Đừng làm trò thất đức với bữa cơm của con trẻ
Liên quan đến sự việc bếp ăn của trường tiểu học Phước Long 1 (TP Nha Trang, Khánh Hòa) đã bớt xén rất nhiều thức ăn của học sinh bán trú cả trường đang nhận được rất nhiều sự quan tâm. Dấy lên mối lo ngại trong việc đảm bảo sức khỏe và dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của các em học sinh bán trú tại trường.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Ngay sau khi sự việc xảy ra, UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu Phòng Giáo dục – Đào tạo TP Nha Trang lập đoàn kiểm tra vụ phụ huynh Trường Tiểu học Phước Long 1 phát hiện bếp ăn bớt xén bữa ăn trưa của học sinh trường này. Bà Phan Thị Mỹ – bí thư Đảng ủy phường, chủ tịch HĐND phường Phước Long – đã yêu cầu nhà trường tổ chức cuộc họp công khai với đại diện phụ huynh học sinh toàn bộ 30 lớp và giáo viên, bảo mẫu của trường để xem xét.
Tuy nhiên, khi được hỏi về bếp ăn của trường thì bà Đặng Thị Hoa – hiệu trưởng Trường tiểu học Phước Long 1 cho biết:
“Nhà trường không kiểm tra định lượng thực phẩm đầu vào. Vì việc nấu ăn bán trú của trường đã được khoán theo suất ăn cho bên phía nhà bếp đang nấu hiện nay. Mỗi suất ăn bán trú khoán nấu là 27.000 đồng. Việc khoán đó là thực hiện từ năm học trước, theo hợp đồng giữa nhà trường với bộ phận nấu ăn, khi bà Phan Thị Tiến Lợi còn làm hiệu trưởng”.
Mặc dù nhà trường đã ký hợp đồng cung cấp khoán suất ăn của học sinh với một bên thứ ba. Tuy nhiên, nhà trường cũng phải có trách nhiệm kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, phối hợp giám sát kiểm tra tại nơi cung cấp suất ăn.
Sau khi phụ huynh có nhiều phản ứng căng thẳng đồng thời vào ngày có các đoàn kiểm tra xuống chất lượng bữa ăn bán trú có thay đổi phần nào là đương nhiên. Tuy nhiên, việc thay đổi đó không thể tin là sẽ đảm bảo duy trì được chất lượng bữa ăn thường xuyên, xứng đáng với số tiền mỗi bữa ăn mà phụ huynh đã đóng.
Mỗi tháng phụ huynh phải đóng rất nhiều khoản chi phí phát sinh, trong đó riêng khoản tiền “phục vụ bán trú” là 105.000 đồng cho tổng cộng 13 người từ Hiệu trưởng đến bảo vệ nhằm đảm bảo bữa ăn, giấc ngủ tốt nhất cho con em nhưng kết quả trước mắt là phần ăn kém chất lượng và sự thờ ơ thiếu trách nhiệm của những người đứng đầu. Trường Tiểu học Phước Long 1 cần sớm làm việc với đơn vị hợp đồng nấu ăn bán trú và cam kết thống nhất thực hiện theo đúng quy định. Nếu nhà thầu không thực hiện đúng cam kết, nhà trường từ chối tiếp nhận thực phẩm và chấm dứt hợp đồng. Sự việc đã xảy ra từ ngày 1/10 đến nay nhưng phụ huynh học sinh vẫn chưa nhận được một lời giải thích rõ ràng nào từ phía nhà trường cũng như các cơ quan chức năng.
Cần có biện pháp xử lý “mạnh tay” hành vi sai phạm
Mặc dù vẫn chưa có người đứng ra chịu trách nhiệm về sự việc nhưng phía nhà trường đã có biện pháp xử lý vô cùng “kỳ lạ”. Sáng ngày 18/10, Trường Tiểu học Phước Long 1 đã tổ chức họp phụ huynh để lấy ý kiến giải quyết các vấn đề liên quan đến kiến nghị sau khi phụ huynh phanh phui bếp nấu ăn bán trú của trường đã bớt xén thức ăn của học trò. Tuy nhiên, trong các cuộc họp, phụ huynh không được thông báo việc nhà trường tạm dừng bếp ăn bán trú. Tối cùng ngày, giáo viên chủ nhiệm của từng lớp mới nhắn tin thông báo từ ngày mai nhà trường tạm ngưng bếp ăn bán trú. Buổi trưa, phụ huynh phải đón con về, chiều chở con đến trường lại.
