3
category
331011

Đồng tiền vật vã

04/11/2019 21:03

Lượng kiều hối các lao động gửi về hàng năm đã đưa Việt Nam trở thành một trong số những nước có lượng kiều hối lớn từ người lao động ở nước ngoài.

Sức hút lương cao

“Em về một thời gian rồi sẽ lại đi tiếp”, Long (25 tuổi) nói với tôi khi vừa trở về từ Nhật Bản. Chuyến đi 3 năm lao động ở đó giúp Long kiếm được mấy trăm triệu đồng, số tiền rất lớn với anh, người có bằng cao đẳng ở Việt Nam. Kiếm tiền là lý do thôi thúc Long chuẩn bị cho những chuyến xuất ngoại sắp tới.

Mức thu nhập 25-30 triệu đồng/tháng ở nước ngoài đủ hấp dẫn những chàng trai trẻ như Long cũng như hàng triệu người khác đã đi ra nước ngoài lao động từ 2010 đến nay.

Ở nhiều địa phương, những ngôi làng được mệnh danh là “làng tỷ phú” cũng xuất hiện ngày một nhiều. Nhà cửa khang trang, đường xá to đẹp, xe hơi tiền tỷ… có được cũng là nhờ những đồng ngoại tệ mang về sau bao năm lao động nơi xứ người.

Đồng tiền vật vã
Mỗi đồng tiền kiếm được đều vật vã bằng mồ hôi, công sức lương thiện và sự hi sinh của người lao động.

Cứ thế, người trước bảo người sau, họ ra đi tìm cơ hội có nguồn thu nhập cao hơn, thay vì chấp nhận mức lương 6-8 triệu ở phần nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam.

Kết quả giám sát chuyên đề người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2010-2017 của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã phác họa bức tranh nhiều gam màu về xuất khẩu lao động con đường được nhiều người lựa chọn.

Theo đó, trong giai đoạn 2010-2017, cả nước đã có trên 821 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó 60-70% là lao động phổ thông. Từ năm 2014-2018, bình quân mỗi năm số lao động đi làm việc nước ngoài đạt khoảng trên 102.000 người/năm.

Ở các thị trường có thu nhập cao tỷ lệ tăng của người lao động lên đến mấy trăm phần trăm. Chẳng hạn bình quân giai đoạn 2013-2017 Nhật Bản tăng khoảng 461% so với giai đoạn 2010-2013; Đài Loan 183%; Trung Đông 120%.

Nhật Bản là thị trường có mức tăng đột biến, số lao động đi làm việc tại Nhật Bản năm 2017 gấp 11 lần so với năm 2010, gấp 3 lần so với năm 2014.  Cụ thể, năm 2013 mới có 9.686 người thì năm 2017 lên tới 53.250 người.

Thu nhập cao hơn so với làm việc ở trong nước với cùng ngành nghề, trình độ đã đưa hàng triệu người tìm đến con đường xuất khẩu lao động.

Thu nhập bình quân của người lao động đi làm việc ở nước ngoài là 400600 USD/tháng ở thị trường Trung Đông, 700-800 USD/tháng ở thị trường Đài Loan (Trung Quốc), 1.000-1.200 USD/tháng ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản.

Nhìn nhận ở khía cạnh kinh tế, lượng lao động xuất khẩu đã đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế của đất nước. Chỉ tính riêng lượng kiều hồi các lao động gửi về hàng năm đã đưa Việt Nam trở thành một trong số những nước có lượng kiều hối lớn từ người lao động ở nước ngoài.

Hàng năm, lượng tiền người lao động gửi về nước khoảng 2 -2,5 tỷ USD, với mức tăng trung bình trong giai đoạn từ 2010-2017 là 6-7%/năm. Tại Hà Tĩnh có số lượng lớn lao động đi làm việc ở nước ngoài, có năm lượng tiền người lao động gửi về nước hơn 4.000 tỷ đồng, xấp xỉ bằng 50% tổng thu nội địa trong tỉnh.

Số liệu ấy đươc nêu trong báo cáo giám sát của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội là minh chứng cho đóng góp không thể phủ nhận của xuất khẩu lao động.

Không phải chỉ màu hồng

Nhưng bức tranh xuất khẩu lao động không phải chỉ có màu hồng. Bán sức nơi xứ người để có được những đồng ngoại tệ gửi về, biết bao người phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí là sinh mạng.

Không ít người đã không trở về khi hết hạn hợp đồng. Có người bỏ trốn ngay khi sang đất khách quê người. Họ trở thành những lao động bất hợp pháp ở nước ngoài (đặc biệt là tại Hàn Quốc, Nhật Bản). Điều này làm những nước nhận lao động Việt Nam có tâm lý cảnh giác, đề phòng khi quyết định tiếp nhận lao động là người Việt.

Cũng có người đi xa hơn, tận bên kia bán cầu, đến tận trời Âu. Họ nghe theo những lời dụ dỗ về một “miền đất hứa”, họ ra đi mang theo khát vọng đổi đời, nhưng theo một cách đầy rủi ro, đẩy bản thân vào vòng nguy hiểm, đẩy gia đình vào cảnh nợ nần.

Người Việt Nam ra nước ngoài lao động có nhiều mặt tốt, nhưng lao động bất hợp pháp rõ ràng là không tốt. Vậy nên, điều quan trọng là, phải có cách để người lao động chọn lựa đi nước ngoài theo con đường “chính ngạch”.

Trong đó, có việc tăng cường hợp tác về lao động với nhiều nước; cải thiện trình độ lao động Việt Nam để đáp ứng những thị trường đòi hỏi cao hơn; cung cấp thông tin chính xác về các thị trường lao động, chống lao động bất hợp pháp… Nhiệm vụ này thuộc về Nhà nước và doanh nghiệp xuất khẩu lao động.

Mặt khác, bản thân mỗi người lao động phải hiểu rằng nếu muốn đi nước ngoài lao động hãy chọn con đường hợp pháp. Bởi trở thành lao động bất hợp pháp, họ sẽ phải đối mặt tình trạng bị quỵt lương, bóc lột sức lao động hoặc rơi vào đường dây buôn bán người, lừa đảo… Phải hiểu được rằng, mỗi đồng tiền đều quý giá, nhưng không có đồng tiền nào đáng để người ta phải đánh đổi sự an toàn của bản thân.

Mỗi đồng tiền kiếm được đều vật vã bằng mồ hôi, công sức lương thiện và sự hi sinh của người lao động.

(Theo Vietnamnet)

Đọc nhiều