Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những đóng góp lớn lao của doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19 và mong muốn được lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp để tháo gỡ.
Phát biểu khai mạc cuộc gặp mặt Hội doanh nhân trẻ Việt Nam sáng 12/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp. Ông nhấn mạnh tinh thần doanh nhân Việt Nam rất lớn lao trong cơn đại dịch vừa qua, các doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp, xông pha trên nhiều mặt trận để hỗ trợ thành phố trong dịch bệnh.

Cùng dự có ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn; ông Phạm Tất Thắng, Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Trung ương cùng nhiều lãnh đạo Trung ương và TP.HCM, lãnh đạo Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cùng 42 đại biểu là các doanh nhân tiêu biểu trên mọi miền đất nước.
Doanh nghiệp rất cần “bơm ô xy vốn”
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết bản thân và các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo Trung ương Đoàn và TP.HCM muốn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trẻ; đồng thời đưa ra những thông điệp cho doanh nhân và doanh nhân trẻ.
Chủ tịch nước nhấn mạnh tinh thần doanh nhân Việt Nam được thể hiện rất lớn lao trong đại dịch, nhất là doanh nghiệp trẻ đã có nhiều đóng góp, xông pha trên nhiều mặt trận, hỗ trợ thành phố, cứu chữa người bệnh.

Nêu kiến nghị với Chủ tịch nước, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, cho biết đối với doanh nghiệp thì việc di chuyển là ưu tiên hàng đầu, nhưng thời gian qua gặp nhiều bất cập, cản trở lưu thông giữa các địa phương. Do đó, ông Hồng Anh đề xuất Bộ GTVT trước khi ban hành quy định về lưu thông thì gửi lấy ý kiến địa phương, nếu địa phương nào không có ý kiến thì coi như đồng ý để khi ban hành thì tạo ra sự đồng bộ trên phạm vi cả nước.
Nhìn nhận doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn và rất cần “bơm ô xy vốn”, ông Hồng Anh đề xuất sử dụng nguồn vốn từ những dự án đầu tư công đã được Quốc hội thông qua mà sẽ thực hiện trong 1 – 2 năm; cân đối nợ dự trữ ngoại hối tạo nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp.

Về phía ngân hàng, ông Hồng Anh kiến nghị ban hành chính sách chung cho doanh nghiệp giãn nợ 6 – 12 tháng, trừ một số ngành nghề không bị ảnh hưởng như sắt thép. Như vậy, các doanh nghiệp sẽ đỡ vất vả làm thủ tục hành chính chứng minh với ngân hàng. Đồng thời, ngân hàng và chính quyền địa phương xây dựng các đường dây nóng để giải đáp, hỗ trợ ngay cho doanh nghiệp.
Kiến nghị có ngày tưởng niệm nạn nhân mất do Covid-19 Liên quan đến nguồn nhân lực, lãnh đạo Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam kiến nghị ưu tiên vắc xin cho các tỉnh thành có tỷ trọng xuất khẩu cao, phát triển du lịch. Trước những đau thương, mất mát do đại dịch Covid-19, ông Đặng Hồng Anh kiến nghị có một ngày tưởng niệm các nạn nhân mất do đại dịch.
Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh, bày tỏ tin tưởng với sự đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân thì đất nước sẽ sớm vượt qua khó khăn của dịch bệnh kéo dài.

Theo ông Nguyễn Đình Trung, các doanh nghiệp chỉ cần cơ chế cởi mở, công khai, minh bạch, công bằng để đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, thực trạng quy định pháp luật chồng chéo kéo dài nhiều nhiệm kỳ trước rất khó thay đổi, nguyên nhân một phần nằm ở những người soạn thảo chưa đủ năng lực và trách nhiệm đã khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.
Do đó, ông Trung kiến nghị Chủ tịch nước có đề xuất với Bộ Chính trị ban hành chỉ thị quy định người soạn luật phải chịu trách nhiệm với những điều luật không khả thi, gây khó khăn cho doanh nghiệp; tránh để doanh nghiệp cứ mãi kêu ca mà không được giải quyết.
Trung ương Đoàn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trẻ Anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, gửi lời chúc mừng các doanh nhân trẻ qua các thế hệ, đồng thời khẳng định Trung ương Đoàn luôn đồng hành với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam với tinh thần tiên phong, đổi mới, sáng tạo. Ban bí thư Trung ương Đoàn đánh giá cao 3 kết quả nổi bật của Hội Doanh nhân trẻ trong 3 năm qua.
Thứ nhất, củng cố hệ thống tổ chức, bộ máy vận hành xuyên suốt ở 63 tỉnh, thành giúp việc kết nối các thành viên tốt hơn rất nhiều, kết nối các thế hệ doanh nhân trẻ. “Thế hệ doanh nhân trẻ đi trước, những người đã thành công tiếp tục giúp đỡ, dẫn dắt thế hệ doanh nhân trẻ hiện tại. Thế hệ doanh nhân trẻ hiện tại chăm lo, hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp của thanh niên để tạo ra nhiều doanh nhân trẻ mới”, anh Nguyễn Anh Tuấn nói.