Quyết định dường như không phải để giải quyết vấn đề mà đang làm khó phụ huynh và học sinh. Ai cũng hiểu rằng vì ba mẹ bận đi làm việc không có thời gian đưa đón con nên mới cho bé học bán trú, ăn ngủ lại trường cho thuận tiện. Nay nhà trường lại đột ngột thông báo tạm dừng bếp ăn trưa khác nào đưa phụ huynh vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Sự việc chính cần giải quyết là vấn đề bếp ăn và suất ăn trưa bị “xén bớt” của học sinh nay lại thành vấn đề trường “dẹp” luôn bếp ăn bán trú, phụ huynh tự tìm cách đưa đón con đến trường. Phải chăng, phía nhà trường đang giải quyết bằng cách đánh đòn “tâm lý” để không còn ai dám “thắc mắc” về bữa ăn bán trú nữa.
Hơn nữa, sự việc “ăn xén” suất ăn trưa của học sinh như lần này không phải là lần đầu tiên xảy ra. Trước đó, vào năm 2013 Trường tiểu học Tân Lập 1, TP Nha Trang, nơi bị phát hiện “ăn bớt” suất ăn của học sinh tiểu học do bà Phan Tiến Lợi làm hiệu trưởng. Điều đáng nói, sau lùm xùm đó, bà Lợi chỉ bị điều chuyển lên Phòng Giáo dục – Đào tạo TP Nha Trang một thời gian, sau đó được điều về giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Phước Long 1 (hiện bà Lợi đã về hưu) và tiếp tục xảy ra tình trạng “ăn xén” này. Cần phải mạnh tay làm rõ về hợp đồng ký kết giữa phía nhà trường với đơn vị nấu ăn để biết được nguyên nhân thật sự từ phía nào hay cả 2 phía đều hưởng lợi trong vụ “làm ăn” này. Sớm đưa ra câu trả lời và hình thức xử lý thích đáng (nhà trường tự tổ chức bếp ăn bán trú hoặc lý kết với một đơn vị khác chuyên nghiệp hơn) cho phụ huynh học sinh yên tâm. Hơn hết là phải tổ chức buổi họp với toàn bộ phụ huynh học sinh để cùng thống nhất ý kiến.
Các em học sinh mầm non và tiểu học còn quá nhỏ chưa thể có ý thức bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình được. Sự việc lần này nếu không bị phụ huynh phát hiện thì sẽ còn kéo dài đến bao giờ. Ngoài ra, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong mỗi bữa ăn cũng không thể xem nhẹ được. Các em học sinh đang trong tuổi ăn tuổi lớn mà phần ăn như thế có đảm bảo được sức khỏe và dinh dưỡng hay không vẫn luôn là câu hỏi khiến nhiều phụ huynh đặc biệt quan tâm.
Theo nguyên tắc, nhà trường phải đảm bảo đúng khẩu phần, thực phẩm theo tiêu chuẩn của các cháu. Mặc dù, việc phụ huynh tham gia cùng nhà trường để giám sát bữa ăn bán trú là cần thiết, nhưng phải có quy định rõ ràng để tránh tình trạng tự do ra vào không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Để tình trạng tương tự không tái diễn thì cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của cả nhà trường và hội phụ huynh học sinh, tổ chức nhiều đợt kiểm tra, thanh tra phối hợp với cơ quan chức năng. Nếu quả thực có có hiện tượng cắt xén cần xem trách nhiệm của từng khâu, xử lý nghiêm, không thể vì “một con sâu làm rầu nồi canh”.
Như Yên
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả