2
category
511481

Đột quỵ vì… lan đột biến

Trần Anh 15/04/2021 16:50

Thông tin một chủ vườn lan đột biến ôm 200 tỷ bỏ trốn đang làm dậy sóng dư luận. Điều khó hiểu là tại sao sau rất nhiều cảnh báo trên báo chí vừa qua, rất nhiều người vì lòng tham vẫn sẵn sàng gửi trứng cho ác, đầu tư hàng tỷ đồng cho một thứ mà chính họ cũng mù mờ.

Lan đột biến có giá trị bằng cả căn nhà.
Lan đột biến có giá trị bằng cả căn nhà.

Suốt nhiều tháng qua, “cơn lốc” mua bán, chuyển nhượng, kinh doanh lan đột biến diễn ra mạnh mẽ, bất chấp mọi khuyến cáo, mọi nguy cơ rủi ro mà ngành chức năng đã đưa ra.

Bắt đầu manh nha từ khoảng năm 2018 khi những vụ giao dịch lan đột biến lên đến hàng tỷ đồng được công khai, chia sẻ rầm rộ trên các trang mạng xã hội, phong trào mua bán, chuyển nhượng loại lan này dần lây rộng.

Chỉ từ đầu năm 2021 đến nay, hàng loạt cuộc giao dịch lan đột biến với giá trị hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng lại được công khai trên mạng xã hội Facebook, YouTube, Zalo.

Hoạt động này tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp đến nỗi Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hòa Bình phải lên tiếng cảnh báo các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần kiểm soát chặt các dự án, khách hàng vay vốn có liên quan đến yếu tố lan đột biến.

Điều đó có nghĩa, rất nhiều người đã thế chấp tài sản, nhà cửa cho những món vay lớn để đầu tư vào một giá trị ảo, được đo đếm bằng những lời truyền miệng, phao tin trên mạng xã hội.

Một điểm chung dễ nhận thấy của những cuộc giao dịch này là “khoe” lượng tiền khủng, được công khai trên mạng, nhưng thực chất dòng tiền giao dịch như thế nào vẫn còn là một câu hỏi?

Những người giàu lên, đổi đời nhờ lan đột biến thực tế chỉ là câu chuyện truyền miệng nhưng có một sự thật là danh sách những người bị lừa vì lan đột biến thì ngày một dày thêm.

Hiện, thông tin một nhà vườn kinh doanh lan đột biến “ôm” 200 tỷ của những người góp tiền mua lan kiểu “lúa non” ở xã Hòa Nam (Ứng Hòa, Hà Nội) đang gây xôn xao dư luận. Nếu thông tin này là thật thì chắc chắn nhiều người phải chịu cảnh… tiền mất tật mang.

Thực ra vụ việc này đã được cảnh báo từ lâu. Từ cuối năm 2020, công an Hòa Bình đã vào cuộc, bắt giữ một số đối tượng lừa bán cái gọi là lan đột biến, với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Gần như tất cả các vụ đều giống nhau: Chỉ bằng những quảng cáo về lan đột biến qua mạng xã hội, các đối tượng này đã lừa người mua tiền tỉ.

Cho đến giờ, nhiều người vẫn không hiểu tại sao chỉ một mầm cây mỏng manh nhưng giá trị được quảng cáo có khi đắt hơn một căn nhà.

Trong khi đó, trên quan điểm của một nhà di truyền học, GS.TS Lê Huy Hàm – nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng: “Lan đột biến không phải cái gì quá quý hiếm mà chỉ có yếu tố lạ. Cũng giống như con gà, có con gà mái mơ, có con màu lông mật, có con đuôi dài, có con đuôi ngắn. Lan đột biến chỉ thực sự mang lại giá trị kinh tế khi nhân giống hàng loạt sản xuất công nghiệp như lan hồ điệp, từng bước hình thành nền công nghiệp hoa lan”.

Nhiều người dân đang bị cuốn theo vòng xoáy lan đột biến
Nhiều người dân đang bị cuốn theo vòng xoáy lan đột biến

GS.TS Lê Huy Hàm cũng như nhiều nhà khoa học đã đưa ra lời khuyên người dân nên hết sức thận trọng, tỉnh táo không nên lao vào “cơn lốc” này. Giáo sư Hàm cho rằng các giao dịch lan đột biến có thể đã bị thổi giá. Cũng có thể chẳng có cuộc giao dịch thực sự nào nhưng họ vẫn làm pano quảng cáo rầm rộ, song song đó chuẩn bị nhiều cành lan (được quảng cáo là lan đột biến) và rao bán với giá vài triệu đến vài chục triệu. Thấy giá quá rẻ, trong khi có những cây lên đến tiền tỷ sẽ có người lao vào mua ngay với suy nghĩ đầu tư.

