419
category
427457

Đồng Tâm rõ “trắng đen” mà sao Việt Tân cứ om sòm lên thế?

sông trà 06/09/2020 18:24

Ngày 08/09,Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội).

Xét xử vụ án Đồng Tâm

Vụ án được dư luận xã hội quan tâm, theo dõi do tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 3 cán bộ, chiến sĩ Công an hy sinh. Tuy nhiên, các thế lực thù địch (trong đó có Việt Tân) vẫn đang “nhắm” vào Đồng Tâm để công kích chính quyền.

Lại trò mèo của Việt Tân

Trước ngày xét xử sơ thẩm vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm), tổ chức Việt Tân cùng nhiều tổ chức mang danh “dân chủ” (Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, Hội Anh Em Dân Chủ, Hội Bầu Bí Tương Thân, Phóng Viên Không Biên Giới…) gửi thư đến Liên Hợp Quốc – cụ thể là gửi thư đến Bà Đại Sứ Elisabeth Tichy-Fisslberger, Chủ Tịch Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc để kêu gọi sự quan tâm và hỗ trợ của Cộng đồng Thế giới cho người dân Đồng Tâm.

Theo đó, một trong những nội dung bức viết rằng, những người này chỉ cố gắng bảo vệ đất của mình trước sự chiếm đoạt của chính phủ, nhưng đã bị bắt trong một cuộc truy quét của công ở Đồng Tâm, Việt Nam vào ngày 9/1/2020.

“Nhà nước Việt Nam đã điều động 3000 cảnh sát cơ động đến xã Đồng Tâm. Lực lượng công an đã đột kích vào nhà Cụ Lê Đình Kình, người đại diện cho dân Đồng Tâm và giết chết Cụ, sau đó bắt giữ 29 người. Cuộc tấn công này diễn ra sau nhiều năm tranh chấp cưỡng chiếm đất đai” – bức thư tổ chức Việt Tân viết.

Ngoài ra, trong bức thư, Việt Tân còn đề cập đến sự việc các “nhà hoạt động” chống cưỡng chế đất Cấn Thị Thêu và hai người con là Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư đã bị bắt vào ngày 23/6/20.

“Chúng tôi kêu gọi Bà Đại Sứ Elisabeth Tichy-Fisslberger và Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc:

– Yêu cầu chính quyền Việt Nam phải xét xử công minh, tiến hành phiên toà công khai thật sự, cho phép sự tham dự của gia đình, các tổ chức phi chính phủ và ký giả ngoại quốc.

– Yêu cầu chính quyền Việt Nam phải cho phép những bị cáo được gặp luật sư của họ và chấm dứt những hành động hăm dọa bị cáo cũng như luật sư, để họ có quyền kêu oan theo đúng luật pháp.

– Gửi đại diện Liên Hiệp Quốc đến tham dự và tường trình về phiên tòa xét xử người dân Đồng Tâm để giảm thiểu những bất công và lạm dụng luật pháp có thể xảy ra”.

Mục đích là xuyên tạc những chủ trương chính sách của chính quyền. Lấy danh nghĩa dân chủ để lên án cái gọi là “hành động bạo lực” của nhà cầm quyền – ngôn ngữ mà thế lực thù địch hay dùng. Nhằm làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là trò mèo, những vở kịch mang tính chất “bổn cũ soạn lại”, không qua được mắt của người dân, không dễ gì mị dân.

Khi Đồng Tâm rõ trắng đen

Biến cố ở Đồng Tâm có thể coi bắt nguồn từ năm 1980 khi Bộ Quốc phòng được giao xây dựng sân bay Miếu Môn trên địa bàn 3 xã của huyện Chương Mỹ và xã Đồng Tâm.

Đến năm 2014, Bộ Quốc Phòng có quyết định giao đất cho Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) tiếp nhận, quản lý, sử dụng vào công trình quốc phòng A1, trong đó có 46ha thuộc xã Đồng Tâm.

Đây là khu đất đồng Sênh (vốn dĩ thuộc đất quốc phòng) nhưng người dân canh tác hàng chục năm qua khiến cho những người dân nơi dây “lầm tưởng” là đất của mình.

Hệ quả là một số đối tượng đã lợi dụng vấn đề dân chủ để khiếu kiện, tổ chức các hoạt động “đòi đất” quốc phòng, xuất hiện nhiều hành vi gây mất an ninh trật tự.

