10
topics
525128

Doanh nghiệp Việt: Khát khao xây tổ “đại bàng”, bơm tiền cho nền kinh tế cất cánh

16/06/2021 10:36

Bản thân các doanh nghiệp trong nước luôn khao khát được khẳng định thực lực, thậm chí kết nối với doanh nghiệp nước ngoài để ngày một lớn mạnh hơn.

Tự lực, tự cường và chuyện xây tổ “đại bàng” nội

Trò chuyện với phóng viên xung quanh chủ đề làm tổ cho đại bàng “nội” trong bối cảnh kinh tế ở trạng thái bình thường mới, lãnh đạo một số doanh nghiệp (DN) Việt không ngừng nhắc tới chuyện tự lực, tự cường và kỳ vọng nền kinh tế ngày càng phát triển theo chiều sâu.

Chia sẻ với PV Dân trí, PGS.TS. Vũ Minh Khương – Đại học Lý Quang Diệu, Singapore – nhấn mạnh, tỷ trọng giá trị gia tăng trong hàng xuất khẩu của Việt Nam còn rất thấp. Nếu không chuyển mạnh về chất, Việt Nam khó đạt mức tăng trưởng cao (thường trên 8%) mà các nền kinh tế thần kỳ Đông Á đã đạt được trong giai đoạn “cất cánh” của họ.

PGS.TS. Vũ Minh Khương - Đại học Lý Quang Diệu, Singapore.
PGS.TS. Vũ Minh Khương – Đại học Lý Quang Diệu, Singapore.

“Nếu chỉ dựa vào FDI sẽ rất khó khăn, Việt Nam cần dốc lực để đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, làm sao để xuất khẩu hàng hóa có giá trị tăng cao hơn chứ không phải đơn thuần xuất khẩu số lượng ngày càng nhiều hơn” – ông Khương nhấn mạnh.

Trong bối cảnh mới, khái niệm “làm tổ cho đại bàng”, theo nhiều chuyên gia, nên theo hướng phải làm tổ cho cả “đại bàng” nội chứ không phải chỉ làm tổ để đón “đại bàng” ngoại.

Bà Đỗ Tuệ Tâm – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hapro – chia sẻ, năm 2019 lần đầu tiên cụm từ “Make in Vietnam” được biết đến và ngày càng được nghe nhiều hơn tại Việt Nam.

Với hàm nghĩa người Việt Nam sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam, “Make in Vietnam” cũng là trách nhiệm của Việt Nam như một quốc gia toàn cầu và công dân toàn cầu: Ngoài việc sử dụng, tiêu dùng công nghệ của nhân loại, Việt Nam cũng phải đóng góp cho sự phát triển công nghệ của nhân loại.

“Đây là bước đi cần thiết giúp Việt Nam phát triển bền vững. Thực tế có thể thấy Việt Nam có nhiều tập đoàn, DN công nghiệp lớn với năng lực không thua kém các nước trong khu vực” – bà Tâm nói.

Theo bà Tâm, với nguồn lực trong nước hiện tại, Việt Nam hoàn toàn có thể tự lực, tự cường để hiện thực hóa chủ trương. Tuy nhiên, việc triển khai cũng cần có thời gian và theo từng lộ trình.

Ông Thân Đức Việt – Tổng Giám đốc Tổng công ty May10-CTCP – cho PV Dân trí biết: Trước đây, hầu như không có DN nội đầu tư cả 100 triệu USD, nhưng hiện tại tình hình đã thay đổi.

“Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tỷ lệ DN FDI đem công nghệ cao vào Việt Nam không nhiều, nhưng đã có những DN lớn của Việt Nam đầu tư cả tỷ USD vào nền kinh tế, lớn hơn DN FDI nhiều và công nghệ áp dụng cũng không kém DN FDI” – ông Việt nói.

Doanh nghiệp Việt Nam hiện đang đầu tư rất mạnh vào nền kinh tế, lên tới hàng tỷ USD.
Doanh nghiệp Việt Nam hiện đang đầu tư rất mạnh vào nền kinh tế, lên tới hàng tỷ USD.

Tuy nhiên, điều khiến vị CEO doanh nghiệp này băn khoăn là hiện nay dù hội nhập và cạnh tranh quốc tế mạnh mẽ, song đa số doanh nghiệp trong nước vẫn thiếu và yếu hơn so với doanh nghiệp FDI ở cả 3 “trụ cột” quan trọng nhất, đó là: Vốn, công nghệ và quản trị doanh nghiệp.

