Đổi mới cách điều hành theo hướng Chính phủ không giấy tờ

19/08/2020 05:11

Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia giúp đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng Chính phủ không giấy tờ. Cách làm này giúp tiết kiệm khoảng 460 tỷ đồng/năm.

Sáng nay (19/8), Lễ khai trương Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng và công bố dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ chính thức diễn ra.

Theo dõi, kiểm tra từ những con số biết nói

Buổi lễ được tổ chức tại Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ đặt tại Văn phòng Chính phủ (VPCP) và trực tuyến đến 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành. Trong đó có một số điềm cầu trải nghiệm thực tế tại Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Trung tâm Điều hành ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn.

Theo VPCP, đây là địa chỉ tin cậy cung cấp các nguồn thông tin, dữ liệu phục vụ sự chỉ đạo, điều hành thường xuyên, liên tục của Chính phủ, Thủ tướng, thành viên Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Đổi mới cách điều hành theo hướng Chính phủ không giấy tờ
Lễ khai trương Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng sẽ diễn ra sáng 19/8

Các thông tin, số liệu được cập nhật, thu thập từ các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương; được phân tích và hiển thị trực quan trên các màn hình tại Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành dưới các dạng biểu đồ, đồ thị,… Từ đó, hỗ trợ đắc lực cho quá trình ban hành quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng và lãnh đạo cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Đây là nơi lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo, làm việc trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, thông qua những “con số biết nói” hiển thị tại trung tâm, cho phép truy xuất được nguồn gốc, kiểm tra chéo thông tin, dữ liệu báo cáo, Thủ tướng, các thành viên Chính phủ có thể theo dõi, kiểm tra được các hoạt động theo từng lĩnh vực do các bộ, ngành, địa phương quản lý.

Đến nay, đã có Hệ thống thông tin báo cáo của 29 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn; có 101/200 chỉ tiêu báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế xã hội. Bước đầu, hệ thống đã xây dựng 7 chuyên mục thông tin… Khi vận hành hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ sẽ giúp tiết kiệm khoảng 460 tỷ đồng/năm.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, đây sẽ là điểm nhấn quan trọng trong chặng đường xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử. Điều này cũng thể hiện quyết tâm cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, loại bỏ dần việc xử lý công việc bằng hệ thống văn bản giấy, đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng Chính phủ không giấy tờ.

Cổng Dịch vụ công Quốc gia giúp tiết kiệm 6.722 tỷ đồng/năm

Ngoài ra, VPCP công bố tích hợp 3 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Cụ thể, dịch vụ  kê khai, nộp lệ phí trước bạ mức độ 4 và cấp đăng ký, biển số xe mức độ 3 (thí điểm đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước tại Hà Nội, TP.HCM) sẽ giúp người dân, DN ngồi tại nhà để khai, nộp lệ phí trước bạ. Người dân chỉ cần đến cơ quan công an một lần để bấm và lấy biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe.

Theo số liệu tổng hợp của cảnh sát giao thông, khi triển khai toàn quốc, dịch vụ này sẽ phục vụ khoảng 4 triệu trường hợp đăng ký xe trong một năm. Với việc áp dụng thí điểm trên, ước tính chi phí tiết kiệm được của xã hội tối thiểu 327 tỷ đồng/năm.

Đổi mới cách điều hành theo hướng Chính phủ không giấy tờ
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng kiểm tra tiến độ xây dựng Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng trước ngày khai trương. Ảnh VGP

Còn dịch vụ liên thông đăng ký điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và báo cáo tình hình thay đổi lao động sẽ giúp DN cắt giảm thủ tục, chia sẻ thông tin, dữ liệu về quản lý lao động giữa các cơ quan.

Dịch vụ này sẽ phục vụ khoảng 800 nghìn đơn vị sử dụng lao động, tiết kiệm được ít nhất 2 ngày công/năm. Nhờ đó, chi phí tiết kiệm của xã hội hàng năm tối thiểu khoảng 344 tỷ đồng/năm (780.096 đơn vị x 2 ngày x 221.000 đồng/ngày công).

Đối với dịch vụ đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp sẽ phục vụ 780.096 đơn vị tham gia đóng BHXH cho hơn 14,5 triệu lao động và 12,8 triệu bảo hiểm thất nghiệp của người lao động hàng tháng. Nếu thực hiện dịch vụ công trực tuyến sẽ tiết kiệm được ít nhất 1 ngày công, tiết kiệm cho toàn xã hội khoảng 1.329 tỷ đồng/năm.

VPCP cho biết, từ 8 nhóm dịch vụ công được tích hợp, cung cấp ở giai đoạn khai trương (9/12/2019), đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000.

Sau 9 tháng hoạt động, nơi đây cũng đã phục vụ gần 60 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, thực hiện dịch vụ, với hơn 14 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trung bình mỗi ngày xử lý 4.000 hồ sơ trực tuyến, hàng trăm giao dịch thanh toán trực tuyến.

Ước tính, tổng chi phí xã hội tiết kiệm được do Cổng Dịch vụ công quốc gia đóng góp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến (tính tại thời điểm tích hợp, cung cấp dịch vụ công thứ 1.000) là khoảng 6.722 tỷ đồng/năm.

Thu Hằng/VNN

Đọc nhiều