28
category
355349

Đón xuân này nhớ xuân xưa

23/01/2020 11:30

Đã là năm thứ ba ở Mỹ, dần quen với cuộc sống mới nhưng cứ đến mùa Tết, nỗi nhớ mùa xuân nước Việt lại cuộn về…

Đón xuân này nhớ xuân xưa - Ảnh 1.

Tết Việt là khi mùa xuân đến nhưng ở Mỹ vẫn là mùa đông. Nếu không trúng vào dịp cuối tuần, Tết chỉ có một ngày mùng một. Chơi Tết trong cộng đồng, ăn Tết với gia đình chỉ gói gọn trong một ngày nghỉ hiếm hoi ấy thôi.

Thế nhưng với má chồng tôi thì khác. Từ tháng 11, bà đã gói bánh ú, bánh chưng, xào tương ớt, rim thịt xá xíu, ngâm dưa món…, những món không thể thiếu trong ngày Tết của người Hội An.

Bà giải thích: phải làm sớm để còn gửi bưu điện cho con, cháu và người thân quen ở các tiểu bang khác. Ngoại trừ Cali có cộng đồng người Việt lớn nhất nước Mỹ, khí hậu ôn hòa, dễ chịu, các tiểu bang khác đa phần đều có mùa đông khắc nghiệt, thực phẩm không gửi sớm, đôi khi bưu điện không thể giao nhận vì băng tuyết.

Gần 30 năm ở Mỹ, má vẫn giữ nếp ngày Tết như những ngày thơ ấu, ngày mà chính bà còn là cô bé con bận rộn phụ việc cho gia đình bà ngoại để được ăn học vì mồ côi cha sớm. Những mùa Tết xưa ấy kéo dài cả tháng với đủ loại món ăn được làm lần lượt để biếu, để tặng khắp lượt những gia đình thân quen.

Tôi hỏi má chồng về ngày Tết ở Hội An. Vốn gia đình Nho giáo nên mọi lễ nghĩa, cúng kiếng ông bà tổ tiên dòng tộc đầu năm rất được coi trọng, nhất là thanh minh tảo mộ. Dù ăn học, làm việc ở đâu, ăn Tết vui xuân thế nào cũng được, nhưng tưởng nhớ tổ tiên là một nhiệm vụ nhất định phải hoàn thành.

Cách nửa vòng trái đất, bà vẫn giữ đúng tục 23 tháng chạp đưa ông Táo, 29 Tết cúng rước ông bà, mùng 3 lại cúng tiễn. Với hầu hết các gia đình người Việt ở Mỹ khác, các nghi thức này đều đã được giản lược gọn lại trong một, hai ngày.

Giữ gìn nhiều nhất nơi này là áo dài. Hai cái Tết đầu tiên ở Mỹ, lần nào tôi cũng rưng rưng khi tham gia Hội hoa Tết của người Việt. Già, trẻ, đàn ông, đàn bà, trẻ em đều xúng xính áo dài. Không có quy định trang phục, chỉ là tự nhiên ai cũng cảm thấy không thể có lựa chọn nào khác ngoài áo dài.

Cảm giác rưng rưng khi nhìn thấy áo dài chưa từng có khi tôi ở Việt Nam. Những nhà có dâu, rể là người nước ngoài, được mặc áo dài dịp Tết, chúc thọ cha mẹ, mừng tuổi cháu con lại càng mê.

Đón xuân này nhớ xuân xưa - Ảnh 2.

Những khoảnh khắc ấy ai cũng muốn chụp ảnh. Với những chiếc điện thoại hiện đại, chỉ một khắc là có tấm ảnh màu rực rỡ, nhưng cảm giác dành một bộ đồ mới nhất, chọn nhành mai tươi nhất, chờ lúc gia đình đủ đầy thành viên nhất để chụp cùng nhau tấm ảnh thì vẫn như những ngày xưa…

Khi xưa, gia đình má có một tiệm chụp hình ở Hội An, tiệm Nghĩa Ảnh, cái tên vẫn lưu lại bảng hiệu ở phố Lê Lợi đến bây giờ. Nghĩa Ảnh chuyên tay chụp chân dung. Cậu Nghĩa, anh của má, kể: “Hồi đó tôi còn làm ảnh lấy liền di động, tức là cầm theo một cái hộp đen làm buồng tối tráng phim rọi ảnh, giao liền”.

Hội An trước 1975 đã sầm uất, ít khách Tây hơn bây giờ nhưng ai ở hay đến Hội An đều ăn mặc rất thanh nhã, ngày Tết càng mặc đẹp hơn. Phụ nữ mặc áo dài, mang nón lá, ngay cả người gánh tào phớ, hàng rong cũng mặc áo dài.

