ĐỘNG LỰC 50% GDP VÀ BÀI KIỂM TRA LỚN CỦA THỂ CHẾ

Thu An 08/05/2025 15:05

Trong Nghị quyết 68 vừa được Bộ Chính trị ban hành, khu vực kinh tế tư nhân chính thức được khẳng định là “một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân”. Câu chữ tưởng như chỉ là sự thay đổi về chính sách, nhưng thực ra đây là sự đoạn tuyệt với tư duy cũ, khi doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) từng được coi là trụ cột chủ đạo.

Dự án Đạm Ninh Bình là một trong 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương

Thực tế, nếu nhìn ra thế giới, điều này không có gì mới. Ngoại trừ Trung Quốc với những “đặc thù” riêng, chẳng có nền kinh tế giàu mạnh nào chọn DNNN làm đầu tàu. Từ Mỹ — nơi các tập đoàn công nghệ như Apple, Microsoft gánh phần lớn tăng trưởng; đến Đức — cường quốc công nghiệp dựa vào các doanh nghiệp gia đình (Mittelstand); hay Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan — nơi các tập đoàn tư nhân từ Samsung, TSMC đến Toyota trở thành biểu tượng quốc gia. Điểm chung: khu vực tư nhân mới là động lực thực sự.

Tại Việt Nam, câu chuyện này không mới, nhưng quá trình thừa nhận lại không hề dễ dàng. Dù đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% ngân sách và sử dụng tới 82% tổng số lao động, khu vực kinh tế tư nhân suốt nhiều thập niên vẫn phải “tự lực cánh sinh” trong môi trường kém thuận lợi. Họ không được ưu ái về vốn, phải vật lộn với đất đai rắc rối, công nghệ hạn chế, và muôn vàn thủ tục nhũng nhiễu. Khi khó khăn, họ tự gánh. Khi thua lỗ, không ai cứu. Trái ngược với DNNN — khu vực thường xuyên nhận được hỗ trợ, dù hiệu quả kinh doanh bết bát.

Thậm chí, quá trình cổ phần hóa DNNN — từng được kỳ vọng như cuộc cách mạng — nhiều nơi lại biến tướng thành “của công hóa của ông, bà”, chứ không thực sự tạo nên cú hích cho tăng trưởng kinh tế thực chất. Câu chuyện này không chỉ dừng ở khía cạnh sở hữu, mà còn là minh chứng cho thách thức thể chế: làm thế nào để tài sản công được vận hành hiệu quả trong môi trường thị trường.

Không ngoa khi nói, doanh nghiệp tư nhân đã từng là “con ghẻ” trong chính nền kinh tế mà họ đang gánh vác phần lớn. Các khảo sát gần đây cho thấy bức tranh rõ ràng: 68% doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận vốn; 54% vướng mắc trong thủ tục hành chính; và 47% loay hoay với vấn đề đất đai. Chỉ số môi trường kinh doanh năm 2024 của Việt Nam vẫn đứng sau nhiều nước trong khu vực ASEAN, trong khi chi phí không chính thức và thời gian thực hiện thủ tục vẫn là nỗi ám ảnh của doanh nghiệp.

Ấy vậy mà, khu vực tư nhân Việt Nam vẫn trỗi dậy mạnh mẽ: với hơn 940.000 doanh nghiệp và 5 triệu hộ kinh doanh, đóng góp nửa GDP quốc gia, họ chính là lực lượng gánh vác nền kinh tế trong bối cảnh DNNN trì trệ và FDI dần chuyển hướng đầu tư vào các quốc gia lân cận.

Điều đáng mừng là Nghị quyết 68 không né tránh thực trạng. Văn kiện này nhận diện đúng những điểm nghẽn cốt lõi: thể chế chồng chéo, tiếp cận nguồn lực hạn chế, và môi trường kinh doanh thiếu thuận lợi. Lần đầu tiên, Nghị quyết không chỉ nói về việc “tạo điều kiện chung chung”, mà đưa ra các giải pháp cụ thể: cải cách thể chế, hoàn thiện chính sách bảo đảm quyền sở hữu, thúc đẩy tiếp cận tín dụng xanh, khuyến khích chuyển đổi số và kinh doanh bền vững.

Điểm đáng chú ý nhất là tuyên bố rõ ràng: “Cái gì tư nhân làm tốt hơn thì để họ làm”. Nhà nước chỉ giữ vai trò điều phối trong các lĩnh vực then chốt như an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội. Đây là sự đoạn tuyệt rõ ràng với tư duy “DNNN là chủ đạo” từng tồn tại suốt nhiều thập niên.

Tuy nhiên, từ nghị quyết đi vào thực tế, khoảng cách vẫn còn xa. Để Nghị quyết 68 không chỉ là khẩu hiệu, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn phải vượt qua những bức tường thách thức hữu hình mỗi ngày: thủ tục giấy tờ chồng chéo, chi phí không chính thức, rào cản tín dụng, và sự phân biệt đối xử ngầm vẫn đang đè nặng lên hành trình phát triển.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác khảo sát, àm việc tại dự án Tisco2.

Bài học từ các quốc gia thành công như Hàn Quốc, Đài Loan là rõ ràng: sự trỗi dậy của khu vực tư nhân không chỉ đến từ chính sách khuyến khích, mà còn nhờ cuộc cải cách thể chế mạnh mẽ, cởi bỏ mọi rào cản để vốn, đất đai, công nghệ và nhân lực chảy vào khu vực năng suất cao.

Kinh tế tư nhân Việt Nam — với đóng góp 50% GDP — giờ đây đang đứng trước bài kiểm tra lớn: liệu thể chế có thực sự đổi mới để cởi trói, hay những rào cản vô hình sẽ tiếp tục níu chân khu vực đang gánh vác phần lớn nền kinh tế?
Nghị quyết 68 đã tạo ra kỳ vọng, nhưng thành công hay không, còn chờ bản lĩnh thực thi — và sự quyết liệt trong việc tháo gỡ từng rào cản cụ thể mà doanh nhân Việt Nam vẫn đang đối mặt hàng ngày.

Thu An

Đọc nhiều