Thực tế, theo khẳng định của ngành thuế nhiều địa phương, dù trên địa bàn xuất hiện nhưng giao dịch lan đột biến giá trị khủng nhưng không cho thấy dòng chảy của đồng tiền. Ngành thuế hiện cũng chưa thu được đồng tiền thuế nào liên quan đến giao dịch này.

Đồng loạt Công an tỉnh Hòa Bình, Tuyên Quang, Hưng Yên,… đều lên tiếng cảnh báo người dân trước “cơn sốt” lan đột biến, tỉnh táo trước lợi nhuận hấp dẫn được quảng bá rầm rộ bởi đây có thể là chiêu rửa tiền, thổi giá.

Tại Hòa Bình, một trong những địa phương có phong trào mua bán, chuyển nhượng hoa lan đột biến khá rầm rộ, Tỉnh ủy đã phải ra văn bản đề nghị các địa phương cảnh tỉnh để người dân hiểu đúng bản chất kinh doanh hoa lan đột biến gen, hạn chế rủi ro cho người dân khi góp vốn kinh doanh, xử lý những hành vi kinh doanh, mua bán không hợp pháp, có dấu hiệu lừa đảo, rửa tiền liên quan đến hoa lan đột biến gen.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hòa Bình cũng yêu cầu kiểm tra, rà soát lại các hợp đồng tín dụng của các hộ sản xuất – kinh doanh, tập trung vào địa bàn đang có phong trào trồng hoa lan và các giao dịch mua bán hoa lan đột biến để cảnh báo rủi ro có thể xảy ra đối với khách hàng.

Thậm chí, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) cũng ra văn bản đề nghị lực lượng giáo viên không tham gia mua bán, chuyển nhượng lan đột biến để tránh hệ lụy xấu.

Điều đó đủ thấy, nhà chức trách đã lường trước “cơn lốc” lan đột biến này có thể gây ra những hệ lụy khó có thể đong đếm.

Vụ chủ vườn lan ở Ứng Hòa “biến mất” vẫn đang được cơ quan công an xác minh. Phải chăng những vụ lừa đảo lan đột biến trước đây với con số vài tỷ vẫn chưa đủ để người chơi lan, người mua bán được cảnh tỉnh, trong khi những lời quảng cáo hấp dẫn vẫn bủa vây làm mờ mắt họ?

Điều này cũng giống như những vụ lừa đảo bán hàng đa cấp biến tướng, những nhóm nhân danh từ thiện tâm linh để moi tiền của thành viên… Họ dùng nhiều chiêu thức để dụ dỗ, lôi kéo, trong đó lợi ích về vật chất thật khó từ chối.

Ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp, nhận xét rằng nhiều người chơi cây đã rất nhanh nhạy khi tiếp cận những giống lan đột biến nhập trừ Trung Quốc. Tuy nhiên thế nào là lan đột biến thì chưa có một cơ quan khoa học nào khẳng định được, đột biến gene nào, có bảo tồn duy trì được gene đó hay không. Chưa một cơ quan nào bảo hộ nguồn gene này cả.

Theo luật quốc tế, mọi giống cây trồng kể cả cây cảnh nếu không được bảo hộ thì có thể chuyển giao thoải mái, người cấy, sử dụng nhân ra không vi phạm pháp luật. Lan đôt biến chưa được cơ quan nào bảo hộ, nên giao dịch thị trường là giao dịch dân sự, không bên nào can thiệp được. Đó là kẽ hở khiến một số người thổi giá, kết cấu với nhau thao túng thị trường.

Mọi người phải tỉnh ngộ và hiểu đó cũng chỉ là những cây lan đẹp nhưng bình thường. Trước những cái bẫy “lan đột biến” mà một số người kinh doanh hay xã hội đen nên, ông Thủy cho rằng sự đổ vỡ của thị trường lan đột biến là tất yếu.

Trong khi lực lượng chức năng chưa có đủ công cụ để xác minh tính chân thực của những giao dịch lan đột biến tiền tỷ gây nhiễu loạn thị trường thì điều cần thiết nhất lúc này chính là sự tỉnh táo của mỗi người dân, đừng để những “chiếc bẫy ngọt ngào” về lan đột biến được giăng ra bằng những màn kịch giao dịch khủng đánh lừa, đến lúc ân hận thì đã quá “muộn.

Đừng để khi cơn lốc đi qua, chỉ còn lại những hoang tàn.

Khánh Nguyên/DV

Đọc nhiều