419
category
483989

Đối thoại 2045 – Khát vọng và niềm tin Việt Nam cường thịnh

Diệu Hương 10/03/2021 14:33

Nhìn lại năm 2020, năm cả thế giới chao đảo vì đại dịch Covid-19, “thương hiệu” quốc gia Việt Nam vẫn tiếp tục thăng hạng, trở thành “thương hiệu” tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Những thành công trong phòng, chống dịch bệnh, những cải cách mạnh mẽ về thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới các tiêu chuẩn thế giới đã giúp “thương hiệu” quốc gia Việt Nam ngày càng định vị tốt hơn trên toàn cầu.

Dịch Covid-19 là phép thử trên nhiều mặt với doanh nghiệp, nó làm bộc lộ những điểm còn hạn chế, nhưng cũng là cú hích buộc doanh nghiệp phải linh hoạt, sáng tạo để giải bài toán phát triển, hay nghiệt ngã hơn là chuyện tồn tại hay không tồn tại. Hơn 130 nghìn doanh nghiệp trong nước ngừng hoạt động, giải thể, phá sản trong năm 2020 và 2 tháng đầu năm 2021. Đó là sự sàng lọc vô cùng khắc nghiệt đầu tiên và khách quan của thị trường. Tiếp đó là những ảnh hưởng của các yếu tố bất định, bất ngờ, thậm chí mang tính lịch sử như thiên tai, dịch bệnh, mà đại dịch Civid-19 là một trong số đó. Thành tích chống dịch thành công là món quà quý với cộng đồng doanh nghiệp, nếu không số doanh nghiệp ngừng hoạt động không chỉ dừng ở con số đó.

Những cố gắng không ngừng nghỉ của các doanh nhân, chủ doanh nghiệp đã đưa nhiều thương hiệu Việt ra thế giới. Qua đại dịch Covid-19 bản lĩnh này càng được thử thách, xoay sở vượt khó, thậm chí tìm cơ hội trong nghịch cảnh. Nhiều doanh nghiệp đã bắt nhịp, khai thác những cơ hội từ nhiều hiệp định song phương, đa phương mà Việt Nam tham gia ký kết.

Vị thế, vai trò của doanh nghiệp đã được ghi nhận và một lần nữa tại “đối thoại 2045”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chúng ta thống nhất doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế quốc gia, thống nhất để có những ứng xử phù hợp, đúng đắn. Bởi trên thực tế, những câu chuyện điều hành “trên nóng, dưới lạnh” vẫn còn xảy ra. Chuyện đồng hành cùng doanh nghiệp có lúc, có nơi chưa thực chất. Đánh giá hàng năm về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho thấy một số ứng xử cố hữu chưa thay đổi, những yếu tố “hành” doanh nghiệp vẫn còn, thể hiện qua các chỉ số được khảo sát. Chẳng hạn chi phí không chính thức của doanh nghiệp vẫn ở mức cao và vẫn còn không ít nghi ngại với doanh nghiệp tư nhân hoặc đơn giản chỉ là sự lựa chọn dễ dàng cho cơ quan quản lý từ cách thức để doanh nghiệp tham gia hoặc không được tham gia kinh doanh sản xuất, biểu hiện qua điều kiện kinh doanh, giấy phép con còn quá nhiều, chưa đúng với tinh thần của Hiến pháp. Hiến pháp năm 2013 quy đinh: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.”

Tại “đối thoại 2045” vừa được tổ chức, từ những phát biểu của cộng đồng doanh nghiệp, có thể thấy rằng tinh thần sẵn sàng, khát khao cống hiến của các doanh nhân, thủ lĩnh của những doanh nghiệp lớn được ví như những đại bàng Việt. Thông điệp mà họ gửi gắm là hãy tin tưởng doanh nhân, doanh nghiệp Việt, hãy trao cho họ những cơ hội, tạo cho họ những điều kiện để có thể phát huy tối đa sức sáng tạo vươn lên, tạo chuỗi liên kết doanh nghiệp trong nước, tham gia và định hình những chuối liên kết mới trên toàn cầu, thực hiện sứ mệnh trụ cột của nền kinh tế.

Thực tế từ những con số thống kê khảo sát đã cho thấy rõ, các doanh nghiệp tư nhân đã và đang ngày càng đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. Hãy tin vào doanh nghiệp tư nhân Việt, đặt niềm tin vào cộng đồng doanh nghiệp chính là tiền đề để thực hiện khát vọng vì một Việt Nam phồn vinh, hùng cường.

Diệu Hương

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Đọc nhiều