8
category
355624

Độc đáo cách đón Tết bằng cây nêu rực rỡ trên các cung đường tại Nghệ An

23/01/2020 22:59

Những ngày giáp Tết Nguyên đán này, trên các tuyến đường ở khắp vùng quê tỉnh Nghệ An rợp trong sắc cờ, hoa, đặc biệt là cây nêu chuẩn bị đón năm mới.

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, phong trào chơi cây nêu Tết lan tỏa khắp mọi miền quê tỉnh Nghệ An, làm cho cảnh quan ngày Tết Nguyên đán thêm tươi đẹp, lung linh, nhất là trên những cung đường liên thôn, liên xã.

Số lượng người chơi nhiều nên các dịch vụ như buôn bán tre, làm cây nêu, dựng cây nêu… cũng luôn đắt khách. Theo khảo sát của PV, tre làm cây nêu được bán với giá từ 100.000 – 200.000 đồng/cây.

Cây tre chọn làm nêu phải cao, thẳng, không có dấu vết của sâu bệnh và quan trọng là không được cụt ngọn. Để có được một cây nêu đẹp, nhiều người còn sắm thêm cờ Tổ quốc, đèn lồng, sao vàng năm cánh hay đèn… Sau khi hoàn thành nhiều cây nêu có giá lên đến tiền triệu.

Nêu được trang trí dọc Quốc lộ 46 đoạn đi qua huyện Thanh Chương

Ông Nguyễn Văn Thắng ở xóm Thạch Sơn, xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương cho biết, ngày xưa mọi người thường đến nhà xin nhau cây tre, cây nứa để làm nêu, nhưng cơ chế thị trường cộng thêm số lượng tre nứa giảm nên bắt đầu xuất hiện nhiều nhà bán. “Tranh thủ đi chợ Tết, tôi mua 1 cây tre giá 100.000 đồng, rồi sắm thêm đèn nhấp nháy, cờ Tổ quốc dựng lên, chào đón năm mới”, ông Thắng nói.

Từ ngày 23 Tết, nhiều ngôi làng nhỏ ở các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Đô Lương… cây nêu được người dân nơi đây dựng trước sân nhà, lá cờ đỏ sao vàng bay phất phới.

Ông Trần Minh Thanh (75 tuổi), trú tại huyện Đô Lương chia sẻ, theo quan niệm từ xưa thì cây nêu được dựng trên đất nhà Phật, do vậy sẽ giữ được uy linh, phòng tránh tà ma xâm nhập, bảo vệ gia đình trong thời gian ông Táo đi vắng. Ngày mùng Bảy Tết, sau khi làm lễ đón ông Táo về nhà thì cây nêu cũng được hạ xuống.

Dưới đây là một số hình ảnh đặc sắc của cây nêu ngày Tết ở Nghệ An:

Cây nêu đón tết ở Nghệ An - ảnh 2
Cây nêu đón tết ở Nghệ An - ảnh 3

Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam có câu chuyện hấp dẫn về “Sự tích cây nêu ngày Tết”. Chuyện kể rằng: Dịp Tết Nguyên đán là những ngày ma, quỷ vào thăm đất liền, người ta theo tục cũ trồng cây nêu để ma, quỷ không bén mảng đến chỗ người cư ngụ. Trên cây nêu có treo khánh đất, có tiếng động phát ra khi gió rung để nhắc nhở ma, quỷ nghe mà tránh. Trên ngọn cây nêu còn buộc một bó lá dứa hoặc cành đa mỏ hái để cho ma, quỷ sợ. Ngoài ra, người ta còn vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía đông và rắc vôi bột xuống đất trước cửa ra vào trong những ngày Tết để cấm cửa ma, quỷ.

Võ Hóa/TP

Đọc nhiều