Đối đầu Trung Quốc: ‘Bộ tứ kim cương’ hành động

27/07/2020 06:19

Cuộc tập trận hải quân Mỹ – Úc – Nhật là bước đi thực tế đầu tiên của “bộ tứ kim cương” trên con đường đối đầu với Trung Quốc.

Tạp chí The Drive đưa tin hải quân ba nước Nhật, Úc và Mỹ đang tiến hành tập trận chung quy mô lớn ở khu vực biển Philippines bắt đầu từ ngày 19-7.

Tham gia về phía Mỹ có nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan, tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường USS Antietam, khu trục hạm USS Mustin. Phía Úc có hai hộ vệ hạm HMAS Stuart, HMAS Arunta, khu trục hạm HMAS Hobart, tàu tiếp dầu quân sự HMAS Sirius, tàu sân bay trực thăng HMAS Canberra. Tham gia về phía Nhật có khu trục hạm JS Teruzuki.

Các chuyên gia đánh giá sự kiện trên rất đáng chú ý bởi cả ba nước tham gia đều là thành viên của “bộ tứ kim cương” (nhóm QUAD  gồm Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ) và diễn ra trong bối cảnh Washington, Canberra đều đã công bố lập trường chính thức về tranh chấp Biển Đông, bác bỏ toàn bộ yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc (TQ).

Tăng cường năng lực tác chiến phối hợp

Bình luận về đợt diễn tập, hạm trưởng Sakano Yusuke thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật khẳng định đây là cơ hội để hải quân ba nước có thêm kinh nghiệm tác chiến, đem lại lợi thế chiến lược và siết chặt tình hữu nghị chung.

Trong khi đó, chỉ huy trưởng các tàu Úc tham gia tập trận – Phó Đề đốc Michael Harris nhấn mạnh công tác bảo đảm an ninh trên các vùng biển đòi hỏi lực lượng hải quân các nước phải có khả năng phối hợp hoạt động chặt chẽ và nhuần nhuyễn. Theo ông, “đợt diễn tập sẽ cải thiện khả năng tương tác và trao đổi thông tin giữa ba nước Úc, Nhật và Mỹ”.

Về phía Mỹ, chỉ huy tuần dương hạm USS Antietam – ông Russ Caldwell cho biết Washington rất may mắn khi có thể cùng hoạt động với đồng minh trên khắp khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tổ chức các chiến dịch quân sự chung. Sĩ quan này cho rằng mục đích cuối cùng vẫn là nhằm giữ vững các cam kết về đảm bảo trật tự dựa trên luật pháp và bảo vệ ổn định khu vực.

Đối đầu Trung Quốc: ‘Bộ tứ kim cương’ hành động - ảnh 1
Tàu chiến Mỹ, Úc, Nhật trong cuộc tập trận ba bên ở biển Philippines ngày 21-7. Ảnh: REUTERS

Phát đi thông điệp mạnh mẽ

Trong một bài viết mới đây cho tờ The Nikkei, chuyên gia Patrick Cronin thuộc Viện nghiên cứu Hudson (Mỹ) nhận định cuộc tập trận là tín hiệu cảnh báo của nhóm “bộ tứ kim cương” trước các động thái ngày càng hung hăng hơn của TQ trên trường quốc tế nói chung và Biển Đông nói riêng.

Theo dự đoán của chuyên gia Cronin, “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ là chiến trường cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ, Nhật, Ấn Độ và TQ trong 10 năm tới và có thể còn kéo dài hơn thế nữa”.

Mặt khác, nhóm “bộ tứ kim cương” cũng cho thấy những nước này không ngại tổ chức những cuộc diễn tập đa phương quy mô lớn kéo dài nhiều ngày liền. Nhiều nước trong nhóm như Ấn Độ và Úc lâu nay luôn muốn giữ vị thế trung lập trong các vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông do ngại mất đi quan hệ thương mại với TQ nay cũng tiến hành các động thái phản đối quyết liệt.

