86
topics
53015

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có thể tiết kiệm tới 32 tỷ USD?

09/07/2019 15:04

Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, tốc độ chạy tàu trên trục Bắc – Nam khoảng 200 km/h là hiệu quả và tổng mức đầu tư dự án khoảng 26 tỷ USD, giảm hơn 32 tỷ USD so với Bộ GTVT đề xuất.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về phương án thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Bộ KHĐT dẫn lại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với 3 kịch bản lựa chọn.

Phương án thứ nhất là nâng cấp tuyến đường sắt hiện đại có tốc độ khai thác 80-90 km/h tàu khách và 50-60 km/h tàu hàng. Phương án 2 là nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại thành đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa khai thác chung tàu khách và tàu hàng có tốc độ 200 km/h. Lựa chọn cuối cùng là nâng cấp tuyến đường sắt hiện đại tốc độ 70 km/h cho tàu khách địa phương và tàu hàng, đồng thời đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa chỉ khai thác cho tàu khách có tốc độ 320 km/h, tốc độ thiết kế 350 km/h.

Du an duong sat toc do cao Bac - Nam co the tiet kiem toi 32 ty USD? hinh anh 1
Tốc độ 200 km/h thay vì 350 km/h, vốn đầu tư còn 26 tỷ USD

Tại tờ trình Thủ tướng số 1281/TTr-BGTVT ngày 14/2, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã kiến nghị phương án lựa chọn thực hiện đầu tư dự án theo kịch bản 3,.

Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư là 1.344.459 tỷ đồng, tương đương 58,7 tỷ USD, trong đó vốn Nhà nước chiếm 80%, còn lại là vốn tư nhân.

Toàn tuyến đường sắt sẽ có chiều dài khoảng 1.559 km, khổ đường 1.435 m gồm 24 ga, 3 ga quy hoạch tiềm năng, 5 đề – pô, 42 cơ sở bảo trì hạ tầng. Tuyến đường có tốc độ thiết kế 350 km/h, khai thác 320 km/h.

Bộ GTVT cũng đề xuất chia dự án làm 2 giai đoạn thực hiện: Từ năm 2020 đến năm 2032 thực hiện đầu tư đoạn Hà Nội – Vinh và Nhà Trang – TP.HCM; Giai đoạn 2032-2050 thực hiện đầu tư đoạn Vinh – Nha Trang.

Ủng hộ việc đầu tư một tuyến đường sắt tốc độ cao mới trên trục Bắc – Nam, nhưng Bộ KHĐT không đồng tình với đề xuất đầu tư đắt đỏ mà Bộ GTVT đưa ra.

Bộ KHĐT cho rằng phương án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có tốc độ tối đa 200 km/h là phù hợp, giảm chi phí đầu tư xã hội.

Theo báo cáo, sau khi kết thúc giai đoạn 1, hoàn thành đầu tư đoạn Hà Nội – Vinh, Nha Trang – TP.HCM vào năm 2032, năng lực khai thác 2 tuyến này đạt 364.000 hành khách/ngày. Trong khi dự báo số lượng hành khách trên 2 đoạn tuyến này vào năm 2035 chỉ đạt từ 55.000 – 58.000 hành khách/ngày (chỉ gần 16% công suất đầu tư). Do đó, việc đầu tư dự án ngay trong giai đoạn 1 đã quá dư thừa và lãng phí.

Bộ KHĐT cho rằng đường sắt tốc độ cao chỉ khai thác tối đa 200 km/h như các nước đã làm. Với tốc độ này, tổng mức đầu tư là khoảng 26 tỷ USD, giảm trên 30 tỷ USD so với phương án Bộ GTVT trình. Với tốc độ này, đi Hà Nội -TP.HCM chỉ mất 8 giờ là khá hợp lý.

Đường sắt tốc độ 350 km/h dư thừa và lãng phí

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án lựa chọn tốc độ thiết kế 350 km/h, chủ yếu ở Nhật và Pháp, cạnh tranh với hàng không, đem lại hiệu quả khai thác và có tác dụng điều chỉnh lại cơ cấu thị phần vận tải hợp lý giữa các loại hình giao thông. Tuy nhiên, Bộ KHĐT lưu ý tuyến đường sắt tốc độ cao này chỉ khai thác cho tàu khách mà không khai thác cho tàu hàng.

Theo cơ quan này, phương án tối ưu là nâng cấp tuyến đường sắt cũ để chở hàng hóa và đầu tư mới một tuyến đường sắt tốc độ cao để chuyên chở khách.

“Việc đầu tư dự án đường sắt tốc độ 350 km/h chỉ để chở khách mà không phục vụ vận tải hàng hóa là quá dư thừa và lãng phí”, văn bản của Bộ KHĐT nêu rõ.

Trong khi đó, đề xuất của Bộ KHĐT được dựa trên cơ sở kinh nghiệm của Đức và Hà Lan,

Nước Đức trước đây đã nâng cấp các thế hệ tàu từ ICE1 sang ICE 2 và ICE 3 với tốc độ chạy tàu tối đa nâng từ 200 km/h lên 300 km/h. Sau này, khi lựa chọn tốc độ hợp lý và tối ưu nhất về vận tải cả hành khách và hàng hóa cho đường sắt tốc độ cao thì thế hệ tàu ICE 4 giảm tốc độ xuống còn 250 km/h và thế hệ tàu mới nhất là ICEx tốc độ chạy tàu tối đa giảm tiếp xuống còn 200 km/h.

Bên cạnh đó, Hà Lan nghiên cứu nâng cấp tuyến đường sắt từ Dusseldorf đến Amsterdam đang khai thác tốc độ 200 km/h thành 300 km/h. Kết quả là chi phí đầu tư và vận hành tăng từ 1,8 tỷ EUR lên 3,4 tỷ EUR (gấp 1,9 lần), không hiệu quả. Chính phủ Hà Lan, sau đó, không thực hiện đầu tư nâng cấp tuyến đường này nữa.

Nguy cơ lệ thuộc công nghệ

Báo cáo của Bộ KHĐT nêu rõ: Các chuyên gia cho rằng việc đề xuất của Bộ GTVT đầu tư tuyến đường sắt tốc độ thiết kế 350 km/h, tốc độ khai thác 320 km/h với tổng mức đầu tư hơn 58 tỷ USD, sẽ có nhiều rủi ro, tác động xấu đến nguồn vốn đầu tư phát triển.

Cụ thể, rủi ro đó là có nguy cơ đình hoãn đầu tư các công trình hạ tầng giao thông khác để tạo mọi nguồn lực cho đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam trong thời gian 30 năm hoặc còn lâu hơn nữa.

Ngoài ra, kiến thức và thực tiễn kinh nghiệm của Việt Nam chưa có sự chuẩn bị đầy đủ để triển khai một tuyến đường sắt tốc độ cao nên sẽ mất chủ động, bị lệ thuộc công nghệ nước khác, không bảo vệ được quyền lợi và khả năng tự chủ của Việt Nam.

Bộ KHĐT cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Trong đó, Hội đồng được thuê liên danh tư vấn trong nước và tư vấn nước ngoài bảo đảm độc lập, khách quan với tư vấn lập dự án để thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

(Theo Zing News)

Đọc nhiều