Vụ việc đã trở thành “đỉnh điểm” khi ngày 15/4/2017, nhóm người quá khích trong xã Đồng Tâm đã bắt giữ trái pháp luật 38 người (chủ yếu là công an, kể cả lãnh đạo huyện).

Mặc dù, ngay sau đó, ngày 22/4/2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khi đó đã gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người dân; cho biết đã và đang tiến hành thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước tới nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm.

Đến ngày 24/7/2017, Thanh tra TP Hà Nội đã ra thông báo Kết luận “Thanh tra toàn diện về việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước đến nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức”. Tuy nhiên, một nhóm đối tượng tại xã Đồng Tâm vẫn không đồng ý, đã gửi đơn lên Thanh tra Chính phủ đề nghị giải quyết tiếp.

Ngày 25/4/2019, kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ: Theo quy định của pháp luật về đất đai, toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng, được Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hà Nội giao đất cho các đơn vị quân đội quản lý và sử dụng vào mục đích quốc phòng. Diện tích đất có sự chênh lệch tại các thời điểm nhưng đã được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đo đạc, lập bản đồ hiện trạng, điều chỉnh bằng quyết định giao đất đúng quy định, đúng thẩm quyền.

Sự việc sáng 9/1/2020 có thể coi là “đỉnh điểm” để tạo nên những luồng thông tin hỗn độn, đẩy trạng thái dư luận vào rối ren.

Có thể thấy, nguyên nhân trực tiếp là hoạt động chống đối của một số đối tượng trong cái gọi là “Tổ đồng thuận” do ông Lê Đình Kình đứng đầu thành lập, coi thường pháp luật, lợi dụng khiếu nại, tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, tâm lý ham muốn vật chất của một số người dân để tập hợp, lôi kéo những người bất mãn, tiêu cực, kể cả số nghiện hút ma túy, số có tiền án tiền sự tham gia các hoạt động gây mất an ninh, trật tự tại địa phương.

Và các thế lực thù địch, những phần tử bất mãn, cơ hội đã lợi dụng cơ hội phát tán thông tin xấu, độc, sai sự thật, tuyên truyền xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Đáng trách, căm phẫn ở chỗ, những dao phóng dài cả mét, những quả lựu đạn, những chai bom xăng tự chế,…để chống đối lại cảnh sát, liệu những người chuẩn bị những vũ khí và giết người man rợ đó có còn là nhân dân? Và càng không thể gọi là dân lành.

Dẫu vậy, Thực tế, các đơn từ khiếu kiện cũng như các bức xúc đã diễn ra cả thời gian dài. Nó phần nào cho thấy, ngoài tính pháp lý thì công tác dân vận, tuyên truyền, giải quyết các khiếu nại, tố cáo ở địa phương này vẫn còn những hạn chế. Nếu làm tốt công tác dân vận thì không thể để xảy ra mâu thuẫn gay gắt như hiện nay.

Bởi “Nếu người cán bộ có sự lăn lộn, lắng nghe, chia sẻ, giải quyết thấu tình đạt lý của mình đối với người dân thì sẽ rất quan trọng, là bài học kinh nghiệm của các cấp chính quyền, chứ không phải dùng quyền lực áp đặt”. – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.

Khi nhắc lại vụ việc xảy ra tại Đồng Tâm tại buổi làm với Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn nhìn nhận: “Việc để xảy ra khiếu kiện của người dân có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc buông lỏng quản lý”.

Như vậy, bản chất sự việc đã rõ ràng, khi Đồng Tâm đã rõ trắng đen, thì câu chuyện những kẻ chống đối ở Đồng Tâm cần phải đối mặt với những bản án thích đáng. Đất nước nào cũng có chế độ và tính pháp quyền riêng đòi hỏi mọi công dân phải sống theo hiến pháp pháp luật. Các nhà dân chủ không thể đứng mãi tận “trời tây” nhìn về rồi “om sòm” mãi thế được.

Đồng thời, hơn lúc nào hết, các cấp chính quyền cần phải rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc từ vụ việc này, hạn chế những sai sót trong thực thi chính sách –chủ trương của Đảng, Nhà nước, tránh việc “rận dân chủ” khơi mào, bới móc.

Sông Trà

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Đọc nhiều