Cuộc tập trận ba bên với Úc, Nhật thực chất chỉ là sự kiện nhằm chuẩn bị cho một diễn tập với quy mô lớn hơn ở khu vực gần đảo Guam trong thời gian tới – cổng thông tin chính thức của Bộ Hải quân Mỹ cho biết.

Dù có vẻ đứng ngoài cuộc tập trận ba bên nói trên, Ấn Độ ngày 20-7 đã có cuộc tập trận chung với một số tàu chiến Mỹ tại Ấn Độ Dương.

Bên cạnh đó, uy tín và hình ảnh TQ rõ ràng cũng đang ngày càng xấu đi trong mắt cộng đồng quốc tế. Từ sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay, TQ ngày càng lộ rõ tham vọng muốn làm cường quốc hàng đầu thế giới. Mọi hành động, phát ngôn của TQ đều được các nước chú ý theo dõi và đề cao cảnh giác. Trước đây cộng đồng quốc tế phần lớn chỉ phản ứng với quá trình quân sự hóa Biển Đông của TQ bằng các phát ngôn phản đối, trừ Mỹ tổ chức tuần tra và diễn tập. Nay nhiều nước muốn thông qua các đợt tập trận như trên để cảnh báo TQ: Mọi quyết định đều có hậu quả của nó và Bắc Kinh sẽ phải trả giá cho tham vọng của mình.

“Tập trận chung là một khởi đầu tốt và tương lai của nhóm “bộ tứ kim cương” có thể sẽ còn tích cực hơn nữa. Rõ ràng Canberra và New Delhi đã nhận ra cứ im lặng để TQ mặc sức mở rộng ảnh hưởng cuối cùng cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia của họ” – chuyên gia Cronin nhận định.

Dù vậy, ông Cronin đề xuất nhóm “bộ tứ kim cương” cũng cần tăng cường hơn nữa và mở rộng hoạt động từ chiến dịch quân sự nội bộ nhóm sang hỗ trợ, kết nối với các nước khác ở khu vực Đông Nam Á để hình thành một mạng lưới đồng minh, đối tác vững chắc.

“Không thể phủ nhận quân sự là một lĩnh vực quan trọng nhưng cũng không nên lơ là các lĩnh vực khác như chính trị – ngoại giao hay kinh tế. Đối đầu với TQ phải diễn ra trên nhiều mặt trận để đảm bảo thế kiểm soát toàn diện” – chuyên gia Cronin nhận xét.

Lo ngại Trung Quốc, Mỹ muốn đặt tên lửa ở đảo Guam

Tờ South China Morning Post ngày 25-7 đưa tin tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Mỹ – ông Philip Davidson vừa đề nghị quân đội Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis Ashore đến khu vực đảo Guam để bảo vệ căn cứ không quân Andersen và căn cứ hải quân đặt ở đây.

Ông nhận định ngân sách cho hệ thống này cần được phê duyệt trong năm 2021 và hệ thống phải được vận hành trong vòng năm năm tới nếu Mỹ muốn giữ ưu thế công nghệ trước những đối thủ trong khu vực, chủ yếu là TQ.

“Đó là ưu tiên số một của tôi và là quyết định quan trọng nhất mà chúng ta có thể xúc tiến để thực thi nhanh chóng và toàn diện” – ông Davidson khẳng định.

Tư lệnh Davidson còn gọi lá chắn tên lửa Aegis Ashore là “Hệ thống phòng thủ nội địa Guam”. Theo ông, Guam cần lưới phòng không bao quát 360 độ phòng thủ trước thách thức từ TQ trong tương lai. Ông cảnh báo những thách thức có thể bao gồm cả tên lửa đạn đạo bắn từ đất liền, thậm chí là tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hành trình từ khí tài trên không hoặc trên biển.

Hiện Mỹ đang vận hành Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên đảo Guam.

VĨ CƯỜNG/PL

Đọc nhiều