8
category
365932

Doanh nhân Nguyễn Văn Đực: ‘Xin lỗi tôi nói thẳng, làm chậm nhất là Văn phòng UBND TP và Sở TN-MT’

23/02/2020 13:29

Ông Nguyễn Văn Đực, Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Địa ốc Xanh nói: “Còn tôi xin lỗi khi nói thẳng thế này: Hiện nay, làm chậm nhất là Văn phòng UBND TP và Sở Tài nguyên  Môi trường, làm rất chậm, còn các sở khác tương đối tốt”.

Ngày 22/2, lãnh đạo UBND TP HCM cùng các sở, ngành có buổi gặp gỡ và trao đổi với doanh nghiệp bất động sản. Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp nêu ra các vướng mắc, kiến nghị để cùng tìm ra giải pháp tháo gỡ.

Ông Nguyễn Văn Đực, Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Địa ốc Xanh nói, công tác giải quyết công việc của các cơ quan ban ngành ở TP HCM còn nhiều bất cập dẫn đến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án.

Ông Đực lấy ví dụ: Công ty Địa ốc Xanh có một dự án nhỏ chỉ khoảng 3.700m2. Ông đóng tiền sử dụng đất là 2.050m2 nhưng phần đã đóng chỉ là phần “lòng đỏ” chứ chưa được đóng hết cho cả dự án. Sau này Sở Tài Nguyên Môi trường đề nghị công ty ông Đực phải đóng luôn phần “lòng trắng”. Nhưng thực tế là việc đóng luôn lòng trắng này không hề dễ dàng.

Từ ngày có hồ sơ thụ lý tại chi cục thuế quận 8, sau đó chuyển đến Cục thuế TP HCM rồi gửi lên Sở Tài nguyên Môi trường cho đến nay đã 24 tháng trôi qua nhưng công ty của ông Đực vẫn chỉ được đóng phần “lòng trắng”.

Còn phần lộ giới trước đây từ 40m2 nay giảm còn 30m2, nghĩa là phần diện tích sử dụng của doanh nghiệp được tăng lên 125m2 nhưng hồ sơ xin nộp tiền của công ty bị chuyển đi lòng vòng khiến mọi hoạt động của dự án đều không thể triển khai.

“Đáng lý ra nên gom lại phần lòng trắng và phần vỏ (phần dịch tích chưa đóng và phần lộ giới giảm) để doanh nghiệp đóng tiền một lần nhưng Sở Tài Nguyên Môi trường nhất quyết không gom mà bắt chia làm 2 lần đóng. Bây giờ “lòng trắng” đã đóng xong rồi, còn vỏ lại phải xách hồ sơ đi.

Tôi đã gặp anh Lê Hòa Bình (Giám đốc Sở Xây dựng-PV), anh tuy rất hăng hái nhưng cũng nói không đóng được vì đây chưa phải là đất sạch. Hồ sơ chuyển tiếp qua Sở Kế hoạch Đầu tư và giờ nằm đó để chờ được chấp nhận chủ trương đầu tư.

Sau khi được Chấp nhận chủ trương đầu tư rồi lại phải chờ chuyển lại Sở Tài nguyên Môi trường, rồi Sở này mới trình cho qua UBND TP. Khi đó, tôi mới được sử dụng phần diện tích 125m2 đã đóng”, ông Đực trình bày

Theo ông Đực, đây không phải là vấn đề quá khó để hồ sơ bị “ngâm” quá lâu như vậy. Thực tế có hàng trăm dự án giảm lộ giới đều đã gặp phải hoàng cảnh tương tự.

Riêng công ty của ông có dự án mà “chuyền đi chuyền lại” 2 năm, gửi đơn kêu cứu 4 lần nhưng đến nay vẫn đâu vào đấy, không tiến triển.

Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Địa ốc Xanh thẳng thắn: “Tôi nghĩ có thể giúp doanh nghiệp bằng cách làm gấp. Còn tôi xin lỗi khi nói thẳng thế này: hiện nay, làm chậm nhất là Văn phòng UBND thành phố và Sở Tài nguyên & Môi trường, làm rất chậm, còn các sở khác tương đối tốt”.

Ông Đực cho rằng, TP HCM nên phát triển phong trào “3G” gồm giảm luật lệ, gom thủ tục và gấp. Trong đó, thành phố và ban, ngành có thể gom các thủ tục làm một để rút ngắn quy trình; thủ tục, hồ sơ phê duyệt dự án cần đẩy nhanh tiến độ hơn.

Sau khi các doanh nghiệp trình bày, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu các sở, ngành phải tập trung trả lời cụ thể những vướng mắc của doanh nghiệp, hướng dẫn các biện pháp tháo gỡ để triển khai dự án. Những vấn đề nào chưa trả lời được ngay, ông Phong đề nghị trong 10 ngày làm việc phải có trả lời hoặc hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp.

Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Trung ương hoặc cần giải pháp tổng thể của UBND TP, ông Phong đề nghị Sở Xây dựng tổng hợp đầy đủ ý kiến; tham mưu thành phố có phương hướng tháo gỡ các điểm nghẽn.

‘Trước 30/4 phải giải quyết xong để tháng 6 còn tập trung xử lý vụ Thủ Thiêm. Nếu thời gian trong tuần không có thì tổ công tác phải họp cả thứ 7, chủ nhật’, ông Phong nhấn mạnh.

Viết Dũng/VND

Đọc nhiều