428
category
329022

Đông Nam Á và cuộc chiến chống tin giả

17/10/2019 10:11

Tin giả (Fake news), hiện đã trở thành mối quan ngại hàng đầu của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, vốn được xem là vùng trũng về công nghệ thông tin và kết nối kinh tế – xã hội trong không gian mạng.

Nhiều nước trong khu vực đã đầu tư nhiều nguồn lực cho việc ngăn chặn nạn tin giả và việc các chế tài pháp lý, các biện pháp cưỡng chế hành động vi phạm được áp dụng mạnh mẽ cho thấy quyết tâm của các nước trong khu vực nhằm đấu tranh với hiện tượng tiêu cực của thời đại kỹ thuật số này.

Với đặc thù đa sắc tộc, đa tôn giáo, đa dạng về hệ thống chính trị cũng như các mầm mống bất ổn xã hội do những bức xúc về điều kiện kinh tế, xã hội và trình độ dân trí còn chưa cao, Đông Nam Á được xem là khu vực có nguy cơ bị nạn tin giả lũng đoạn. Trong bối cảnh đó, việc các quốc gia trong khu vực đẩy mạnh cuộc chiến chống tin giả có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì ổn định kinh tế – xã hội và đảm bảo sự phát triển lành mạnh của môi trường thông tin, đặc biệt là thông tin trên mạng xã hội.

Hàng chục người Indonesia thương vong trong vụ bạo loạn tại Papua có liên quan đến tin giả.

Singapore chống tin giả “công bằng và kiên quyết”

Là một trong những trung tâm tài chính toàn cầu, đa sắc tộc và tôn giáo, cùng sự phổ biến của Internet và nền kinh tế số, Singapore bị cho là rất dễ bị tổn thương bởi tin giả. Chính phủ Singapore duy trì quan điểm cần phải mạnh tay ngăn chặn thông tin sai lệch bởi chúng có thể là nguy cơ gây chia rẽ tại một quốc gia đa sắc tộc như Singapore.

Luật Bảo vệ khỏi sự thao túng và lừa dối trực tuyến của Singapore đã chính thức có hiệu lực từ ngày 2-10, theo đó các cá nhân vi phạm có thể chịu mức phạt lên tới 100.000 SGD (hơn 72.000 USD) hoặc ngồi tù tới 10 năm hoặc cả hai. Mức phạt đối với doanh nghiệp có thể lên tới 1 triệu SGD. Chính phủ Singapore nhấn mạnh lợi ích của luật này là bảo vệ an ninh, an toàn của Singapore, mối quan quan hệ giữa nước này và nước ngoài, cũng như ngăn chặn những tác động từ bên ngoài đối với kết quả các cuộc bầu cử, khiến môi trường chính trị phát triển không lành mạnh.

Theo văn bản luật được Quốc hội Singapore thông qua vào tháng 5-2019 sau 2 năm cân nhắc, luật được áp dụng đối với các nền tảng mạng xã hội, các cổng tin tức, các nền tảng như nhóm chat, thảo luận trực tuyến. Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng mà luật nhắm tới là các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Twitter vốn bị chỉ trích về vấn nạn tin giả trong nhiều năm gần đây do cơ chế giám sát lỏng lẻo. Căn cứ vào luật mới, người đứng đầu các bộ của Singapore đều có thẩm quyền xác định thông tin nào trong lĩnh vực mà họ quản lý là sai sự thật và buộc các cá nhân, công ty sai phạm đính chính và ngừng phát tán thông tin.

Ngoài ra, Chính phủ Singapore có thể yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet hoặc các nhà cung cấp dịch vụ trung gian chặn mọi hoạt động tiếp cận để bảo vệ các trang thông tin điện tử hoặc phải đối mặt với mức phạt 20.000 USD/ngày với số tiền phạt có thể lên tới 500.000 USD. Riêng Google, Facebook và Twitter sẽ được hưởng quy chế miễn trừ tạm thời trong khi hoàn thiện tính năng cần thiết cũng như có giải pháp công nghệ đáp ứng quy định theo luật của Singapore.

Bộ Tư pháp Singapore nêu rõ theo dự luật mới, các biện pháp trừng phạt hình sự sẽ chỉ được áp dụng nếu như những thông tin này này bị các đối tượng xấu, gây nguy hại cho xã hội lan truyền và các trang mạng từ chối tuân theo yêu cầu của chính quyền.

Tuy nhiên, phát biểu trước Quốc hội Singapore hồi tháng 5, Bộ trưởng Nội vụ K.Shanmugam đã nhấn mạnh rằng không thể dựa vào các công ty công nghệ để họ tự quản lý vấn đề này và “phải chứng tỏ rằng nhà chức trách công bằng nhưng cũng kiên quyết”.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khẳng định các dự luật chống lại nạn tin giả của nước này sẽ là một “bước tiến quan trọng” trong cuộc chiến chống lại thông tin sai lệch trên mạng Internet. Ông khẳng định chính phủ đang hành động vì đất nước và người dân Singapore và sẽ duy trì mục tiêu này trong tương lai.

