‘Dự án ma’ nở rộ do chính quyền buông lỏng

17/07/2019 07:24

Trái với lý do rằng ‘dự án ma’ thường thi công vào ban đêm, ngày nghỉ nên khó phát hiện, đoàn khảo sát chỉ rõ nhiều ‘dự án ma’ thi công cả vào các ngày làm việc, thậm chí ngay khi có mặt đoàn khảo sát.

Một “dự án ma” tại P.12, TP.Vũng Tàu bị lực lượng chức năng xử lý /// Ảnh: N.L
Một “dự án ma” tại P.12, TP.Vũng Tàu bị lực lượng chức năng xử lý

Thị xã Phú Mỹ có tới 113 “dự án” phân lô đất nông nghiệp để bán trái phép

Trái với lý do rằng “dự án ma” thường thi công vào ban đêm, ngày nghỉ cuối tuần nên khó phát hiện, đoàn khảo sát chỉ rõ nhiều “dự án ma” thi công cả vào các ngày làm việc trong tuần, thậm chí ngay khi có mặt đoàn khảo sát!

Ngày 16.7, tại kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khóa 6 (nhiệm kỳ 2016 – 2021), Thường trực HĐND tỉnh đã có báo cáo kết quả khảo sát công tác quản lý quy hoạch về đất đai đối với trường hợp phân lô, bán nền trên địa bàn.

“Hết sức phức tạp”

Đoàn khảo sát do ông Phạm Thành Chung, Chánh văn phòng HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, làm trưởng đoàn đã đi thực tế tại TX.Phú Mỹ, TP.Vũng Tàu, Bà Rịa, H.Châu Đức và Long Điền. Qua đó, đoàn phát hiện 191 trường hợp thực hiện phân lô, tách thửa; bao gồm 72 trường hợp có văn bản chấp thuận chủ trương của UBND huyện, thị xã, thành phố; 119 trường hợp đầu tư không phép (83 trường hợp đã cưỡng chế và 36 đang lên kế hoạch cưỡng chế thuộc địa bàn TX.Phú Mỹ). Trong số 191 trường hợp phân lô, tách thửa; diện tích lớn nhất là 13 ha (trường hợp của ông Nguyễn Ngọc Sự ở xã Châu Pha, TX.Phú Mỹ) và nhỏ nhất khoảng 0,5 ha.

'Dự án ma' nở rộ do chính quyền buông lỏng - ảnh 1
“Dự án” do ông Sự làm chủ đất tại xã Châu Pha

Đoàn khảo sát đánh giá tình trạng san lấp mặt bằng thay đổi hiện trạng, phân lô, xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp tại các địa phương diễn biến hết sức phức tạp, tăng về số lượng và mức độ công khai. Đơn cử, tại TX.Phú Mỹ, vào thời điểm tháng 12.2018 mới ghi nhận có 20 trường hợp sử dụng đất sai mục đích, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên đất nông nghiệp khi chưa được cơ quan nhà nước cho phép trên địa bàn 4 xã, phường (P.Hắc Dịch, xã Tóc Tiên, Châu Pha, Tân Hòa) nhưng đến thời điểm khảo sát thực tế (tháng 6.2019) đã có 113 trường hợp sử dụng đất nông nghiệp để phân lô, bán nền đất trái phép. Các trường hợp phân lô, xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp không chỉ thực hiện vào ban đêm và ngày nghỉ, mà cả vào các ngày làm việc trong tuần. Thậm chí những trường hợp vi phạm tại các xã, phường của TX.Phú Mỹ và P.12 (TP.Vũng Tàu), khi đoàn xuống khảo sát, chủ công trình vẫn tiến hành san lấp và xây dựng trên đất nông nghiệp.

Việc rao bán đất nền tại các khu đất trên cũng diễn ra công khai. Ngoài rao bán trên mạng, dán thông tin bán đất nền dày đặc trên các cột điện, hàng rào, hàng cây, nhiều khu đất còn có đội ngũ tiếp thị túc trực rao bán.

Chính quyền địa phương buông lỏng

Đoàn khảo sát nhận định công tác quản lý của chính quyền địa phương chưa chặt chẽ và chưa kịp thời, thiếu kiểm tra, giám sát, chưa kiên quyết trong cưỡng chế sai phạm. Một số phường, xã thuộc TX.Phú Mỹ khi phát hiện sai phạm chỉ cảnh báo bằng hình thức dựng bảng “cảnh báo dự án ma” nhưng không kiểm tra, kiểm soát việc xây dựng trái phép trên đất tại các “dự án ma” này. Chỉ đến khi cử tri, dư luận và báo chí phản ánh nóng và HĐND tỉnh khảo sát kiến nghị thì chính quyền địa phương mới có động thái thực hiện cưỡng chế.

Nhiều trường hợp chính quyền địa phương phát hiện tổ chức, cá nhân có biểu hiện phân lô, tách thửa để bán đất nền sai quy định nhưng không kiên quyết xử lý ngay từ đầu, để khi đã hoàn thiện công trình mới đến xử lý làm sự việc trở nên khó khăn, phức tạp (như các “dự án ma” của Công ty CP địa ốc Alibaba trên địa bàn TX.Phú Mỹ). Bên cạnh những “dự án ma” trên địa bàn TX.Phú Mỹ, thì ở một số địa phương khác chính quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc đã đầu tư hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhưng chưa chuyển mục đích sử dụng đất và cơ quan chức năng chưa thực hiện nghiệm thu (như công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật của bà Nguyễn Thị Nguyệt, diện tích khu đất hơn 3,8 ha tại TT.Long Điền, H.Long Điền). Một số trường hợp đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo các điều kiện đáp ứng về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đối với khu dân cư, chưa đảm bảo kết nối với khu vực như cao độ nền, cấp nước, thoát nước… Chất lượng công trình thi công không được giám sát, đảm bảo theo quy chuẩn, tiêu chuẩn trước khi đưa vào sử dụng. Về lâu dài, việc làm này sẽ tạo gánh nặng cho cơ quan quản lý nhà nước đối với việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, hạ tầng đô thị và nông thôn.

Trao đổi với PV, ông Trần Đình Khoa, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, khẳng định trong kỳ họp lần này, HĐND sẽ làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể đã để xảy ra tình trạng “dự án ma” tràn lan như hiện nay.

(Theo Thanh Niên)

Đọc nhiều