Ký ức của những người già kéo tôi về với những mùa Tết của mình. Cũng chỉ mới đây thôi…

Ở Nam Phước, Quảng Nam, ba tôi mở một tiệm chụp ảnh. Ngày ấy, nghề chụp ảnh hái ra tiền mỗi dịp Tết, là những ngày bận rộn nhất của cả nhà. Ba mẹ bận rộn thì con cái cũng không được đi chơi, xúng xính áo mới ra vào phụ việc nhà. Tỉnh lẻ, ít tiệm, thợ chụp hình như ba tôi hiếm lắm, đắt giá lắm.

Cận Tết là có người đạp xe tới nhà đặt lịch chụp ảnh gia đình đầu năm, y như một phong tục Tết. Ba bảo: “Chụp ảnh Tết ngó chớ cầu kỳ. Chụp cả gia đình càng không được cẩu thả. Rọi ảnh ra mà thấy thằng cu ngó xuống, con bé ngó qua, hay người đằng trước che mất cằm người đứng sau là biết khi giao hình nghe họ càm ràm rồi đó”.

Những bức ảnh Tết thường được phóng to, trang trọng treo trong nhà nên người chụp phải hết sức chi tiết mà hướng tập trung của tất cả mọi người vào khoảnh khắc bấm máy. Câu đếm: “1, 2… Cười!” xuất hiện từ đó. Có anh thợ bất cứ cảnh nào cũng: “1, 2, 3… Cười lên đi emmm ơiiii”, vậy là ra hình có người cười rộng mang tai.

Nhà tôi bận rộn hơn cả vì có phòng tối, thợ chụp cả ngày rồi tập trung về làm ảnh. Tôi vẫn hay trốn ngủ, nấp sẵn ở buồng tối xem rọi ảnh. Tờ giấy trắng được ngâm vào thau thuốc đen, một hai phút hình ảnh hiện lên rõ dần như có phép thuật, đứa trẻ nào không mê. Ảnh đậm màu hay không là do lúc pha thuốc và thời gian ngâm ảnh.

Tôi mê lắm nhiệm vụ chuyển ảnh từ thau nước thuốc sang nước lạnh cho sạch rồi vớt ảnh kẹp lên dây cho ráo nước, mang ra ngoài sấy khô… Các loại thực phẩm Tết như bánh tét, bánh lăn, bánh nổ tới tấp phục vụ cho đội ngũ thợ ảnh trong nhà.

Những năm sau hết phong trào chụp ảnh ở các tụ điểm, các tiệm ảnh dựng cảnh nhân tạo tại nhà. Ba trang trí lại mảnh vườn cũ, treo những tấm thiệp lên cây mai, vẽ hình những con giáp trong năm. Tết lại vẫn là những ngày bận rộn.

Xếp xe đạp, viết biên nhận, trang điểm… Dù đã chuyển sang máy kỹ thuật số, ba vẫn mua vài cuộn phim, đeo cái máy Pentax đời cũ rất cũ, ông rảo xe quanh một vài xóm chụp cảnh xuân, chụp cho những người già chỉ có thể đón Tết ở nhà.

Bận rộn trong suốt những mùa Tết tuổi thơ nhưng đó lại là tháng năm sum vầy đúng nghĩa. 10 năm trước, sau một mùa Tết, ba tôi ra đi. Khách chụp ảnh mỗi mùa sang Tết vẫn đến nhưng người chụp ảnh không còn.

Mỗi năm, Tết đến mọi nơi có người Việt sinh sống nhưng không còn ghé nhà tôi nữa. Ở Mỹ, cộng đồng người Việt lưu giữ Tết đầy ý nghĩa, mỗi đại gia đình hay từng gia đình nhỏ đều thấm thía dịp Tết dù ngắn ngủi nhưng là dịp sum vầy tình thân.

Ấm áp lắm nhưng không phải không khắc khoải. Má chồng tôi dù đủ đầy con cháu bên mình nhưng bà vẫn không thể nén tiếng thở dài khi cắm cây nhang lên bàn thờ, không thể nuốt ngược nước mắt ngóng trông nếu một trong những đứa con ngày Tết không về. Trên thế giới bao la này, đâu hiếm những bà mẹ Việt như vậy.

Bất giác nhận ra Tết nếu không có quá khứ, không có kỷ niệm về cha mẹ sẽ rất vô vị. Bất giác nghĩ thầm khi may mắn còn đủ đầy cha mẹ, còn được ăn Tết trong sum vầy tình thân thì khi đó đời mình còn những mùa xuân đẹp nhất.

Đón xuân này nhớ xuân xưa - Ảnh 3.
“Gia đình tôi đóng bộ áo dài chuẩn bị đi chúc Tết”

MỸ TRÂM/TT

Tags :
Đọc nhiều