Thứ hai là các doanh nhân trẻ đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội, hỗ trợ các địa phương mà dẫn chứng sinh động nhất là tinh thần dân tộc của doanh nhân trẻ trong đại dịch vừa qua, được xã hội ghi nhận, khẳng định vị thế quan trọng của mình.
Thứ ba là chuyển đổi số và hợp tác quốc tế tốt hơn rất nhiều; kết nối doanh nhân trẻ ngoài nước, người nước ngoài làm ăn ở Việt Nam tạo thành sức mạnh cộng đồng.
Anh Nguyễn Anh Tuấn cho biết Trung ương Đoàn chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp gặp phải trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Qua các kiến nghị của doanh nghiệp, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đánh giá cao bởi các kiến nghị này hướng đến những việc chung của thành phố, người dân, doanh nghiệp để phát triển tốt hơn.
Với tư cách đại biểu Quốc hội thuộc đoàn TP.HCM, anh Nguyễn Anh Tuấn tin tưởng thành phố luôn là nơi thử nghiệm, phát hiện những mô hình, công việc mới không chỉ cho thành phố mà còn cho cả đất nước, đặc biệt là sau khó khăn, mất mát. “Chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng doanh nhân trẻ để góp phần phục hồi kinh tế mạnh mẽ, hiệu quả hơn trong thời gian tới”, anh Nguyễn Anh Tuấn khẳng định và cho biết Trung ương Đoàn sẽ là cầu nối chuyển các kiến nghị, ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp đến các cơ quan có thẩm quyền.
Sức mạnh của doanh nghiệp là sức mạnh của TP.HCM
Ông Phan Văn Mãi, chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết cộng đồng doanh nhân TP được đón Chủ tịch nước khi vừa qua những ngày khó khăn nhất, đó là một vinh dự lớn. Ngày doanh nhân Việt Nam năm nay khá đặc biệt với các doanh nghiệp TP như việc hội tụ các thế hệ doanh nhân trong thời điểm sau dịch, tại một buổi gặp gỡ mà cũng có thể xem như cuộc tiếp xúc cử tri “bỏ túi”, lắng nghe những chia sẻ, tâm tư tình cảm của các doanh nghiệp.
Theo ông Mãi, các doanh nghiệp hôm nay không nói nhiều về khó khăn riêng của mình mà nêu góp ý, hiến kế chung cho doanh nghiệp cả nước trong quá trình hồi phục, thể hiện trách nhiệm cộng đồng cao. TP đánh giá cao, trân trọng những hiến kế của các doanh nghiệp.
“Có thời điểm TP còn lúng túng, nhưng quá trình xây dựng chính sách phòng chống dịch, phục hồi kinh tế chúng tôi trao quyền cho các chủ thể, ghi nhận các ý kiến từ cộng đồng doanh nhân. Và chúng ta sẽ tiếp tục làm việc với nhau trong thời gian tới”, ông Mãi khẳng định.
Dịp này, TP.HCM cũng đặt hàng doanh nghiệp sau thời gian dưỡng thương và góp ý cùng hoàn thiện chương trình phục hồi kinh tế không những từ đây đến cuối năm mà còn trong các năm tiếp theo.