Indonesia và những hậu quả từ tin giả

Trong bối cảnh tồn tại sự chia rẽ sâu sắc về xã hội, sắc tộc và tôn giáo trong xã hội Indonesia và lịch sử đất nước được biết đến với tình trạng ngược đãi và đổ máu, kiểu nội dung các tin tức giả mạo này đã chứng tỏ là có thể mang tính chất kích động cao.

Tháng 9 vừa qua, làn sóng biểu tình bạo lực đã bùng phát tại tỉnh Papua và tỉnh Tây Papua của Indonesia sau khi hàng nghìn người, chủ yếu là sinh viên đại học, xuống đường nhằm phản đối nạn phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử. Đám đông người biểu tình đã chặn nhiều tuyến đường, đốt phá trụ sở của 7 cơ quan nhà nước, trong đó có trụ sở Hội đồng Lập pháp Khu vực và văn phòng thường trú của hãng thông tấn Antara.

Theo cảnh sát, bạo loạn đã khiến 9 người thiệt mạng, đồng thời gây thiệt hại vật chất ước tính lên tới 4,9 triệu USD. Chính phủ Indonesia phải tăng cường 6.000 binh sĩ và cảnh sát tới các tỉnh Papua và Tây Papua nhằm nhanh chóng ổn định tình hình.

Sau khi ổn định tình hình. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ra lệnh cho cảnh sát điều tra các hành vi phân biệt chủng tộc đối với các sinh viên người Papua, cũng như có hành động kiên quyết đối với các phe nhóm đứng sau các cuộc biểu tình bạo lực vừa qua. Tư lệnh Cảnh sát Indonesia Tito Karnavian tuyên bố ông biết rõ các phe nhóm này có quan hệ với một “mạng lưới quốc tế”.

Trước đó, một người phát ngôn khác của cảnh sát quốc gia, tướng Dedi Prasetyo tiết lộ qua cuộc điều tra chung, lực lượng này cùng Cơ quan Tình báo quốc gia, Cơ quan Mã hóa và An ninh mạng quốc gia (BSSN) đã phát hiện 1.750 tài khoản Facebook và Twitter phát tán 32.000 tin giả với các nội dung mang tính khiêu khích về tình hình Papua, trong đó một số tài khoản được vận hành từ nước ngoài.

Kết quả điều tra đã được gửi cho Bộ Thông tin – Truyền thông và toàn bộ các tin giả đã được xóa khỏi hai mạng xã hội nêu trên. Chính quyền Indonesia đã buộc phải tạm ngừng cung cấp dịch vụ Internet và dữ liệu viễn thông nhằm ngăn chặn người dân tại Papua truy cập mạng xã hội.

Trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống Indonesia, chiến dịch “tin giả” đã nở rộ ở quốc gia đông người Hồi giáo nhất thế giới này. Chiến dịch này lan rộng đến mức mà chính phủ phải tổ chức họp báo hằng tuần để vạch mặt “những kẻ tung tin giả” và đính chính lại “những thông tin thật”.

Tin tức giả mạo ở Indonesia thường tập trung vào những phẩm chất tôn giáo và sắc tộc của ứng cử viên. Một đoạn hình ảnh dường như cho thấy thủ lĩnh đảng Đoàn kết Indonesia, người ủng hộ ông Jokowi, đang mời người dân cùng mình ăn thịt heo sau khi bỏ phiếu. Đoạn hình ảnh này gây sốc đối với một số người Hồi giáo Indonesia bảo thủ và hơn 150.000 người đã dõi xem sau khi nó được công bố. Đoạn hình ảnh này dường như đã bị chỉnh sửa và người thủ lĩnh này thực chất là đang mời người dân ăn mì.

Bạo loạn tại Papua.

Bộ Truyền thông Indonesia công bố báo cáo cho thấy có 700 kẻ tung tin giả hoạt động trong tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử. Các đối tượng này đa dạng, từ những kẻ lạ mặt đến những đối tượng có thể đoán được. Sau cuộc tranh luận tổng thống lần thứ nhất, đã có những tin tức lan truyền về việc Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo (Jokowi) đã được “mớm lời” bằng tai nghe, còn đối thủ của ông là Subianto Prabowo bị cáo buộc sử dụng kính thông minh để “lừa gạt”.

Hồi tháng 2, Facebook thông báo đã “xóa sổ” hàng trăm tài khoản và trang cộng đồng (fanpage) liên quan tới Saracen, một tổ chức Indonesia bị cáo buộc tuyên truyền các thông điệp thù địch và tin tức giả. Saracen trở thành một cái tên gây chú ý tại Indonesia từ 2 năm trước sau khi cảnh sát nước này cáo buộc Saracen cố ý phát tán các nội dung sai lệch thông qua các mạng xã hội. Ít nhất một thành viên của tổ chức này đã bị bắt giam sau cuộc điều tra diện rộng của cảnh sát Indonesia.

