Đòn bẩy uy lực của Nga khiến Armenia “chôn chân” trong thế khó
Armenia sẽ phải lệ thuộc nhiều hơn vào vòng tay của Nga. Họ không thể ngả về hướng Tây hay quay về hướng Đông.
Tháng 11, Nga đã giành thắng lợi lớn khi thương lượng thành công cho cuộc xung đột Azerbaijan và Armenia, trang tin Syriahr nhận định.
Các cuộc giao tranh giữa Azerbaijan và Armenia vì Nagorno-Karabakh diễn ra nhiều năm. Khu vực miền núi được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan nhưng Armenia kiểm soát khu vực này kể từ lệnh ngừng bắn năm 1994 giữa hai quốc gia.
Xung đột bùng phát trở lại vào tháng Chín vừa qua. Hai tháng sau, một thỏa thuận hòa bình được mở ra và Nga là bên chiến thắng: Thỏa thuận cho lệnh ngừng bắn đã đặt “những chiếc ủng gìn giữ hòa bình” của Điện Kremlin vào một thế mới. Nước Mỹ chẳng thể làm gì khác ngoài việc đứng nhìn điều này xảy ra.
Với tư cách là người bảo vệ lâu năm của Armenia, Nga sở hữu đòn bẩy duy nhất có thể thuyết phục Armenia ký lệnh ngừng bắn này. Bằng việc ký kết, Yerevan từ bỏ các tuyên bố chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ mà họ đã chiếm đóng tại Azerbaijan từ năm 1994 mà không đạt được gì. Trong khi đó, Moscow đã có được một món quà lớn và sự hiện diện uy quyền nơi đây.
Tổng thống Armenia Armen Sarkissian ngày 9/12 đã gửi thư cho người đồng cấp Nga Vladimir Putin để đề nghị hỗ trợ tiến trình phân định ranh giới giữa nước này với Azerbaijan nhằm tránh những căng thẳng mới.
Cơ quan báo chí của Tổng thống Sarkissian dẫn nội dung bức thư nêu rõ “Tổng thống Armenia đã lưu ý rằng thật đáng tiếc vẫn tiềm ẩn nguy cơ về những tranh chấp mới nổi lên giữa hai bên do vấn đề phân giới. Cân nhắc tới tầm quan trọng đặc biệt và sự liên quan của vấn đề, Tổng thống Sarkissian đã đề nghị Tổng thống Nga hỗ trợ để hoàn thành tiến trình phân định ranh giới giữa Armenia và Azerbaijan nhằm tránh xảy ra thêm những căng thẳng và diễn biến tiêu cực”.
Cũng trong bức thư này, ông Sarkissian đã cảm ơn ông Putin vì những nỗ lực của nhà lãnh đạo Nga nhằm “chấm dứt tình trạng đổ máu ở khu vực Nagorny-Karabakh và đạt được một lệnh ngừng bắn vốn đã giúp tránh có thêm nạn nhân mới và những bi kịch”.
Ngày 9/11 vừa qua, Azerbaijan và Armenia đã ký thỏa thuận ngừng bắn tại Nagorny-Karabakh do Nga bảo trợ sau hơn một tháng xảy ra giao tranh, theo đó Armenia nhất trí trả lại 15 – 20% lãnh thổ vùng Nagorny-Karabakh mà lực lượng Azerbaijan đã giành quyền kiểm soát trong thời gian bùng phát xung đột vừa qua, trong đó có thị trấn lịch sử Shusha.
Gần 2.000 binh sĩ Nga sau đó đã được triển khai tại biên giới giữa Armenia và Azerbaijan, cũng như hành lang giữa khu vực Nagorny-Karabakh với Armenia để giám sát ngừng bắn. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã cử quân đội tham gia phối hợp với Nga để giám sát ngừng bắn giữa Armenia và Azerbaijan.
Trên thực tế – trừ khi Mỹ tham gia đầy đủ vào tiến trình hòa bình – còn lại Nga ảnh hưởng lớn đến vấn đề Nagorno-Karabakh vô thời hạn.
Nga hiện là người gác cổng cho một khu vực trong trung tâm năng lượng của châu Âu. Nếu khu vực này quan trọng về mặt chiến lược đối với NATO, thì điều đó khiến nó trở nên quan trọng về mặt chiến lược đối với Điện Kremlin.
Armenia, vì không tin tưởng Azerbaijan nên muốn những người gìn giữ hòa bình ở lại bên mình. Cuộc xung đột ngắn nhưng tàn khốc đã chứng minh một cách rõ ràng rằng Armenia không thể giành chiến thắng về mặt quân sự, và do đó người Armenia phải chấp nhận sự cai trị của Azerbaijan hoặc sự trợ giúp của Nga. Trong thế yếu, Yerevan cảm thấy yên lòng hơn khi chấp nhận sự giám hộ của người Nga ở Nagorno-Karabakh mặc dù điều này đồng nghĩa với việc phải chấp nhận một chiến thắng của kẻ thù không đội trời chung.
Điều này cũng đồng nghĩa Armenia sẽ phải lệ thuộc nhiều hơn vào vòng tay của Nga. Họ không thể ngả về hướng Tây và cũng không thể quay về hướng Đông – cả về mặt ngoại giao lẫn đầu tư – bởi vì người Nga hiện đang nắm quyền.
Dù lâu nay Moscow được coi là đứng ở “phía bên kia” với lợi ích của Azerbaijan nhưng do sự ủng hộ nồng nhiệt từ Mỹ và EU trong những năm gần đây, quan hệ ngoại giao và kinh tế của Azerbaijan và Nga đã sâu sắc hơn.
Tuy nhiên, giờ đây, với việc quân đội Nga gây ảnh hưởng trên lãnh thổ Azerbaijan lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô sụp đổ, đòn bẩy của Moscow cũng ảnh hưởng lớn sự phát triển kinh tế: Bằng cách đảm bảo an ninh cho hành lang vận tải xuyên Armenia trước mối lo với Azerbaijan, Nga hiện kiểm soát tuyến đường bộ Azerbaijan vốn khao khát lâu nay, từ Biển Caspi đến Địa Trung Hải và châu Âu.
Phương Tây chắc chắn có thể thấy một điều sắp xảy ra: Từ một cái móng chân sớm biến thành một dấu chân. Sự hiện diện của Nga rồi sẽ trở thành uy quyền và tầm ảnh hưởng lớn của Nga.
Ngọc Minh/NĐT