Đồng bằng sông Cửu Long: Khi mặt biển là những cánh đồng điện gió
Bờ biển các tỉnh ĐBSCL từ Bến Tre cho đến Cà Mau đâu đâu cũng quy hoạch điện gió. Bờ biển bồi, sình lầy ngày nào nay được xem là những cánh đồng điện gió nằm nép mình bên những cánh rừng phòng hộ ven biển. Hàng ngày âm thầm nhả điện để vực dậy miền đất ven biển phía Nam ngày cành vươn xa, trở thành thủ phủ năng lượng của cả nước.
Không còn sợ…gió
Đầu năm 2019, có khoảng 50 dự án điện gió đăng ký đầu tư ở Việt Nam. Đến đầu năm 2021 này, con số dự án đã lên đến gần 100. Trong đó, có những dự án đã đưa vào quy hoạch, có dự án vẫn chờ thời cơ để được đầu tư. Điểm chung của hầu hết dự án điện gió là đều nằm ven biển.
Tại tỉnh Trà Vinh, vào tháng 8/2017, tỉnh này đã tổ chức trao giấy chứng nhận đầu tư hơn 125 triệu USD Dự án Nhà máy điện gió Duyên Hải (giai đoạn 1) cho 2 nhà đầu tư là Công ty cổ phần Năng lượng Dầu khí Châu Á (TP.Hồ Chí Minh) và Tập đoàn UNISON (Hàn Quốc).
Dự án Nhà máy điện gió Duyên Hải sẽ xây dựng tại xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, với công suất thiết kế 48,3MW, bao gồm 21 tuabin, mỗi tuabin 2,3MW; sản lượng điện cung cấp hằng năm hơn 135.200MWh.
Hiện nay, trên cả nước mới chỉ có 4 dự án với tổng công suất 159,2MW đi vào vận hành thương mại. Trong đó, dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu có công suất lớn nhất trong số 4 dự án điện gió đang hoạt động tại Việt Nam.
Tại Cà Mau, các nhà đầu tư đề xuất trên 20 dự án, đề án điện gió, với tổng công suất 8.480MW. Hiện có 7 đề án được tỉnh đồng ý cho tiếp cận nghiên cứu, với công suất trên 4.200MW.
Tại Sóc Trăng, với chiều dài bờ biển 72km, cũng được xem là lợi thế phát triển điện gió. Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng Lê Thành Thanh cho biết: “Khảo sát của các nhà đầu tư cho thấy các vùng ven biển Sóc Trăng có tiềm năng lớn về điện gió. Bờ biển dài và rộng, tốc độ gió (ở độ cao 120m) tại khu vực bãi bồi ven biển đạt trung bình khoảng 8,3m/giây; thuận lợi phát triển điện gió trong đất liền và ngoài khơi, tương đương quy mô công suất khoảng 7.000MW”.
Hiện Sóc Trăng được Trung ương chấp thuận bổ sung quy hoạch 20 dự án điện gió. Các dự án này đang triển khai, dự kiến tháng 10.2021 đưa vào vận hành 8 dự án, số còn lại vận hành năm 2022 và 2023.
Bến Tre, từ nay đến năm 2030 được Bộ Công Thương phê duyệt về phát triển điện gió ở vùng đất liền ven biển và vùng bãi bồi với diện tích 39.320ha. Đến thời gian này, Bến Tre được phê duyệt 6 nhà máy điện gió. Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Niệm cho biết, tỉnh vừa có thêm 828MW được Trung ương đồng ý bổ sung vào quy hoạch đối với 13 dự án điện gió. Như vậy, tổng công suất các dự án điện gió mà UBND tỉnh trình và chờ xem xét bổ sung quy hoạch đạt 5.370MW. Ngoài ra, các nhà đầu tư khác đang khảo sát, lập hồ sơ, với quy mô hơn 1.000MW. Trong đó, có dự án điện gió ngoài khơi, cách bờ biển đến 42km.
Gió sẽ thành tài nguyên
Hàng loạt những dự án điện gió đang và đã và sẽ triển khai tại bãi bồi ven biển ĐBSCL. Điều này cho thấy gió bây giờ không còn đem đến đau thương, mất mát bằng những cơn bão thổi từ biển vào. Gió đã là nguồn thu hút đầu tư của các tỉnh. Là tài nguyên thật sự để các tỉnh ven biển ĐBSCL thay đổi cơ cấu kinh tế, phát triển mạnh từ đây đến năm 2045.
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng: “Với các dự án điện gió, điện khí khóa lỏng, điện mặt trời đi vào hoạt động, Bạc Liêu sẽ là tỉnh có tốc độ tăng trưởng khá. Khi tất cả các nhà máy hoạt động, nguồn thu cho tỉnh đủ để cân đối ngân sách”.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau nhận định: “Các dự án điện gió ven biển tại Cà Mau không những đem đến nguồn năng lượng, thu nhập cho nhà đầu tư mà còn mở ra cơ hội để Cà Mau phát triển du lịch ven biển. Đó là du lịch điện gió”.
Thực tế, Nhà máy Điện gió Bạc Liêu sau khi khai thác du lịch chưa đến 2 năm đã trở thành điểm đến du lịch của ĐBSCL.
Các tỉnh ĐBSCL đang hồi sinh vùng bãi bồi ven biển bằng những dự án điện gió. Những bờ biển đang dần trở thành những cánh đồng điện gió là điều không xa.
Nhật Hồ