Giám đốc phụ trách chính sách an ninh mạng của Facebook, ông Nathaniel Gleicher cho biết nhóm Saracen đã có các hành vi “lạm dụng nền tảng Facebook” thông qua việc điều hành một mạng lưới các tài khoản ảo chuyên phát tán thông tin sai lệch. Cụ thể, Facebook đã xóa bỏ khoảng 800 tài khoản cá nhân, 207 fanpage, 446 nhóm Facebook và 208 tài khoản Instagram liên quan tới Saracen.

Ý tưởng chung sức chống tin giả

Cuối tháng 8 vừa qua, Bộ Kinh tế và Xã hội số Thái Lan thông báo sẽ thành lập trung tâm xác minh tin tức 24h nhằm đối phó với các thông tin giả mạo. Bộ trên cho biết trung tâm này, gồm 4 tiểu ban, sẽ sớm đi vào hoạt động. Theo đó, các tiểu ban sẽ tiến hành xác minh những tin tức liên quan tới thiên tai, kinh tế, chính sách chính phủ, trật tự xã hội và an ninh quốc gia và các vấn đề khác.

Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Xã hội số Puttipong Punnakanta nhấn mạnh việc xác minh các thông tin có ý nghĩa quan trọng vì các tin tức bịa đặt, sai lệch có thể có tác động lớn, đe dọa an ninh, an toàn cũng như tài sản của người dân. Ông cũng cho biết sẽ trao đổi với các nhà cung cấp nền tảng để tìm kiếm sự hợp tác nhằm đặt ra những hướng dẫn và tiêu chuẩn rõ ràng cho trung tâm xác minh sự thật này.

Vươn ra cấp độ khu vực, nhà chức trách Thái Lan cho biết nước này đề xuất các công ty công nghệ thành lập các trung tâm tại mỗi nước thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm ngăn chặn làn sóng tin giả và các tài khoản giả mạo. Sáng kiến trên được đưa ra sau cuộc họp giữa Tổng Thư ký Ủy ban Viễn thông, Phát thanh và Truyền hình quốc gia Thái Lan, Takorn Tantasith và đại diện một số công ty công nghệ, trong đó có các “đại gia” công nghệ Facebook, Line, Amazon, Netflix.

Ông Takorn Tantasith cho biết Thái Lan vừa đề xuất các công ty cung cấp các dịch vụ số hóa trên nền tảng Internet (OTT) lập một trung tâm để xác minh thông tin. Những trung tâm này sẽ đóng vai trò như “một lối tắt” giúp chính phủ các nước dễ dàng hơn khi phát hiện và báo thông tin sai lệch cho những công ty dịch vụ OTT. Từ đó, các nhà cung cấp có thể nhanh chóng gỡ bỏ nội dung không phù hợp theo chỉ thị của nhà chức trách.

Theo ông Tantasith, các trung tâm điều phối và xác minh thông tin nói trên cũng sẽ hỗ trợ kế hoạch của Bộ trưởng Bộ Kinh tế số và Xã hội Thái Lan Puttipong Punnakanta, theo đó ưu tiên các nỗ lực chống lại nạn tin giả và quản lý nội dung trên mạng.

Chưa bao giờ thế giới được tiếp nhận nhiều thông tin như hiện nay khi các kênh thông tin truyền thống như phát thanh, truyền hình, báo chí đã dường như bị lu mờ bởi thông tin trên các mạng xã hội. Với sự phát triển như vũ bão của Internet và mạng xã hội, người ta đã được tiếp cận thông tin đa dạng và đa chiều hơn rất nhiều so với những thế hệ trước đây nhờ đó hàm lượng tri thức, hiểu biết đã tăng đáng kể. Tuy nhiên, do thông tin được đăng tải và truyền đi quá dễ dàng trên Internet và mạng xã hội dẫn đến hiện tượng tin giả, thông tin không có kiểm chứng tràn làn gây ra những hệ quả nghiêm trọng.

Khảo sát do hãng Ipsos thực hiện với sự tham gia của 25.000 người dùng Internet thuộc 25 quốc gia cho thấy Mỹ đứng đầu trong số các nước ghi nhận tình trạng phát tán “tin giả”, tiếp theo là Nga và Trung Quốc. Những người tham gia khảo sát cho biết thêm “tin giả” xuất hiện nhiều nhất trên mạng xã hội Facebook, tiếp đó là một số nền tảng khác như YouTube, Twitter và các trang blog.

Hơn bao giờ hết, mỗi quốc gia Đông Nam Á phải nỗ lực tăng cường sự quản lý hiện tượng mới này để đảm bảo sự lành mạnh của môi trường thông tin xã hội, hạn chế tối đa các tiêu cực để đảm bảo phát triển lành mạnh kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định chính trị.

Nam Sơn/ CAND 

Đọc nhiều