiến nội dung văn bản xoay 180 độ như thế.

Tags :
Đọc nhiều