130115
topics
558680

Đón thân nhân ở sân bay, ga tàu bị làm khó với quy định gây tốn kém ở địa phương

16/10/2021 20:13

Theo phản ánh, một số người dân không được sử dụng phương tiện cá nhân để đón người thân mà bắt buộc phải đi taxi gây tốn kém vì nhiều gia đình ở quê không khá giả.

Ông Nguyễn ở xã Hải Nhân, thị xã Nghi Sơn, phản ánh ngày 15/10 ông dùng ôtô cá nhân đến sân bay Thọ Xuân đón con trở về từ TP HCM. Khi đến nơi, ông bị chốt kiểm soát tại sân bay Thọ Xuân không cho vào chở người, lý do đảm bảo phòng chống Covid-19. “Họ không cho dùng xe riêng đón người thân mà yêu cầu con tôi đi taxi được đăng ký tại sân bay để về nhà…”, ông nói.

Người dân phản ánh rằng họ không được sử dụng xe riêng để đón người thân mà phải đi taxi được đăng ký tại sân bay để về nhà

Những hành khách cùng chuyến bay, kể cả không có hộ khẩu tại Thanh Hóa hoặc muốn di chuyển sang tỉnh khác cũng phải tuân thủ quy định này. “Chúng tôi trực tiếp đưa đón người thân thì tại sao lại bảo không an toàn? Taxi đi khắp nơi liệu có đảm bảo phòng dịch…”, ông Nguyễn thắc mắc và cho hay đã được tiêm vaccine phòng Covid-19, thực hiện nghiêm quy định 5K.

Một số khách phản ánh quy định buộc hành khách xuống sân bay đi taxi sẽ gây tốn kém vì nhiều gia đình ở quê không khá giả, một số người khác còn mất việc thời gian dài, gặp khó khăn mới phải hồi hương…

Nhân viên y tế phun khử khuẩn máy bay ở sân bay Thọ Xuân. Ảnh: Lam Sơn.
Nhân viên y tế phun khử khuẩn máy bay ở sân bay Thọ Xuân. Ảnh: Lam Sơn

Ông Vương Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hóa, lý giải việc yêu cầu hành khách đi phương tiện theo quy định tại sân bay Thọ Xuân nhằm phòng chống Covid-19. “Nếu khách đi xe gia đình sau đó không về thẳng địa phương khai báo y tế, cách ly mà di chuyển đâu đó thì rất khó kiểm soát…”, ông Tuấn nói.

Sau khi đồng ý nối lại hai đường bay nội địa (đi đến từ TP HCM và Đà Lạt), UBND tỉnh Thanh Hóa quy định hành khách đến sân bay Thọ Xuân được sử dụng xe cá nhân, xe hợp đồng, taxi, nhưng tài xế phải chứng minh đã tiêm một mũi vaccine Covid-19, xét nghiệm âm tính trong 72 giờ, chở không quá 50% số ghế, tuân thủ 5K… Với hành khách từ tỉnh khác, ngoài quy định nêu trên còn phải tuân thủ nguyên tắc “một cung đường hai điểm đến”, không được dừng đỗ trên hành trình; không được xuống xe, tiếp xúc với người khác khi đến sân bay.

Đối với hoạt động vận tải hành khách bằng đường bộ về từ cảng hàng không Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa quy định chỉ được sử dụng xe của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 các huyện thị tổ chức đưa đón hoặc xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch của các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh, đã được sân bay Thọ Xuân ký hợp đồng vận chuyển. Trường hợp khách cư trú ở tỉnh thành khác chỉ được sử dụng taxi của đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đã được sân bay Thọ Xuân ký hợp đồng.

Các loại xe chở khách tại sân bay Thọ Xuân phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, có vách ngăn giữa tài xế và hành khách, chỉ chở 50% số ghế mỗi chuyến, được phun khử khuẩn, trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn… Lái xe phải được tiêm hai mũi vaccine phòng Covid-19 sau 14 ngày và phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 còn thời hạn 72 giờ.

Theo Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hóa Vương Quốc Tuấn, những quy định nêu trên được thực hiện trong giai đoạn một (từ ngày 10/10 đến 20/10) khi thí điểm mở lại chuyến bay nội địa. Sau thời gian này, tỉnh sẽ đánh giá lại, quy định nào chưa phù hợp sẽ điều chỉnh.

Từ ngày 10/10 đến nay, trung bình mỗi ngày sân bay Thọ Xuân đón một chuyến bay khứ hồi từ Tân Sơn Nhất, TP HCM, chiều ra có khoảng 90 hành khách mỗi chuyến, chiều vào chỉ 20-30 khách. Đường bay Thọ Xuân – Đà Lạt hiện chưa có khách nên chưa có chuyến nào.

Không riêng vận tải sân bay, hành khách uống ga tàu hỏa ở Thanh Hóa cũng phàn nàn. Anh Trọng, ở xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, phản ánh sáng 15/10 anh đi từ ga Hà Nội về ga Bỉm Sơn. Khi xuống tàu, anh được cán bộ nhà ga hướng dẫn “phải dùng xe theo giới thiệu hoặc tự gọi xe bên ngoài, song phương tiện phải có vách ngăn và trang bị điều kiện phòng dịch Covid-19”.

Anh Trọng không quen biết nhà xe nào tuân thủ quy định nêu trên nên sau đó phải dùng xe do phía nhà ga tư vấn. Chiếc xe anh sử dụng được trang bị như xe cấp cứu chuyên dụng, có vách ngăn, còi hụ… Theo anh Trọng, lái xe đã ép giá, ban đầu đòi giá 600.000-700.000 đồng cho hơn 10 km từ ga Bỉm Sơn về thị trấn Hà Trung. Sau khi trả giá nhiều lần, tài xế chấp nhận giảm còn một nửa.

Về thắc mắc này, ông Vương Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hóa, cho hay “sẽ kiểm tra lại để chấn chỉnh”. Trước khi đường sắt mở lại, Sở đã hướng dẫn các nhà ga sử dụng phương tiện cơ giới đáp ứng điều kiện an toàn phòng dịch để trung chuyển hành khách. Ngành giao thông cũng thông báo giá cước theo kê khai của các hãng taxi.

Theo quy định, lái xe muốn vận chuyện khách từ ga đường sắt tại Thanh Hóa phải được tiêm hai mũi vaccine phòng Covid-19, nếu mới tiêm một mũi thì phải mặc bảo hộ y tế theo quy định.

Minh Ngọc

Tags :
Đọc nhiều