Tại buổi gặp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ nỗi mất mát của đồng bào, của giới doanh nhân Việt Nam cũng như thiệt hại của nền kinh tế. Đại dịch Covid-19 không chỉ tác động tới kinh tế mà còn tới an sinh xã hội, cuộc sống của người dân và khiến sản xuất bị đình đốn trong bối cảnh giãn cách xã hội. Đã có 100.000 DN dừng sản xuất, riêng TP.HCM có gần 16.000 DN không hoạt động, giải thể hoặc phá sản. Chưa bao giờ TP bị ảnh hưởng nặng như vậy về tăng trưởng.
Chủ tịch nước biểu dương cộng đồng doanh nhân đã có nhiều giải pháp, chủ trương sáng tạo để hỗ trợ công tác an sinh xã hội và an dân trong bối cảnh nhiều khó khăn đó. Đó là những tấm gương đáng được trân trọng.
Theo Chủ tịch nước, doanh nghiệp là rường cột của quốc gia. Bàn tay khối óc của các doanh nhân trong mọi lĩnh vực đều sẽ đóng góp cho gia đình, bản thân và cũng như đóng góp cho đất nước, quê hương. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn chứng sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, kết thúc chiến tranh chống Pháp, thời gian đó có biết bao gian khổ, Bác Hồ đã đến thăm nhà máy điện Yên Phụ (Hà Nội)- lúc đó chỉ có công suất 5MW điện, không bằng một máy điện ở một xí nghiệp hiện nay.
Mặc dù khó khăn như vậy nhưng Bác Hồ nói: “Chúng ta có quyết tâm, chúng ta nhất định khôi phục được kinh tế, nâng cao được đời sống của toàn dân”. Lời hiệu triệu, động viên của Bác là tài sản vô giá đối với các doanh nhân và người dân trong lúc khó khăn. Lời hiệu triệu đấy tạo nên động lực cho người dân miền Bắc khôi phục và tăng gia sản xuất, làm tốt vai trò hậu phương cho tiền tuyến miền Nam. Từ đó, cả nước tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc bằng thắng lợi cuối cùng mùa xuân năm 1975.
“Hồi tưởng về lời dạy của Bác và thấy tự hào khi có một thế hệ doanh nhân hào khí. Thấy được hào khí ngày hôm nay để tiếp tục phát huy truyền thống hào hùng của dân tộc, đất nước trong khó khăn. Doanh nhân trẻ đã làm được những việc vô cùng khó khăn, phát triển kinh tế trong đại dịch”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.
Yêu nước, đoàn kết, ý chí, sáng tạo và niềm tin
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi đến doanh nhân Việt Nam nói chung và các doanh nhân trẻ nói riêng 5 lời khuyên.
Thứ nhất, tinh thần yêu nước. Doanh nhân và nhất là doanh nhân trẻ cần thấm nhuần tinh thần yêu nước như thế hệ cha ông, các bậc tiền bối. Đặc biệt phải có lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí dân tộc như Bác Hồ từng nói “có chí ắt làm nên”.
Thứ hai, tinh thần đoàn kết. Doanh nhân trẻ luôn phải đoàn kết để gắn bó, giúp đỡ nhau, càng khó khăn thì càng đoàn kết. Mất đoàn kết là tự làm yếu mình, yếu người, làm suy yếu đất nước. Trong đại dịch, “một cây làm chẳng nên non” nhưng Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM cũng như các doanh nhân đã tập hợp, đoàn kết, hỗ trợ công tác an sinh xã hội, an dân khi TP gặp nhiều khó khăn. Tinh thần thiện nguyện từ Nam chí Bắc, tinh thần đoàn kết của người dân đối với các vùng có dịch đã nói lên tất cả.
Thứ ba, ý chí. Đây yếu tố quyết định của thế hệ trẻ. Tuổi càng trẻ thì ý chí càng lớn. Doanh nhân trẻ cần nuôi dưỡng ý chí, tôi rèn bản lĩnh để vượt lên nghịch cảnh, có khả năng tranh đua với các doanh nhân trẻ trên thế giới. Dẫu vậy, có nhiều doanh nhân thành đạt thì bên cạnh đó cũng có doanh nhân ì ạch, không dám nghĩ mới, vận dụng những điều mới trong quản trị, trong hoạt động kinh doanh.
Thứ tư, sáng tạo. Sáng tạo là sức mạnh của tuổi trẻ, cần xem thử thách chỉ là chất xúc tác sinh học của sự sáng tạo. Doanh nhân trẻ Việt Nam cần sáng tạo các mô hình như ATM gạo, ATM oxy…. Bên cạnh đó, khởi nghiệp hay sáng tạo không chỉ ở lớp trẻ mà doanh nhân lớn tuổi cũng có thể sáng tạo. Khi doanh nghiệp có sáng tạo thì năng suất, hiệu quả, uy tín ngày càng cao.
Thứ năm, niềm tin. Niềm tin của doanh nhân trẻ Việt Nam là không để bị tác động mới bởi mạng xã hội, bởi các thế lực. Cần có niềm tin vào cơ nghiệp bản thân, cơ đồ của dân tộc và tương lai của đất nước, tương lai của gia đình. Do vậy, doanh nhân phải có sự kiên nhẫn trong hành động chứ không phải chỉ là niềm tin bất chợt, niềm tin phải là đường dài của cuộc sống để thử thách trong khó khăn. Doanh nhân trẻ cần có niềm tin để vượt lên.
Cuối cùng, Chủ tịch nước trích tặng các doanh nhân trẻ bài thơ “Tự khuyên mình” của Bác Hồ viết năm 1941 trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch:
“Nếu không có cảnh đông tàn
Làm sao có cảnh huy hoàng ngày xuân
Nghĩ mình trong lúc gian truân
Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng”.
Tùng Lâm