86
topics
438779

Doanh nhân ở ta thật… phi thường!

15/10/2020 06:08

Ngày doanh nhân Việt Nam năm nay diễn ra khá êm đềm. Một thông điệp được ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI nêu lại một vấn đề tuy rất cũ nhưng vẫn luôn luôn… rất “nóng”:

Doanh nhân ở ta thật… phi thường! - 1

“Có doanh nhân nói với tôi rằng, họ đã phải mất tới 1/3 quỹ thời gian để giải quyết các vấn đề về thủ tục và quan hệ, không thể toàn tâm toàn ý lo bài toán thương trường, chăm lo quản trị và công nghệ”.

Ông Lộc nhìn nhận, mặc dù có cải thiện hơn nhiều so với trước nhưng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn tương đối vất vả so với những nước có môi trường kinh doanh toàn diện, thuận lợi, minh bạch hơn.

“Trong một môi trường thể chế còn chưa hoàn thiện, thủ tục hành chính nhiều nơi vẫn còn phiền hà, chính sách trong một số lĩnh vực còn chồng chéo. Nỗi nhọc nhằn của doanh nhân là cùng một lúc phải đối phó với cả thể chế lẫn thương trường” – chia sẻ rất thật, rất đời mà ngẫm cũng thật buồn trong ngày vui, ngày kỷ niệm của giới doanh nhân.

Mới thấy, doanh nhân ở ta giữ được cho doanh nghiệp “sống” và phát triển, quả thật rất phi thường!

Cách nói của ông Lộc như trên có phần ý nhị. Nói thẳng ra là doanh nhân đang rất khổ vì cơ chế chính sách bất cập, chồng chéo, khổ vì nạn tham nhũng từ chính sách cho đến tham nhũng vặt.

Vì cứ phải tập trung “đầu tư” và “đối phó” cho những vấn đề “phi kinh doanh” như vậy nên họ lắm lúc còn không có thời gian cho những vấn đề “cốt lõi” thuộc về kinh doanh thuần tuý.

Có anh bạn đã mở doanh nghiệp nhiều năm nói vui với tôi, “thương trường là chiến trường” nhưng khốc liệt lại chưa hẳn nằm ở đối thủ cạnh tranh mà ở… “ngay sau lưng ta đấy”.

Anh kể rằng mình về xây dựng quê hương vì lời kêu gọi và tuyên bố ủng hộ của địa phương với các dự án có ý nghĩa, tạo công ăn việc làm cho người dân…, nhưng bắt tay vào việc mới thấy khó trăm đường. Mới có câu “trên rải thảm, dưới rải đinh” là vậy!

Trong một bài viết đăng tải trên Dân Trí ngày 13/10, doanh nhân Nguyễn Văn Huy, Chủ tịch Công ty Đầu tư và Phát triển năng lượng HIGG chia sẻ rất giản dị: Là doanh nhân, chúng tôi chỉ mong muốn các chính sách tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển. Doanh nghiệp phát triển thì người lao động mới có việc làm và thu nhập ổn định. Đây cũng là điều kiện cần thiết để kinh tế đất nước đi lên.

“Chúng tôi chỉ có 7 tháng để hoàn tất các thủ tục làm dự án, xây dựng công trình, đấu nối… Điều này là vô cùng cập rập, bởi việc xây dựng đã mất 4 – 5 tháng. Việc cập rập, gấp rút đã khiến nhiều nhà đầu tư phải “đi đường tắt” trong quy trình dẫn đến những sai phạm không đáng có”, ông Huy nói.

Với lĩnh vực bất động sản, GS. Đặng Hùng Võ cũng nêu đánh giá, “điều đáng sợ nhất với các doanh nghiệp không phải là Covid-19, mà đó là những rào cản, khó khăn về pháp lý”.

Ông Võ nói, hệ thống pháp luật có những khoảng trống, xung đột, trong nội bộ một luật, giữa các luật, giữa luật này với văn bản hướng dẫn thi hành luật khác. Các bất cập đã được doanh nghiệp kêu ca từ lâu, chuyên gia đã chỉ ra rất cụ thể, nhưng đến nay vẫn cứ vướng, cứ dừng lại và cứ bế tắc.

Chúng ta biết rằng, trong kinh doanh, thời gian là vàng bạc. Mỗi một thời khắc trôi qua là bao nhiêu cơ hội không kịp chớp lấy, là tiền lãi vay phải trả, là tồn kho, là chi phí đi đường, là tiền phạt…

Người kinh doanh thì sốt ruột, nhưng giải quyết vướng mắc xem chừng như vẫn còn đủng đỉnh lắm. Chẳng hiểu sao, gỡ “vướng” chỗ này lại “mắc” vào chỗ khác.

Từ chỗ đó mới nảy sinh ra những “cái đầu nhanh nhạy”, tranh thủ thiết lập quan hệ, thậm chí là tạo sân sau, tưởng thức thời nhưng không tránh khỏi gặp rủi ro pháp lý. Môi trường kinh doanh bị bóp méo và bất công, thử hỏi sao người kinh doanh không chán nản, doanh nghiệp mãi “không muốn” và “không chịu” lớn!

Ngày 13/10 hàng năm là ngày để đất nước tôn vinh và trân trọng những doanh nhân. Ông Lộc có nói rằng, điều ông trăn trở là “làm sao để xây dựng môi trường kinh doanh mà ở đó, các doanh nghiệp chỉ phải tập trung đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt trên thương trường chứ không còn nỗi lo về thủ tục hành chính nhiêu khê, rườm rà, chi phí không chính thức…”.

Còn theo suy nghĩ của người viết, việc “để yên” cho doanh nghiệp hoạt động đúng theo pháp luật cũng đã là một hỗ trợ lớn rồi.

Bích Diệp/DT

Đọc nhiều