Đối thủ của U22 Việt Nam: Giải mã đội tuyển U22 Indonesia
U22 Indonesia, đối thủ của U22 Việt Nam ở chung kết SEA Games 30, có điểm gì nổi bật, sau những gì 2 đội đã từng đấu ở vòng bảng?
Bộ khung của ông Indra Sjafri
Có thể thấy, giống như U22 Việt Nam, U22 Indonesia không duy trì bộ khung cố định nào trong suốt hành trình SEA Games 30.
Indra Sjafri, một đối thủ xứng tầm của HLV Park Hang Seo, luôn xoay vòng đội hình, và tạo cho mình bộ khung riêng ở từng thời điểm.
Mặc dù vậy, sau vòng bảng, có thể nhận thấy HLV Indra Sjafri xây dựng U22 Indonesia dựa trên những mắt xích nhất định.
Đầu tiên phải kể đến Asnawi Bahar được ví như Philipp Lahm hay Sergi Roberto của bóng đá Indonesia.
Asnawi chủ yếu được sử dụng ở vai trò hậu vệ phải, và có thể đá tốt ở hàng tiền vệ. Anh có thể lực, tốc độ và tham gia hỗ trợ tấn công cực tốt.
Mới 20 tuổi, nhưng Asnawi có kinh nghiệm với HCB SEA Games 29, cùng U22 Indonesia giành chức vô địch Đông Nam Á hồi đầu năm nay.
Saddil Ramdani chàng trai 20 tuổi khác và cũng là nhà vô địch U22 AFF 2019 được ví như bộ não tấn công trong chiến thuật của Indra Sjafri.
U22 Indonesia linh hoạt giữa 4-3-3 với 4-2-3-1, và Saddil Ramdani chính là điểm nhấn tạo nên sự nhịp nhàng. Anh đặc biệt còn mạnh về tinh thần.
Mắt xích chủ lực còn lại tất nhiên là Osvaldo Haay, người đang cùng Hà Đức Chinh dẫn đầu danh sách vua phá lưới SEA Games 30, với cùng 8 bàn thắng.
Điểm mạnh thể lực
Bên cạnh 3 nhân tố kể trên, những người đóng vai trò triển khai bóng, phát động tấn công và dứt điểm, U22 Indonesia còn mạnh mẽ với lối đá thể lực.
Zulfiandi và Evan Dimas là cặp tiền vệ trung tâm nổi bật nhất với lối đá thể lực.
Bộ đôi này không xa lạ với HLV Park Hang Seo và một số tuyển thủ U22 Việt Nam. Họ là những thành viên đội tuyển Indonesia đấu Việt Nam ở vòng loại World Cup 2022 cách nay không lâu.
Indra Sjafri đã chuẩn bị rất kỹ về mặt thể lực cho U22 Indonesia, thông qua những ngày tập huấn tại Nhật Bản, rồi sau đó đóng quân ở Bali.
Có sẵn nền tảng, lại được chuẩn bị kỹ, U22 Indonesia bung hết sức cho cuộc chiến ở Philippines, và là đội bóng di chuyển nhiều nhất giải đấu.
Sự mất tập trung của U22 Indonesia
Lúc này, U22 Indonesia cùng U22 Việt Nam có chung hiệu quả tấn công và phòng ngự. Hai đội ghi tổng cộng 21 bàn nhiều nhất SEA Games 30, và 4 lần thủng lưới.
Với Indonesia, 15 trong 21 bàn thắng được ghi sau giờ giải lao, trong đó, 13 bàn diễn ra trong hiệp 2, và 2 bàn được ghi khi bước vào hiệp phụ. Cuối trậnBùng nổ sau giờ nghỉ, nhưng đội quân của HLV Indra Sjafri cũng có hạn chế không nhỏ, thiếu tập trung khi đối thủ gia tăng sức ép.
Cụ thể, U22 Indonesia rất dễ mất tập trung trong hiệp hai, khi bị đối phương gia tăng áp lực tấn công từ nhiều phía.
Cả 4 bàn thua của U22 Indonesia cho đến nay đều diễn ra trong hiệp 2. Một nửa là trận thua U22 Việt Nam ở vòng bảng, và 2 bàn thua khác trước U22 Myanmar.
Đặc biệt hơn, 3/4 bàn thua của U22 Indonesia xuất hiện khi trận đấu đi vào 15 phút cuối. Đây là hạn chế của việc khai thác lối đá thể lực, khiến nhiều cầu thủ của ông Indra Sjafri mất cảm giác bóng vào cuối trận, và tinh thần mất ổn định.
U22 Indonesia là nhà ĐKVĐ U22 Đông Nam Á, với những con người trẻ rất hiểu nhau. Nhưng “Garuda Muda” (những chú Kim sí điểu trẻ) vẫn tồn tại điểm yếu lớn, mà chính U22 Việt Nam đã từng nhìn thấy rõ.
Thiên Thanh/VNN