Doanh nghiệp vốn 500.000 tỉ: Dư luận không xới lên thì tự nó sẽ “chìm”
Câu chuyện một doanh nghiệp đăng kí vốn điều lệ 500.000 tỉ đồng tương đương khoảng 21,7 tỉ USD gây kinh ngạc thì ít, mà gây nghi ngờ thì nhiều. Song nhiều hơn cả, là những cái phì cười.
Phì cười vì trăm người nghe đến câu chuyện này thì chắc có đến… 100% số người đó không tin doanh nghiệp kia có lượng vốn lên tới 500.000 tỉ đồng, nhưng lại thuê văn phòng ảo tại một tòa cao ốc nổi tiếng tại TPHCM.
Luật hiện nay không khống chế mức trần vốn điều lệ của doanh nghiệp cổ phần khi đăng kí thành lập. Chính vì thế, một số doanh nghiệp có thể làm những điều luật không cấm. Luật chỉ chế tài ở hậu kiểm, nghĩa là trong 90 ngày nếu không huy động đủ mức vốn đã đăng kí thì phải tiến hành thủ tục điều chỉnh, còn nếu không điều chỉnh và cũng không đáp ứng đúng mức vốn điều lệ đã đăng kí, theo chế tài hiện hành là xử phạt.
90 ngày, khoảng thời gian dư sức để chủ doanh nghiệp điều chỉnh lại mức vốn góp, với hàng trăm lí do có thể nại ra khi tiến hành thủ tục.
Luật không cấm nhưng dư luận thì vẫn xét nét. Cũng đáng bị dư luận xét nét thôi khi con số vốn “khủng” vượt quá khả năng được đăng kí nhiều khi chỉ nhằm PR. Trên thực tế từng có một doanh nghiệp đăng kí thành lập với số vốn ban đầu hơn 140.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 6 tỉ USD vào thời điểm ấy, nhưng sau đó chỉ là “vốn trên giấy”, người trong cuộc chỉ cần “sửa sai” bằng mấy lời như “nhầm”, “quên” là xong.
Trên thực tế không chỉ ở Việt Nam mà ở một số quốc gia từng xảy ra một số trường hợp đăng kí thành lập với số vốn “khủng” nhưng sau đó thì “đầu voi, đuôi chuột”, cũng chỉ xới lên dư luận được một khoảng thời gian ngắn. Sau đó không còn được dư luận tò mò, chú ý tới nữa thì tự nó “chìm” xuống.
Đương nhiên là rất khó tin vào những trường hợp doanh nghiệp thành lập mới, từ gốc gác gia đình cho đến sự nghiệp bản thân chưa bao giờ thể hiện được khả năng kinh tế tài chính xếp vào hàng “khủng” của quốc gia và thế giới. Mức giàu vừa phải còn không thể bỗng dưng mà có được chứ đừng nói là giàu hàng chục tỉ USD.
Tuy nhiên, không vì sự không tin mà kêu gọi điều tra, không vì không tin mà bình luận bằng những lời quá gay gắt và thái độ miệt thị, xúc phạm.
Bởi như đề cập ở trên, dư luận không còn xới lên nữa thì tự những câu chuyện doanh nghiệp vốn “khủng” hàng trăm ngàn tỉ đồng đó sẽ chìm. Một doanh nghiệp khai vống về vốn, gây dư luận không hay, hệ lụy lâu dài về niềm tin có thể sẽ khó thuyết phục được đối tác trong hợp tác cũng như đối với khách hàng.
Chiêu trò nhiều khi không giúp nở hoa kết trái mà chỉ đưa đến những quả đắng.
Thế Lâm