8
category
650458

Đồng Tháp thành lập 12 cơ quan chuyên môn với hơn 1.890 biên chế

Thảo Nguyên 02/07/2025 15:46

Không khí làm việc khẩn trương, quyết liệt được xác lập ngay tại kỳ họp thứ nhất của HĐND tỉnh Đồng Tháp khóa X. Khi bộ máy đã thống nhất, thách thức còn lại không phải là người dân, mà là chính đội ngũ cán bộ.

Ông Lê Quốc Phong – bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp – phát biểu tại kỳ họp

Sáng 2-7, HĐND tỉnh Đồng Tháp khóa X, nhiệm kỳ 2021–2026, tổ chức kỳ họp thứ nhất sau khi hoàn tất sáp nhập. Kỳ họp đã thông qua 5 nghị quyết quan trọng, trong đó có nghị quyết thành lập 12 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh với tổng số hơn 1.890 biên chế.

Cùng với việc kiện toàn bộ máy hành chính, HĐND tỉnh cũng công bố các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhân sự chủ chốt. Bà Châu Thị Mỹ Phương – Phó Bí thư Tỉnh ủy – được chỉ định giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp. Các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy là ông Phạm Văn Chuẩn và ông Trần Thanh Nguyên giữ chức Phó Chủ tịch HĐND. Các chức danh trưởng các Ban HĐND tỉnh cũng được công bố đồng bộ.

Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong nhấn mạnh: “Giờ đây, chung một mái nhà, chung một tầm nhìn, chung một khát vọng, chúng ta phải đoàn kết, phải thống nhất sức mạnh, trí tuệ, tâm huyết để bắt tay ngay từ những công việc nhỏ nhất.”

Ông đề nghị các sở, ngành nhanh chóng rà soát, tham mưu, không để việc tổ chức lại bộ máy ảnh hưởng đến các chính sách dân sinh như an sinh xã hội, thủ tục hành chính, đất đai, hộ tịch, giáo dục, y tế.

Tuyên bố ấy phản ánh tinh thần hành động rõ ràng: tái cơ cấu tổ chức là cần thiết, nhưng không được chuyển gánh nặng cải cách sang cho người dân. Bài học từ các đợt sáp nhập cấp huyện, cấp xã trước đây – với những hệ quả như “di dân giấy tờ”, ách tắc hồ sơ – giờ đây là điều Đồng Tháp quyết tâm không lặp lại.

Cải cách hành chính không dừng ở bộ máy. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp yêu cầu các sở ngành nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý địa phương theo hướng minh bạch, ổn định, thuận lợi cho môi trường đầu tư. Đặc biệt, Đồng Tháp hướng tới:

Rút ngắn từ 30% đến 50% thời gian giải quyết thủ tục đầu tư

Ưu đãi về đất đai, thuế

Hỗ trợ chi phí đào tạo nhân lực theo nhu cầu doanh nghiệp

Tăng cường đối thoại, tháo gỡ vướng mắc, duy trì xúc tiến đầu tư hiệu quả

Đây là bước chuyển từ tư duy hành chính sang tư duy phục vụ. Mỗi sở, ngành không chỉ chịu trách nhiệm vận hành nội bộ, mà còn phải chịu trách nhiệm cho năng lực tương tác với doanh nghiệp và người dân.

Một trong những phát biểu đáng chú ý của ông Lê Quốc Phong tại kỳ họp là lời cảnh báo dành cho chính đội ngũ cán bộ:

“Không có vị trí cho những cán bộ lãnh đạo còn suy nghĩ riêng tư, cục bộ, thiếu quyết tâm, né tránh trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm với những khó khăn của doanh nghiệp, người dân.”

Trong bối cảnh bộ máy sau sáp nhập đã được tổ chức lại theo hướng tinh gọn và đồng bộ, thì yếu tố quyết định thành công không còn nằm ở sơ đồ tổ chức, mà nằm ở con người – những người nắm quyền lực công, được nhân dân giao trọng trách.

Bài toán đặt ra không chỉ là sắp xếp đúng, đủ người – mà là đặt đúng người, đúng tinh thần cải cách, đúng kỷ luật thi hành.

Theo nghị quyết được thông qua, 12 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Đồng Tháp giữ nguyên trạng về nhân sự, với hơn 1.890 biên chế. Một số con số đáng chú ý:

-Sở Nông nghiệp và Môi trường có 409 biên chế

-Sở Tài chính 195 biên chế

-Sở Xây dựng 203 biên chế

-Văn phòng UBND tỉnh 126 biên chế (chưa bao gồm thường trực UBND)

Điều này cho thấy Đồng Tháp không xem sáp nhập là “cắt giảm nhân sự bằng mọi giá”, mà ưu tiên ổn định hệ thống để phục vụ hiệu quả. Việc tổ chức lại đi kèm với cam kết: không để một người dân nào phải chịu thêm thủ tục, chi phí hay sự chậm trễ vì tái cấu trúc bộ máy hành chính.

Thảo Nguyên 

Đọc nhiều