128036
category
520027

Doanh nghiệp muốn nộp hơn 2.700 tỉ đồng để tiếp tục làm dự án trên đất ‘vàng’ 2-4-6 Hai Bà Trưng

26/05/2021 08:14

Công ty CP đầu tư quảng trường Mê Linh – chủ đầu tư là bên thứ 3 ngay tình đang sở hữu khu đất ‘vàng’ 2-4-6 Hai Bà Trưng đề xuất được nộp 2.713 tỉ đồng với mong muốn tiếp tục triển khai dự án.

Ngày 25.5, nguồn tin của PV cho biết chủ đầu tư là bên thứ 3 ngay tình đang sở hữu khu đất “vàng” 2-4-6 Hai Bà Trưng đã có đơn gửi đến Chủ tịch UBND TP.HCM và một số cơ quan liên quan, đề xuất nộp 2.713 tỉ đồng với mong muốn tiếp tục triển khai dự án.

2.713 tỉ đồng là nghĩa vụ tài chính để bổ sung chức năng ở

Theo Bản án số 134/2021/HS-ST ngày 29.4 của TAND TP.Hà Nội về vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” (liên quan cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và 9 đồng phạm – PV đã thông tin), về trách nhiệm dân sự, bản án nêu: “Giao thửa đất tại địa chỉ số 2-4-6 Hai Bà Trưng, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM (tang vật của vụ án – PV) cho UBND TP.HCM xem xét xử lý theo đúng quy định pháp luật”. Cũng theo nội dung bản án, Công ty CP đầu tư quảng trường Mê Linh, là bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, vì là chủ đầu tư đang sở hữu khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Công ty CP đầu tư quảng trường Mê Linh cho rằng quan điểm của HĐXX sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự (đã dẫn ở trên) là không chỉ bảo vệ quyền lợi của nhà nước mà còn có tính đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ 3 ngay tình trong vụ án. Do đó, công ty có văn bản kiến nghị Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo các sở ngành giải quyết theo đúng tinh thần bản án sơ thẩm của TAND TP.Hà Nội. Cụ thể, công ty đề xuất được nộp 2.713 tỉ đồng vào ngân sách nhà nước, và khoản tiền này được xác định là nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất đối với nhà nước để bổ sung chức năng ở cho dự án.

Khu đất “vàng” 2-4-6 Hai Bà Trưng, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM /// ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Khu đất “vàng” 2-4-6 Hai Bà Trưng, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM

Trước đó, tại phiên xét xử sơ thẩm của TAND TP.Hà Nội (diễn ra trong các ngày 22, 23, 24, 26 và 29.4), đại diện Công ty CP đầu tư quảng trường Mê Linh cũng đã nêu rõ mình là bên thứ 3 ngay tình, sử dụng đất hợp pháp, và hoàn toàn không liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án. Tuy nhiên, nhận thấy phần thiệt hại đối với nhà nước là đặc biệt lớn do không thu tiền khắc phục hậu quả từ các bị cáo (Viện kiểm sát không buộc các bị cáo nộp số tiền thiệt hại, do các bị cáo “đã về hưu, không có khả năng tài chính” – PV); đồng thời, với mong muốn tiếp tục thực hiện dự án, công ty đã đề đạt nguyện vọng tới HĐXX là được nhà nước cho phép công ty nộp 2.713 tỉ đồng (bằng đúng với số tiền thiệt hại được xác định trong vụ án – PV) vào ngân sách, với điều kiện là trong mọi trường hợp, số tiền này không được phép hiểu là tiền khắc phục hậu quả cho các hành vi phạm tội, mà phải xác định rõ rằng khoản tiền này là nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất đối với nhà nước để bổ sung chức năng ở cho dự án.

Nhà đầu tư mong muốn được hỗ trợ tích cực

Theo đơn trình bày của Công ty CP đầu tư quảng trường Mê Linh, công ty này hiện đang thuộc sở hữu của nhóm cổ đông (gọi tắt là nhóm nhà đầu tư), gồm Công ty CP đầu tư Mê Linh Square (MLS; tỷ lệ 98,53% vốn) và 2 cá nhân (tỷ lệ 1,47% vốn). Bản thân MLS là công ty có vốn đầu tư nước ngoài, với cổ đông nước ngoài là Oriental Sky Development Limited. Oriental Sky Development Limited là công ty được sở hữu bởi pháp nhân và cá nhân có quốc tịch British Virgin Islands và Anh quốc.

Trong vụ án liên quan khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, nhóm nhà đầu tư là bên thứ 3 ngay tình, hoàn toàn không liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án. Do thời điểm hoàn thành tội phạm được Viện kiểm sát xác định là từ tháng 10.2016 trở về trước, khi SABECO thoái toàn bộ 26% vốn khỏi SABECO Pearl (tên cũ của Công ty CP đầu tư quảng trường Mê Linh). Nhóm nhà đầu tư chỉ trở thành cổ đông của Công ty CP đầu tư quảng trường Mê Linh sau đó (vào tháng 4.2017) và sau khi các cổ phần liên quan SABECO Pearl đã được chuyển nhượng 2 lần trước đó.

Đáng chú ý, vào thời điểm nhóm nhà đầu tư quyết định tham gia vào Công ty CP đầu tư quảng trường Mê Linh, công ty này được các cơ quan có thẩm quyền cấp các giấy tờ pháp lý để thực hiện dự án. Điển hình là Quyết định 3186/QĐ-UBND ngày 30.6.2015 của UBND về việc cho công ty thuê đất tại 2-4-6 Hai Bà Trưng; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số CB 086005 ngày 6.7.2015 của Sở TN-MT TP.HCM; Quyết định chủ trương đầu tư số 3584/QĐ-UBND ngày 12.7.2016 của UBND TP.HCM; một số văn bản của Sở QH-KT TP.HCM, Bộ Xây dựng về việc chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng – phương án kiến trúc công trình xây dựng, về thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật… Vào thời điểm nhóm nhà đầu tư tham gia Công ty CP đầu tư quảng trường Mê Linh, không có bất kỳ cơ quan nhà nước nào tuyên bố các văn bản trên là trái luật.

Cũng theo trình bày của Công ty CP đầu tư quảng trường Mê Linh, VN và Liên minh Châu Âu (EU) vào năm 2019 đã ký hiệp định bảo hộ đầu tư, trong đó Anh quốc là 1 trong các quốc gia ký kết phía EU. Theo hiệp định, các khoản đầu tư (bao gồm cả đầu tư trực tiếp hay gián tiếp, dưới hình thức dự án hay mua cổ phần công ty) của các công dân các quốc gia ký kết sẽ được phía quốc gia tiếp nhận đầu tư bảo hộ. Do đó, các khoản đầu tư của các cổ đông quốc tịch Anh vào VN thông qua Oriental Sky Development Limited, MLS… sẽ được bảo hộ theo hiệp định này.

Công ty CP đầu tư quảng trường Mê Linh cũng cho rằng nếu nhà đầu tư được đóng cho nhà nước số tiền 2.713 tỉ đồng, là nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất đối với nhà nước để bổ sung chức năng ở cho dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, thì quyền lợi của nhà nước đã được bảo vệ. Do đó, nhà đầu tư mong muốn UBND TP.HCM và các cơ quan liên quan có những bước đi hỗ trợ tích cực cho nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án. Điều này cũng tránh được việc phải đối diện với khả năng bị kiện ra tòa án quốc tế liên quan đến nghĩa vụ bảo hộ đầu tư…

Hồng Anh

Đọc nhiều