Dồn toàn bộ nguồn lực đón “đại bàng”

Bảo Trâm 09/04/2024 15:24

Quý 1/2024, đã có hơn 6,17 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, vốn đăng ký mới đạt hơn 4,77 tỷ USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hạ tầng cảng biển đã và đang được Chính phủ nâng cấp lên từng ngày nhằm đón đại bàng

Triển vọng tăng trưởng kinh tế được đánh giá cao, còn lạm phát thì không quá đáng lo ngại.

Có lẽ đó cũng là một phần lý do khiến niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục được củng cố, minh chứng qua con số 6,17 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới trong quý 1/2024, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.

Dòng vốn FDI có xu hướng tích cực

Tuần đầu của quý II, Tập đoàn Geleximco và thương hiệu xe Omoda & Jaecoo (thuộc tập đoàn Chery, Trung Quốc) ký kết hợp đồng liên doanh tại Hà Nội. Hai bên sẽ xây dựng một nhà máy tại Việt Nam với công suất 200.000 xe ô tô/năm, để sản xuất các mẫu xe mang thương hiệu Omoda & Jaecoo.

Nhà máy sản xuất ô tô thương hiệu Omoda & Jaecoo sẽ được đặt tại tỉnh Thái Bình, đồng thời doanh nghiệp (DN) sẽ xây dựng đường cao tốc đi các bến cảng, Móng Cái và Lạng Sơn để phục vụ cho việc xuất khẩu. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (2024-2026) cho nhà máy này là 800 triệu USD (hơn 19.900 tỷ đồng), bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2026 với công suất dự kiến 50.000 xe/năm.

Việc nhà đầu tư Trung Quốc chọn Việt Nam có lẽ sẽ mang lại một khởi đầu thuận lợi ở việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong quý II, mà trước đó vào quý I việc thu hút vốn FDI cũng đã khá thành công với con số 6,17 tỷ, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.

Nhật Bản có gần 5.000 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký gần 70 tỷ USD. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ông Lương Dương Hồng (Liang Yang Hong) – Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp DN thuộc Hiệp hội Trung Quốc, Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm thương mại điện tử quốc tế Trung Việt Trung (Bắc Ninh – Việt Nam) chia sẻ, Việt Nam là một quốc gia tiềm năng để phát triển thị trường, với rất nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã được ký kết – đây là tấm vé để đưa hàng hóa Việt Nam xuất khẩu tới nhiều thị trường.

Nhìn lại việc thu hút vốn FDI trong quý I, có thể thấy nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực năng lượng, bao gồm: Sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic, các dự án sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng đã được đầu tư mới và mở rộng vốn.

Có thể kể hàng loạt dự án trong các lĩnh vực này được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư trong 3 tháng đầu năm 2024 như: Dự án 120 triệu USD của Boviet Hải Dương, chuyên sản xuất tấm tế bào quang điện năng lượng mặt trời; dự án 454 triệu USD của Trina Solar Cell tại Thái Nguyên; hay dự án 275 triệu USD của Gokin Solar Hải Hà Việt Nam tại Quảng Ninh…

Đáng chú ý, Đồng Nai là một trong những địa phương lọt vào top 10 thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước trong quý I/2024. Nguồn vốn FDI vào Đồng Nai chủ yếu tập trung các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp được cấp phép mới.

Cải thiện môi trường đầu tư

Để có thể thu hút FDI chất lượng hơn, hiệu quả hơn, Giáo sư-Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho biết có 4 giải pháp cần thực hiện đó là, ưu tiên hàng đầu vẫn là hoàn thiện thể chế, luật pháp. Đi kèm với đó, là thực thi thể chế, chính sách, gắn liền với phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.

TPHCM có hạ tầng giao thông hiện đại nhất cả nước, với tuyến Metro số 1 chuẩn bị đưa vào vận hành chính thức.

Còn Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, bà Nguyễn Thị Hương cho rằng hiện nay, Việt Nam cũng đang tập trung vào các đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, với chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực, nhiều tập đoàn đa quốc gia.

Đặc biệt là các tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ, điện tử, bán dẫn đã và đang nghiên cứu, thành lập cứ điểm sản xuất tại Việt Nam.

Mới đây, tại Diễn đàn Chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cũng cho biết sản xuất điện tử, chip bán dẫn, sản xuất thông minh là lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư hàng đầu của Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, cạnh tranh thu hút đầu tư trong các lĩnh vực điện tử, bán dẫn đang rất khốc liệt, nước nào nhanh nhạy, có những chính sách phù hợp, quyết liệt thì sẽ làm chủ và tranh thủ được làn sóng mới. Việt Nam cũng đang nỗ lực để tận dụng cơ hội này.

Tập đoàn JiaWei (Đài Loan) đầu tư 3 dự án tại khu công nghiệp Mỹ Thuận tỉnh Nam Định.

“Bên cạnh nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các ngành công nghệ cao, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết giao Chính phủ xây dựng Nghị định về Quỹ hỗ trợ đầu tư; trong đó, dự kiến sẽ có những hỗ trợ thích đáng đối với lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, bán dẫn,” Thứ trưởng Trần Duy Đông cho hay.

Ông Trần Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, cho biết để tiếp tục tạo quỹ đất sạch thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các dự án công nghệ cao, công nghiệp điện tử bán dẫn, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường với các sản phẩm có giá trị thương mại mang tính cạnh tranh cao, thành phố Hà Nội xác định mục tiêu trong giai đoạn đến năm 2025 có 2-5 khu công nghiệp mới được thành lập, tạo mặt bằng sạch để thu hút các dự án đầu tư.

“Thành phố sẽ ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc; trong đó, ưu tiên tiếp nhận các dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường với các sản phẩm có giá trị thương mại mang tính cạnh tranh cao nhằm tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu,” ông Trần Tuấn Anh cho hay.

Ông Ranjit Thambyrajah, Chủ tịch Acuity Funding, nhìn nhận khi sản xuất tại Việt Nam trở nên tinh vi hơn, nhu cầu về lực lượng lao động lành nghề sẽ tăng lên.

Để chuẩn bị cho nhu cầu này, Việt Nam sẽ cần đầu tư hơn nữa vào giáo dục và đào tạo để cung cấp cho các ngành công nghiệp lực lượng lao động có năng lực. Đồng thời, xây dựng các khu công nghiệp tích hợp đầy đủ và trung hòa năng lượng phù hợp với tương lai của sản xuất.

Sự gia tăng dự kiến trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu sẽ làm tăng nhu cầu đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và hậu cần.

“Như vậy, các yếu tố như hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, cơ chế chính sách, nghiên cứu phát triển, chiến lược và đặc biệt là nguồn nhân lực đều thể hiện rằng sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng là rất đúng đắn, kịp thời để chúng ta có thể làm chủ và sẵn sàng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị trong ngành điện tử, bán dẫn toàn cầu,” Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Bảo Trâm

Đọc nhiều