Doanh nghiệp nỗ lực sản xuất trở lại

12/05/2020 06:09

Đến thời điểm hiện tại, khi tình hình dịch Covid – 19 tạm lắng, nhiều doanh nghiệp (DN) tại TP Hồ Chí Minh bắt đầu tìm cách phục hồi sản xuất, khắc phục hậu quả sau một thời gian dài đình trệ. 

Chật vật vì dịch bệnh

Là DN làm dịch vụ du lịch, ẩm thực tại TP Hồ Chí Minh, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, doanh thu của Công ty TNHH VietLife giảm gần 80%. Do chủ yếu phục vụ khách quốc tế thuê căn hộ ở dài và ngắn hạn cho nên khi dịch Covid – 19 bùng phát, VietLife phải ngưng dịch vụ buồng phòng, nhà hàng ẩm thực và sản phẩm văn hóa. Bà Tạ Vân Huyền, người sáng lập VietLife cho biết: Thời gian qua, công ty phải cắt giảm nhiều khoản để duy trì lương đầy đủ nhằm giữ chân người lao động. May là chúng tôi không phải chi trả tiền mặt bằng chứ nếu không cũng phải đóng cửa. Từ hình thức hoạt động liên tục trong tuần, khi dịch bùng phát chúng tôi chỉ làm cầm chừng. Đến khi TP Hồ Chí Minh ngưng giãn cách xã hội, khách mới dần quay lại, tuy nhiên vẫn hạn chế.

Doanh nghiệp nỗ lực sản xuất trở lại.

Nếu một DN nhỏ như VietLife phải đau đầu tiết kiệm chi phí để duy trì hoạt động trong và sau dịch thì bài toán này với những công ty có hàng nghìn người lao động như Viet Thang Jeans càng nặng nề hơn. Tổng Giám đốc Viet Thang Jeans Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP Hồ Chí Minh cho biết: Ngay khi nắm thông tin dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc, Viet Thang Jeans đã chuyển hướng sang quốc gia khác để nhập nguyên liệu dệt may. Chưa kịp thở phào vì có thể làm chủ nguồn nguyên liệu nhập khẩu, ông Việt cùng các cộng sự rơi vào lo âu khi lần lượt Liên hiệp châu Âu (EU) và Mỹ (hai thị trường chiếm đến 60% thị phần xuất khẩu) thông báo ngưng nhập hàng may mặc Việt Nam do dịch bệnh. “Vì nguyên liệu sẵn có nên hiện nay chúng tôi vẫn đang sản xuất hàng may mặc nhưng để… tồn kho. 50% số nhân lực chuyển sang may khẩu trang và đồ bảo hộ y tế với thu nhập thấp hơn. Đây là giải pháp tình thế để giữ chân người lao động vì nếu không làm vậy sau khi hết dịch sẽ rất khó tuyển dụng lao động. Lúc đó, chỉ cần thiếu 20 đến 30% lao động, năng suất sẽ giảm ít nhất 50%. Chúng tôi có ba xí nghiệp với 4.000 công nhân, trước đây làm một ca nghỉ một ca, giai đoạn gần đây mỗi tuần chỉ sản xuất năm ngày coi như cầm chừng. Khó khăn là vậy nhưng chúng tôi vẫn cố gắng trả lương từ 4,5 đến sáu triệu đồng/người lao động/tháng nhưng chia ra theo các đợt”, ông Việt nói.

Khó khăn đang bao trùm nhiều DN tại TP Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung trong quý I-2020. Thông tin từ UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chỉ tính ba tháng đầu năm, tại thành phố đã có hơn 6.500 DN giải thể, tạm ngưng hoạt động. Số vốn DN đăng ký mới giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng sản phẩm trên địa bàn quý I chỉ tăng 0,42%, quá thấp so với tỷ lệ 7,6% của cùng kỳ năm 2019. Mức tăng trưởng của các khu vực, các ngành kinh tế đều thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chịu tác động mạnh nhất là khu vực dịch vụ, giảm 1,2% trong khi cùng kỳ năm 2019 tăng 7,7%.

Tìm hướng tháo gỡ khó khăn 

Theo báo cáo khảo sát của Hiệp hội DN thành phố Hồ Chí Minh vừa thực hiện đối với các DN hội viên, nhiều đơn vị đang cạn kiệt nguồn lực kinh doanh do dịch bệnh kéo dài làm tê liệt mọi hoạt động. Cụ thể, chỉ 21% số DN trả lời có thể cầm cự đến hết tháng 5; 12% đủ khả năng duy trì đến hết tháng 6; 12% số DN cho biết có thể đến hết tháng 9; chỉ 2% số DN cho biết có thể duy trì được đến cuối năm. Đáng chú ý, có tới 19% số DN thuộc hiệp hội này cho biết sẽ phá sản trong quý II vì không thể cầm cự. Chủ tịch Hiệp hội DN thành phố Hồ Chí Minh Chu Tiến Dũng đề nghị thành phố cho tất cả các DN được hưởng các chính sách hỗ trợ mà không phải chứng minh bị tác động của dịch Covid -19, cũng như không phân biệt quy mô DN. Và để đạt hiệu quả cao, các chính sách cũng như gói hỗ trợ cần chia ra làm hai loại là gói chính sách giải cứu và gói đồng hành hỗ trợ DN vực dậy sản xuất. Trong khi đó, bà Tiêu Yến Trinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Talentnet, một trong những công ty tư vấn nhân sự hàng đầu Việt Nam cho rằng, dịch Covid -19 tạo ra nhiều thách thức nhưng cũng đem tới không ít cơ hội cho DN. Nếu như trong tâm điểm dịch, DN cần lên những kế hoạch sát sườn để giải quyết bài toán tài chính và giữ chân nhân sự hiệu quả thì sau dịch cần có sự thay đổi mạnh mẽ nhằm tăng tính cạnh tranh, khẳng định thương hiệu. “Theo tôi, sau dịch, việc tuyển dụng nhân sự dễ mà khó. Dễ là vì nguồn cung nhiều và thái độ của người lao động cũng sẽ tích cực hơn. Tuy nhiên, những vị trí “hot” đòi hỏi nguồn nhân lực nhiều kỹ năng lại không dễ tuyển dụng. DN có thêm nhiều lựa chọn nhưng không vì thế mà cứ thản nhiên cắt giảm nhân viên rồi tuyển dụng lại. Mỗi DN dù khó khăn đến mấy cũng phải giữ cho bằng được 20 đến 30% nguồn nhân sự khung để khi dịch kết thúc có thể vận hành nhanh hơn. Muốn làm tốt khâu này, DN cần có phác thảo nguồn lực hiệu quả thông qua xây dựng thương hiệu tổ chức cùng với các chính sách thu hút, giữ chân người tài”, bà Trinh phân tích.

Thấu hiểu những khó khăn mà DN đang gặp phải, bên cạnh việc khẩn trương triển khai hàng loạt chính sách và bổ sung hơn 300 tỷ đồng hỗ trợ người lao động mất việc, tạm ngưng việc, các hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hỗ trợ DN trên địa bàn với những chính sách thiết thực. Theo đó, thành phố mong có chính sách giúp các DN được kéo dài thời gian giãn nộp thuế, hỗ trợ miễn, giảm thuế. Đồng thời, thành phố đề xuất Chính phủ cho phép tham gia gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng đã được Chính phủ phê duyệt và đang giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai. TP Hồ Chí Minh cũng đề xuất giãn thời gian nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động; giảm 50% bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp để giảm áp lực tài chính cho các DN…

Gia Mỹ/ ND

Đọc nhiều