Đông Nam Á và Việt Nam trong chính sách của ông Biden

19/08/2021 08:58

Chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ tới Đông Nam Á sẽ càng trở nên đặc biệt với nhiều thông điệp chính trị quan trọng.

Những bước đi đầu tiên

Cuối tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vừa có chuyến công du đến 3 quốc gia Đông Nam Á: Singapore, Việt Nam và Philippines. Đây là thành viên đầu tiên trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden đến thăm khu vực Đông Nam Á.

Ngay sau đó ngày 30/7, các bên liên quan cũng đã thông báo về việc Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ thăm Singapore và Việt Nam từ ngày 20-26/8 chuyến công du quốc tế thứ hai của bà trên cương vị Phó Tổng thống và lần đầu tiên đến Ấn Độ Dương Thái Bình Dương.

Đông Nam Á và Việt Nam trong chính sách của ông Biden
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: AP

Trong bối cảnh chính quyền Mỹ lên nắm quyền chưa lâu và những cản trở do diễn biến của đại dịch Covid-19 gây ra, chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ tới Đông Nam Á càng trở nên đặc biệt với nhiều thông điệp chính trị quan trọng.

Nếu như chuyến công du nước ngoài đầu tiên và cũng là duy nhất hiện nay của Tổng thống Joe Biden tới châu Âu cho thấy nỗ lực thiết lập lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vốn đã bị mai một dưới thời chính quyền tiền nhiệm và một phần nhằm tìm giải pháp cho mối quan hệ với Nga; chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris tới Guatemala và Mexico cho thấy sự khẳng định vai trò của Mỹ ở khu vực ảnh hưởng truyền thống Mỹ Latinh thì chuyến thăm sắp tới sẽ cho thấy rõ hơn những ưu tiên chính sách của chính quyền Biden đối với châu Á, trong đó Đông Nam Á chiếm một vị trí chiến lược.

Trong bản Hướng dẫn Chiến lược an ninh quốc gia tạm thời được chính quyền mới của Mỹ công bố ngày 3/3, về các biện pháp cụ thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu và định hướng lớn về đối ngoại, Mỹ đã khẳng định cần củng cố và đổi mới quan hệ với các đồng minh, đối tác, trong đó nhấn mạnh sự hiện diện của Mỹ sẽ tập trung nhiều vào Ấn Độ Dương Thái Bình Dương và châu Âu.

Các quốc gia thành viên ASEAN cũng được nhắc đến như những đối tác quan trọng và đáng nói hai điểm đến trong chuyến thăm sắp tới của Phó Tổng thống Kamala Harris được nêu đích danh cùng Ấn Độ và New Zealand.

Bản Hướng dẫn nêu rõ: “Chúng tôi sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác với Ấn Độ và làm việc cùng với New Zealand, cũng như Singapore, Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN khác, để thúc đẩy các mục tiêu chung”. Có thể nói, Mỹ đang triển khai chính sách đối ngoại kiên trì với phương châm phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy các lợi ích và gìn giữ những giá trị cơ bản với các đồng minh và đối tác.

Chính sách châu Á của chính quyền Tổng thống Joe Biden là sự kế thừa và tiếp nối so với các chính quyền tiền nhiệm. Bước phát triển của mối quan hệ Mỹ và Đông Nam Á trong 10 năm vừa qua thực sự được đánh dấu bằng chiến lược “Tái cân bằng châu Á Thái Bình Dương” dưới thời Tổng thống Obama và sau đó là chiến lược “Ấn Độ Dương Thái Bình Dương tự do và rộng mở” dưới thời Tổng thống Trump, trong đó cả hai đều quan tâm đặc biệt đến vai trò của Đông Nam Á.

Đông Nam Á và Việt Nam trong chính sách của ông Biden
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP

Ông Biden với những kinh nghiệm khi đảm nhiệm vị trí Phó Tổng thống dưới thời  Obama đang cho thấy Mỹ sẽ tiếp tục chính sách khu vực thể hiện ở việc duy trì cách tiếp cận Ấn Độ Dương Thái Bình Dương và coi trọng việc tăng cường quan hệ với khu vực Đông Nam Á.

