Đột biến của Omicron và cảnh báo của WHO
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 20/12 cảnh báo biến chủng Omicron đang lây lan nhanh hơn biến chủng Delta, theo Reuters.
“Hiện nay, đã có bằng chứng vững chắc cho thấy biến chủng Omicron lây lan nhanh hơn đáng kể so với chủng Delta”, ông Tedros nói trong một cuộc họp báo tại trụ sở của WHO ở Geneva, Thụy Sĩ.
Tổng giám đốc WHO cũng khẳng định biến chủng này có khả năng lây bệnh cao hơn (so với Delta) cho những người đã tiêm vaccine hoặc từng mắc Covid-19 trước đó.
Cho đến nay, các nhà khoa học chưa thể chắc chắn liệu biến chủng Omicron có gây ra triệu chứng nặng hơn hay nhẹ hơn so với các biến chủng khác hay không. Tuy nhiên, so với các biến chủng trước, Omicron có nhiều đột biến vượt trội trên protein gai. Giới khoa học đang dần giải đáp vai trò của các đột biến này với sức mạnh của Omicron.
Theo Washington Post, biến chủng Omicron có khoảng 50 đột biến gene, trong đó 36 đột biến nằm ở phần protein gai. Đây là bộ phận quan trọng vì là cơ chế để virus bám vào và xâm nhập tế bào người.
Các nhà khoa học mới chỉ bắt tay vào giải đáp bí ẩn của Omicron, nhưng vị trí của các đột biến nằm ở những bộ phận mấu chốt của protein gai cũng giúp chúng ta biết được một số thông tin, theo Washington Post.
Những chiếc gai này là chìa khóa trả lời cho các câu hỏi cấp thiết nhất về biến chủng mới: Omicron dễ lây lan từ người sang người như thế nào? Biến chủng này sẽ gây bệnh nặng ra sao? Vaccine và hệ miễn dịch có thể bảo vệ chúng ta tới đâu trước Omicron?
Theo đó, mỗi gai trên bề mặt virus corona được cấu thành từ 3 protein bện lại với nhau, khiến chúng có hình dạng như một đầu bông súp lơ với 3 nhánh.
Mỗi nhánh lại có 3 vùng trọng yếu: Miền liên kết thụ thể (RBD), miền điểm mút N (NTD), vị trí cắt furin (FCS). Hầu hết đột biến của Omicron tập trung tại ba vùng này.
Lần đầu tiên nghiên cứu mã di truyền của Omicron, các nhà khoa học thấy một số đột biến trong số 15 đột biến trên phần gai có khả năng làm cho virus liên kết mạnh hơn với tế bào và e ngại rằng những đột biến còn lại cũng sẽ có khả năng như vậy. Sự kết nối chặt chẽ này giúp Omicron lây lan dễ dàng hơn so với các loại biến chủng trước.
Dữ liệu ban đầu cho thấy Omicron đang nhanh chóng lan truyền nhiều nơi với nhiều mô hình khác nhau, chứng tỏ tốc độ lây lan của nó nhanh hơn hai đến ba lần so với Delta – loại biến chủng vẫn còn bao trùm khắp nước Mỹ và nhiều nơi trên thế giới.
Mark Zeller, một nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Scripps Research, đang nghiên cứu giải trình tự virus, nói rằng: “Tốc độ lây nhiễm của Omicron nhanh hơn Delta là điều hiển nhiên”.
Theo dữ liệu ban đầu, biến chủng Omicron gây bệnh thể nhẹ hơn Delta ở đa số trường hợp – một điều khá tích cực từ loại biến chủng nguy hiểm.
Không phải mọi đột biến đều cải tiến virus. Trên thực tế, hầu hết chúng đều gây tổn hao cho virus hoặc tạo tác động nhẹ. Một biến chủng mới sẽ không loại bỏ những chủng khác, trừ khi có đột biến hoặc sự kết hợp của chúng khiến nó trở nên vượt trội hơn so với các phiên bản tiền nhiệm.
Bảo Trâm (Theo Reuters, Washington Post)