Thị trường 100 triệu dân và cuộc đấu trên “sân nhà”

Khát vọng có, khó khăn còn nhiều… vậy vấn đề DN nội cần và nên làm hiện nay là gì?

Ông Thân Đức Việt cho rằng, cần công bằng trong việc áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư giữa DN nội và DN ngoại, tránh tình trạng quá ưu tiên thu hút đầu tư DN ngoại.

“Những người làm chính sách nên định hình lại các chính sách ưu đãi, bảo vệ cho các DN Việt phát triển, trở thành những tập đoàn có đủ sức cạnh tranh với những tập đoàn hàng đầu của thế giới. Các chính sách liên quan từ chính sách giá, đấu nối, đất đai, quy hoạch… phải phù hợp, kịp thời, ổn định và có tính khuyến khích” – ông Việt bày tỏ.

Theo vị này, khi các doanh nhân Việt đã thành công ở mức độ nhất định, việc phát triển DN sẽ không còn cho cá nhân họ nữa, mà hướng đến những mục tiêu lớn hơn là tạo giá trị cho cộng đồng, vì tự hào dân tộc.

“Bản thân các DN trong nước luôn khao khát được khẳng định thực lực, thậm chí kết nối với DN nước ngoài để ngày một lớn mạnh hơn” – ông Việt nhấn mạnh.

Đồng quan điểm nói trên, ông Nguyễn Hải Đường – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần M2 Việt Nam – cho rằng, DN sẽ “mạnh” lên nếu được kinh doanh sản xuất trong môi trường công bằng. Họ có thể cạnh tranh sòng phẳng được với DN FDI trong một môi trường bình đẳng.

Bên cạnh vấn đề về chính sách, các DN cũng nhấn mạnh đến yếu tố tự lực. Hỗ trợ từ Chính phủ là quan trọng và cần thiết, nhưng sự sáng tạo và khả năng thích ứng mới có tính quyết định cho sự sống còn của DN.

Theo CEO M2, thị trường 100 triệu dân Việt Nam rất tiềm năng nên các thương hiệu bán lẻ nổi tiếng thế giới có mặt ngày càng nhiều, tạo áp lực rất lớn lên các DN bán lẻ trong nước.

Đứng trước “cuộc đấu” với các DN ngoại ngay trên sân nhà, ông Đường cho biết DN Việt đã phải gia tăng số lượng các cửa hàng, trung tâm quy mô lớn tại các thành phố lớn trong nước. Cùng với đó là cam kết về giá bán tốt, sản phẩm đa dạng, dịch vụ toàn diện và dẫn đầu xu hướng thời trang để cạnh tranh.

Trước sức ép từ làn sóng doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp nội đang phải gồng mình cạnh tranh.
Trước sức ép từ làn sóng doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp nội đang phải gồng mình cạnh tranh.

Trong bối cảnh khó khăn chung của dịch Covid-19, hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng, ông Thân Đức Việt nhấn mạnh, bản thân các DN đã phải có sự điều chỉnh chiến lược kinh doanh theo hướng tăng dần tỷ trọng doanh thu nội địa, giảm sự phụ thuộc vào thị trường bên ngoài để thích ứng với hoàn cảnh mới.

Tại tọa đàm “Những chiến lược mới trong chống dịch và phát triển kinh tế” diễn ra mới đây, ông Nguyễn Sỹ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – cũng nhấn mạnh: Nếu chúng ta muốn hùng cường, muốn hóa rồng, hóa hổ thì dứt khoát phải công nghiệp hóa được, phải có DN đầu đàn, Nhà nước tạo điều kiện cho các DN, như vậy chúng ta có thể vươn lên cạnh tranh với thế giới được.

“Nếu chúng ta hoàn toàn phụ thuộc nước ngoài thì chúng ta không thể làm chủ tương lai công nghiệp của chúng ta” – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh.

Một chuyên gia kinh tế hàng đầu khác cũng nêu quan điểm, cần dựa vào năng lực nội địa, dựa vào lực lượng kinh tế trong nước, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng. DN tư nhân phải là doanh nghiệp Việt.

Theo vị này, Việt Nam đã ở trong bối cảnh thế giới mới, Việt Nam cũng đã ký một loạt hiệp định thương mại lớn thế hệ mới. Cơ hội là các DN Việt – chủ thể kinh tế sẽ hưởng lợi thế nào được đặt ra, nếu cơ hội quá lớn mà ta không chuẩn bị năng lực thì người khác hưởng hết.

Thế Hưng – Nguyễn Mạnh

Tags :
Đọc nhiều