Đặc biệt, vấn đề Biển Đông đã trở thành một trong những cấu phần quan trọng trong chính sách Ấn Độ Dương Thái Bình Dương và quan hệ Mỹ Trung. Điều đó được thể hiện cụ thể khi vấn đề Biển Đông là một trong những nội dung thảo luận quan trọng trong chuyến thăm của Bộ trưởng Austin đến ba quốc gia Đông Nam Á vừa qua. Trước đó, tình hình Biển Đông cũng đã được đề cập ở mức cao trong tuyên bố chung của “Bộ Tứ”.

Việc chiến lược Ấn Độ Dương Thái Bình Dương bổ sung các thành tố “bao trùm”, “lành mạnh” đã cho thấy sự ghi nhận đối với quan điểm, nhu cầu cân bằng lợi ích, ủng hộ hòa bình, hợp tác của các nước trong khu vực và các nước ASEAN. Đồng thời cũng cho thấy, Mỹ đang triển khai một chiến lược ngoại giao theo hướng khéo léo hơn, coi trọng hơn việc cân bằng linh động lợi ích của nước này và đồng minh trong khu vực, các đối tác tiềm năng quan trọng khác.

Mỹ thể hiện sự ủng hộ vai trò trung tâm và đoàn kết của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực; chủ trương thúc đẩy quan hệ đồng minh với Philippines, Thái Lan và củng cố quan hệ với các đối tác Việt Nam, Singapore, Indonesia. Mỹ đồng thời cũng thể hiện sự ủng hộ quan điểm của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương Thái Bình Dương, mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN với “Bộ Tứ”.

Tương lai nào cho quan hệ Mỹ Đông Nam Á

Xét về tổng thể, để có một chiến lược Ấn Độ Dương Thái Bình Dương hiệu quả, Mỹ cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa tại Đông Nam Á. Những cam kết với khu vực này chính là cách thức để Mỹ gia tăng sự hiện diện, giữ vững vị thế và tiếng nói của mình trong bối cảnh tất cả các cường quốc trên thế giới hiện nay đều muốn thiết lập ảnh hưởng để triển khai chiến lược lớn hơn tại khu vực.

Thêm vào đó, một trong những nhiệm vụ và mục tiêu mà Mỹ hướng tới hiện nay chính là tiến hành các biện pháp nhằm kiềm chế Trung Quốc. Bên cạnh việc củng cố quan hệ đồng minh, việc gia tăng hợp tác với Đông Nam Á sẽ là chìa khóa giúp Mỹ xích lại gần hơn với các quốc gia láng giềng của Trung Quốc trong khu vực.

Điều này sẽ là cơ sở giúp Nhà Trắng xây dựng lòng tin, tiến tới thiết lập các mối quan hệ đối tác chiến lược và nhận được sự ủng hộ trong quá trình giải quyết các vấn đề và điểm nóng tại Đông Nam Á nói riêng và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung. Trong bài phát biểu tại Viện IISS ở Singapore hôm 27/7, Bộ trưởng Austin đã đề cập tới ba yếu tố quan trọng trong quan hệ của Mỹ đối với khu vực là hồi phục, hợp tác và tái cam kết đối với Đông Nam Á và Ấn Độ Dương Thái Bình Dương.

Thêm vào đó, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Biden đang hết sức chú trọng vai trò của chủ nghĩa đa phương cũng như hợp tác quốc tế, việc nâng tầm quan hệ hợp tác với Đông Nam Á sẽ là điều kiện thuận lợi nếu Mỹ mong muốn quay trở lại đàm phán và tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tạo thế vững chắc trong quá trình cạnh tranh thương mại với Trung Quốc và giữ vững vị thế khi tham gia vào chủ nghĩa đa phương cạnh tranh toàn cầu.

