Đồng lòng tháo gỡ khó khăn sau đại dịch

09/06/2020 09:05

Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế – xã hội, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao thành quả của Việt Nam trong việc chống Covid-19, đồng thời đặt ra vấn đề phục hồi ra sao ‘hậu Covid-19’.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thảo luận tại tổ /// Ảnh: Gia Hân
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thảo luận tại tổ

Thảo luận tại tổ chiều 8.6 về tình hình kinh tế – xã hội, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao thành quả của Việt Nam trong việc chống Covid-19, đồng thời đặt ra vấn đề phục hồi ra sao ‘hậu Covid-19’.

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), nguyên Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư, cho rằng qua cuộc chiến chống Covid-19, ông nhận ra sức mạnh của Việt Nam; sức mạnh của sự đoàn kết, đồng lòng. Nhiều ĐB khác cũng đánh giá cao thành quả chống dịch của Việt Nam.

Không chuẩn bị tốt là mất cơ hội

Tuy nhiên, bài toán lớn đặt ra là phục hồi sau dịch.

ĐB Thuận Hữu (Hải Phòng) cho rằng muốn phục hồi kinh tế Việt Nam cũng không thể đi trước thế giới được, vì còn rất nhiều phụ thuộc. Đơn cử, sẽ có làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhưng Trung Quốc có quá nhiều lợi thế khiến doanh nghiệp nước ngoài không thể muốn là có thể rời đi ngay. Việt Nam lại không có nền công nghiệp phụ trợ tốt như Trung Quốc, nên kể cả khi nhà đầu tư có dịch chuyển, thì liệu Việt Nam có thể có nền công nghiệp phụ trợ không; hay lại vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc…

ĐB Thuận Hữu cũng cho rằng Việt Nam ít lợi thế hơn các nước khác trong khu vực, như: Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan… Do đó, trong chiến lược đón làn sóng đầu tư, phải nhìn lâu dài về: công nghiệp phụ trợ, thị trường lao động, nền kinh tế số… Trong báo cáo của Chính phủ chưa nói giải pháp chuẩn bị cho sự chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài; chưa chuẩn bị tốt thì mất đi cơ hội.

Hình thành mô hình quản trị cho Việt Nam là rất mới và khó

Phát biểu hơn 40 phút tại tổ, giải trình về một số băn khoăn của các ĐB Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết để hình thành mô hình quản trị cho một đất nước gần 100 triệu dân, theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là vấn đề “rất mới, rất khó”.

Về thành quả kinh tế – xã hội, Thủ tướng nhắc lại việc năm 2019 là năm thứ 3 liên tiếp VN hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu T.Ư Đảng, Quốc hội giao. Tuy nhiên, theo Thủ tướng vẫn còn “nhiều tồn tại, bất cập ở một đất nước đang trong quá trình đổi mới”.

“Trong thành tích chung có tồn tại, bất cập; tiếp tục xử lý, giải quyết tốt nhất; đồng thời, những vi phạm pháp luật phải xử lý nghiêm… Số lượng vi phạm xử lý trong nhiệm kỳ này vô cùng lớn; gần 100 cán bộ cao cấp, không phải ít. Cái giá phải trả lớn như thế! Nói như vậy để thấy, Đảng ta nghiêm túc; Chính phủ nhìn thẳng vào sự thật”, Thủ tướng nhìn nhận.

Không vì tiếc 20 triệu du khách mà hy sinh thành quả

Thủ tướng đặt vấn đề toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đồng lòng hợp sức, các cấp, các ngành vào cuộc cùng tháo gỡ khó khăn sau đại dịch. Theo đó, Thủ tướng cho biết sẽ trình ra Quốc hội việc không đặt chỉ tiêu tăng trưởng 6,8%, mà phấn đấu cao nhất từ 4 – 4,5%, hoặc cao hơn.

Theo Thủ tướng, trong nhiệm kỳ tới, Việt Nam phải có những chủ trương biện pháp tốt hơn nữa; tháo gỡ những khó khăn; chống bệnh quan liêu, xa dân, để làm sao mọi người dân các thành phần kinh tế, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, đầu tư nước ngoài có thể phát triển tốt hơn, đón nhận dòng đầu tư mới vào Việt Nam để phát triển…

“Vừa rồi, tôi đã có bức thư gửi đến chủ tịch, bí thư các tỉnh, và kể cả các bộ trưởng, nhắn rằng các đồng chí phải tập trung chỉ đạo xử lý vấn đề đầu tư công tại địa phương mình. Lần này, Bộ Chính trị, Chính phủ đã trình Quốc hội một cơ chế, nếu như năm nay bộ nào, địa phương nào không giải ngân vốn đầu tư công thì chúng tôi điều chuyển vốn đi chỗ khác. Cho nên, yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên, toàn dân một lòng đoàn kết, quyết tâm, đổi mới sáng tạo để đưa đất nước tiến lên trong giai đoạn khó khăn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cho biết năm nay Việt Nam có thể mất khoảng 20 triệu khách du lịch quốc tế, nhưng Thủ tướng nói không phải vì tiếc 20 triệu khách đó mà mở cửa ào ạt để xảy ra lây nhiễm Covid-19.

Bức xúc các dự án tồn đọng

Nêu ý kiến thảo luận tại tổ, ĐB Thuận Hữu (Hải Phòng) đề nghị cần có giải pháp giải quyết những tồn đọng lớn, gây bức xúc, đặt ra nhiều năm nhưng chưa xử lý được, đặc biệt là các dự án “đắp chiếu”, “trùm mền” từ gang thép Thái Nguyên, nhiệt điện Thái Bình cho tới đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Theo ông Hữu, những dự án như nhiệt điện Thái Bình, gang thép Thái Nguyên chỉ còn một đoạn nữa nhưng không xử lý được, khiến “mỗi ngày mở mắt ra là thiệt hại một chiếc ô tô Toyota Camry”, “rất đau khổ”. Còn dự án Cát Linh – Hà Đông, theo ông Hữu, giống như “một nhát dao chém vào lòng tin của người dân”.

Nêu ý kiến sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận có rất nhiều khiếm khuyết, tồn đọng, nhất là đối với các dự án thua lỗ, chậm triển khai, song việc khắc phục không phải chuyện ngày một, ngày hai. Dẫn ví dụ về dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Thủ tướng cho biết tới nay, phía đối tác vẫn chưa chịu bàn giao hồ sơ an toàn cho Việt Nam. Thủ tướng cũng cho hay sắp tới có thể bàn dứt điểm được. “Cố gắng trước Đại hội Đảng mà tàu chạy được thì rất may mắn”, Thủ tướng nói.

PV/TN

Đọc nhiều