ĐỘNG LỰC QUAN TRỌNG NHẤT

Thu An 08/05/2025 15:03

Trong suốt hành trình Đổi mới và mở cửa, kinh tế tư nhân Việt Nam đã nhiều phen phải vượt qua định kiến, bước qua rào cản để tồn tại và lớn mạnh. Đã có lúc khu vực này bị xếp vào hàng “thứ yếu”, bị bó buộc trong những vòng kim cô của tư duy cũ kỹ. Thế nhưng, dòng chảy lịch sử luôn vận động. Và hôm nay, với Nghị quyết 68 vừa được Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành, Việt Nam chính thức bước vào kỷ nguyên mới: lần đầu tiên, kinh tế tư nhân được khẳng định là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt doanh nhân tiêu biểu chiều 11-10-2024

Đây không chỉ là sự điều chỉnh ngôn từ giữa các văn kiện. Đây là bước ngoặt tư duy, một lời hiệu triệu cải cách mạnh mẽ nhất kể từ sau Đổi mới. Bộ Chính trị đã lựa chọn tháo bỏ những tàn dư của định kiến, mở toang cánh cửa để khu vực tư nhân bước lên: trở thành trung tâm của tăng trưởng, là hạt nhân của đổi mới sáng tạo và là lực lượng tiên phong trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.

Nếu nhìn lại, quá khứ từng chứng kiến những bước chập chững đầu tiên của doanh nghiệp tư nhân. Năm 2017, Nghị quyết 10 mới chỉ dè dặt gọi khu vực này là “một trong những động lực quan trọng”. Đó là cú hích đầu tiên, nhưng chưa đủ để xóa bỏ sự lưỡng lự kéo dài nhiều thập kỷ. Phải đến Nghị quyết 68, tuyên bố dứt khoát mới vang lên: kinh tế tư nhân chính là động lực quan trọng nhất. Câu chữ ngắn gọn ấy, nhưng sức nặng thì lớn lao. Bởi nó chính thức đặt dấu chấm hết cho mô hình tăng trưởng cũ — vốn lệ thuộc vào đầu tư công, FDI và doanh nghiệp Nhà nước.

Con đường phía trước được vạch ra rõ ràng: Việt Nam sẽ phải dựa vào chính các doanh nghiệp tư nhân của mình để bứt phá, để vươn lên trên bản đồ kinh tế thế giới.

Bởi thực tiễn đã chứng minh, khu vực tư nhân chính là trụ cột đang gánh vác nền kinh tế này. Họ không chỉ đóng góp 50% GDP, 30% ngân sách mà còn tạo ra hơn 80% việc làm cho người lao động. Đó không còn là những con số khô khan, mà là minh chứng sống động cho sự bền bỉ và sức bật của hàng triệu doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã trên khắp cả nước. Trong từng công trình xây dựng, trong từng sản phẩm xuất khẩu, trong từng công nghệ mới được ứng dụng, dấu ấn của doanh nghiệp tư nhân ngày một rõ nét, không thể bị xem nhẹ hay che mờ.

Điều đó càng trở nên cấp thiết khi thế giới đang bước vào kỷ nguyên chuyển đổi số, kinh tế xanh và các chuỗi giá trị toàn cầu mới. Chỉ có khu vực tư nhân — với sự linh hoạt, nhanh nhạy và khả năng đổi mới — mới đủ sức giúp Việt Nam trụ vững và bứt phá giữa những biến động. Khi mô hình tăng trưởng dựa vào tài nguyên, lao động giá rẻ và đầu tư công đã chạm trần, thì chính các doanh nhân Việt Nam, với khát vọng và bản lĩnh, sẽ là người dẫn đường, mở ra không gian phát triển mới cho quốc gia.

Thế nhưng, để cuộc trỗi dậy ấy thực sự mạnh mẽ, Nghị quyết 68 cũng đặt ra yêu cầu lịch sử với Nhà nước: phải dứt khoát từ bỏ cơ chế “xin-cho” đã lỗi thời, phải kiến tạo thể chế minh bạch, công bằng và bảo vệ tuyệt đối quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh. Nhà nước không còn là “người canh cổng” kiểu cũ, mà phải trở thành người đồng hành, là bệ đỡ cho sức bật của khu vực tư nhân.

Đây là thách thức không nhỏ. Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy, doanh nghiệp tư nhân vẫn gặp vô vàn rào cản: 68% khó tiếp cận vốn; 54% vướng thủ tục hành chính; 47% kẹt trong bài toán đất đai. Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam dù cải thiện nhưng vẫn xếp sau nhiều nước ASEAN, trong khi chi phí không chính thức vẫn là gánh nặng dai dẳng.

Doanh nghiệp cần có những cách thức để vừa nắm bắt được kinh nghiệm nước ngoài, vừa tham gia được vào các chuỗi giá trị toàn cầu đồng thời có nhiều công nghệ phát triển, đại diện một doanh nghiệp nhấn mạnh

Bài học từ các quốc gia thành công như Hàn Quốc, Đài Loan cho thấy: sự trỗi dậy của khu vực tư nhân chỉ diễn ra khi thể chế được cởi trói triệt để, khi vốn, đất đai, công nghệ và nhân lực được tự do chảy vào các lĩnh vực năng suất cao.

Nghị quyết 68, vì vậy, không chỉ là tuyên bố chính trị. Nó là khởi đầu của một kỷ nguyên mới. Đó là lời hiệu triệu dành cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam: đã đến lúc bứt phá, khẳng định vị thế trên trường quốc tế như những ngọn cờ đầu của một Việt Nam hùng cường. Đồng thời, đó cũng là cam kết của bộ máy chính quyền: sẽ cởi trói, sẽ trao quyền, sẽ để tinh thần kinh doanh người Việt bung nở mạnh mẽ nhất trong lịch sử.

Kinh tế tư nhân, từ hôm nay, không chỉ là động lực.

Nó chính là trụ cột sẽ kiến tạo tương lai Việt Nam!

Thu An

Đọc nhiều