Việc Đông Nam Á trở thành một trong những trọng tâm trong chính sách của Mỹ chắc chắn sẽ mang lại không ít cơ hội và thách thức đối với các quốc gia tại đây. Trước mắt, trong ứng phó với đại dịch Covid-19, các nước Đông Nam Á sẽ được hưởng lợi thông qua kế hoạch tài trợ vắc xin và viện trợ nhân đạo cho các quốc gia đang phát triển mà Mỹ triển khai.

Với sự hỗ trợ và hợp tác với Mỹ sẽ tạo cơ hội để những nước này được nhận trang bị y tế, hỗ trợ tài chính và đặc biệt là nguồn vắc xin tin cậy trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung trên thế giới. Tiếp đó, việc nâng tầm mối quan hệ với Mỹ và đồng minh sẽ tiếp tục là một lựa chọn cho các nước Đông Nam Á giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đặc biệt là về phương diện kinh tế và thương mại.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của các nước ASEAN và là nhà đầu tư lớn thứ hai, chỉ sau Nhật Bản. Tuy nhiên, với sự quan tâm mạnh mẽ của chính quyền Biden đến khu vực so với người tiền nhiệm, Đông Nam Á sẽ có khả năng mở rộng và ký kết nhiều hiệp định thương mại với quốc gia hàng đầu châu Mỹ, đồng thời cũng là một trong những thị trường đắt giá nhất toàn cầu.

Bên cạnh đó, cơ hội tiếp cận các thành tựu khoa học công nghệ cũng như kỹ thuật sản xuất hiện đại của Mỹ cũng là một điểm thuận lợi đối với các quốc gia ASEAN. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng khoa học công nghệ 4.0 phát triển ngày càng mạnh mẽ như hiện nay, việc nắm bắt kịp thời những bước tiến mới là điều vô cùng cần thiết.

Không dừng lại ở đó, việc giải quyết các mối đe dọa an ninh, đặc biệt là vấn đề an ninh phi truyền thống như khủng bố, cướp biển, ô nhiễm môi trường, an ninh nguồn nước… cũng có thể trở nên dễ dàng hơn khi có sự hỗ trợ của Mỹ trong các cơ chế hợp tác song phương và đa phương.

Vai trò của Việt Nam

Việt Nam là một trong 2 quốc gia Đông Nam Á được nhắc đến trong Hướng dẫn Chiến lược an ninh quốc gia tạm thời của chính quyền Biden. Điều này càng khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của quan hệ Mỹ-Việt trong tầm nhìn Ấn Độ Dương Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Joe Biden, tạo cơ hội thuận lợi cho Việt Nam nâng cao thế và lực trên trường quốc tế. Trong ứng phó với đại dịch, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn về tài chính, trang thiết bị đặc biệt là nguồn vắc xin.

Đến nay, Việt Nam là một trong 7 nước được Mỹ viện trợ nhiều vắc xin nhất với 5 triệu liều vắc xin Moderna cùng nhiều sự hỗ trợ khác trị giá 20,9 triệu USD. Sự giúp đỡ của Mỹ trong thời điểm này được đánh giá là cần thiết và kịp thời khi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và thiếu hụt nghiêm trọng nguồn vắc xin tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhận thức chung về việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, thịnh vượng, an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông, Mỹ được đánh giá là giữ vai trò then chốt nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận “tự do và rộng mở”.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ mới đây là biểu trưng cho việc mở ra sự kết nối mối quan hệ an ninh quốc phòng giữa hai nước Việt-Mỹ dưới thời Tổng thống Biden. Hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại Việt-Mỹ cũng sẽ có cơ hội phát triển hơn nữa, đặc biệt khi Mỹ gia nhập CPTPP hoặc thậm chí, Việt Nam cũng có thể đàm phán một hiệp định thương mại tự do song phương với Mỹ như đã thành công với Anh và EU.

Rõ ràng, một số động thái trong thời gian gần đây, chứng tỏ rằng Mỹ rất nghiêm túc và sẵn sàng tăng cường cơ sở vững chắc cho quan hệ đối tác song phương giữa hai quốc gia.

Lê Mạnh Quốc

Đọc nhiều