Đòn giáng mới của Trung Quốc và Brazil nhắm vào đồng USD

Tuệ Ngô 04/04/2023 08:13

Trung Quốc và Brazil đang tiến tới một giai đoạn mới trong quan hệ thương mại hai bên, điều này có thể dẫn đến việc đẩy đồng USD khỏi thị trường MERCOSUR của Nam Mỹ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) tặng quà lưu niệm cho Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro khi nhà lãnh đạo quốc gia Mỹ Latinh đến Bắc Kinh hồi tháng 10/2019

Mới đây, Brazil và Trung Quốc đã công bố thành lập một cơ quan thanh toán bù trừ sẽ cung cấp các khoản thanh toán mà không sử dụng đồng đô la Mỹ, cũng như cho vay bằng đồng nội tệ để tạo thuận lợi và giảm chi phí giao dịch và thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng đô la trong quan hệ song phương .

“Một thỏa thuận thanh toán bằng nhân dân tệ đã được ký kết với Brazil, điều này tạo thuận lợi rất nhiều cho thương mại của chúng tôi. Chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng hợp tác trong lĩnh vực thực phẩm và khai thác khoáng sản, đồng thời tìm kiếm khả năng xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng cao từ Trung Quốc đến Brazil và từ Brazil đến Trung Quốc,” ông Guo Tingting, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, phát biểu tại một diễn đàn kinh doanh cấp cao Trung Quốc – Brazil ở Bắc Kinh ngày 29/3 vừa qua.

Ngoài ra, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva dự kiến ​​thăm Trung Quốc từ ngày 26-31/3, nhưng được cho là có thể dời chuyến thăm nước này sang ngày 11-13/4 để gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vì nhà lãnh đạo Brazil được chẩn đoán mắc bệnh viêm phổi vào tuần trước.

Trung Quốc và Brazil ký một thỏa thuận thương mại giao dịch bằng đồng nội tệ của hai nước

Một cơ chế thanh toán sẽ được thiết lập giữa Trung Quốc và Brazil để hỗ trợ giao dịch song phương mà không cần sử dụng USD và vay bằng nội tệ. Điều này giúp cho các công ty có thể thực hiện giao dịch dễ dàng và giá rẻ hơn, cũng như giảm thiểu rủi ro tài chính do biến động tỷ giá hối đoái của USD.

Theo Chen Fengying, một nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, bất ổn trong hệ thống tài chính Mỹ đã thúc đẩy việc chuyển sang đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng real của Brazil để thanh toán các giao dịch.

Cũng theo chuyên gia Chen, trước cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế hiện nay, nhiều quốc gia đang thực hiện các bước để đa dạng hóa giỏ tiền tệ. Tỷ giá hối đoái biến động chủ yếu do Cục Dữ trữ liên bang (Fed) tăng mạnh lãi suất. Điều này đang gây lo lắng cho thị trường do sự không chắc chắn của chính sách tiền tệ từ Mỹ. Trước đây, Trung Quốc và Brazil đều nằm trong khu vực đồng USD và ổn định thương mại song phương của hai nước phụ thuộc rất nhiều vào giá trị của đồng USD. Bất ổn hiện nay của tỷ giá đồng USD ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại và đầu tư song phương, từ đó gây bất lợi cho Trung Quốc và Brazil.

Brazil là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil sau khi vượt Mỹ vào năm 2009.

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, thương mại song phương đạt 171,49 tỷ USD vào năm 2022, tăng 4,9% so với năm trước. Theo dữ liệu chính thức của Brazil, xuất khẩu của Brazil sang Trung Quốc đạt 89,43 tỷ USD vào năm 2022, tương đương 26,8% tổng xuất khẩu của nước này.

Chuyển đổi sang đồng nội tệ giao dịch sẽ thúc đẩy sự hợp tác giữa Trung Quốc và Brazil trong các ngành thực phẩm và khoáng sản, đồng thời tạo ra cơ hội mới để xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao từ hai nước sang nhau. Những lĩnh vực này được xác định là những mảng hợp tác tiềm năng nhất tại Diễn đàn Doanh nghiệp Bắc Kinh.

Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 25 quốc gia, gồm cả Chile và Argentina, đã giao dịch với Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ. Mikhail Belyaev, một chuyên gia độc lập của Nga về các vấn đề tài chính và kinh tế, cho biết mô hình mà Brazil đang ứng dụng có thể khuyến khích các đối tác Trung Quốc khác trong khu vực chuyển sang thanh toán thương mại bằng tiền tệ quốc gia.

Theo ông Mikhail, đây chắc chắn là một ví dụ điển hình cho các quốc gia khác thực hiện bước tương tự như Brazil. Toàn bộ Mỹ Latinh đang chịu ảnh hưởng khá mạnh của Mỹ, bao gồm cả ảnh hưởng tài chính. Brazil đang rời xa đồng USD vì tính ‘độc hại’ của đồng tiền này. Nếu USD ‘độc hại’ đối với Nga trong hôm này thì điều đó không có nghĩa là nó sẽ không ‘độc hại’ đối với Brazil hay bất kỳ quốc gia Mỹ Latinh nào khác vào ngày mai. Tình hình thực tế đóng vai trò là chất xúc tác để các quốc gia trong khu vực noi gương Brazil và phát triển các thỏa thuận thương mại với Trung Quốc bằng đồng tiền quốc gia của họ. Đồng thời, nó củng cố ảnh hưởng kinh tế và tài chính của Trung Quốc trong khu vực.

Sau khi Argentina đã chuyển sang sử dụng đồng nội tệ trong giao dịch thương mại với Trung Quốc, Brazil trở thành quốc gia Nam Mỹ thứ hai thực hiện điều này. Điều này sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho Uruguay và Paraguay, những thành viên khác trong khối, để làm theo. Đặc biệt, Trung Quốc đang đàm phán một hiệp định thương mại tự do với Uruguay.

Tuệ Ngô

Đọc nhiều