Theo ghi nhận của Tổng cục Thống kê, lần đầu tiên trong các quý 1 từ trước tới nay, số doanh nghiệp đóng cửa, rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường…
Cụ thể, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong quý I/2023 giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2022 (56.946 doanh nghiệp). Trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2023 là 33.905 doanh nghiệp, giảm 2%, số vốn đăng ký thành lập cũng giảm 34,1% so với cùng kỳ năm 2022. Số doanh nghiệp tái hoạt động trong quý là 23.041 doanh nghiệp, cũng giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022.
Ở chiều ngược lại, trong quý I/2023 có 60.241 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, chiếm 71,7% là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn. Cụ thể, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 42.858 doanh nghiệp, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2022; số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 12.766 doanh nghiệp, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2022; và số doanh nghiệp giải thể là 4.617 doanh nghiệp, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Như vậy bình quân một tháng trong quý I/2023 có gần 20.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tương đương mỗi ngày có khoảng 670 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường).
Kết quả khảo sát của Huba cũng chỉ ra các yếu tố khó khăn gồm: thị trường bị thu hẹp (41,2%); hàng tồn kho nhiều (30,1%); giá nguyên liệu đầu vào tăng (17,6%); khó tiếp cận nguồn vốn (40%); lãi suất vay cao (43%); thủ tục vay vốn phức tạp, tốn nhiều thời gian (38,2%)…. Ngoài ra còn các yếu tố đến từ nội lực của doanh nghiệp, hay các thể chế chính sách cũng đang có những bất cập dẫn tới sụt giảm niềm tin của doanh nghiệp, tình trạng rất nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động.
Đáng chú ý là những tiêu chuẩn mới trong PCCC hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân của hiện tượng bất thường nêu trên. Báo cáo về tình hình thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tháng 1 và tháng 2 năm 2023. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nhắc tới những quy định về điều kiện kinh doanh là rào cản đối với doanh nghiệp, trong đó có các quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy. Bởi sau vụ cháy ở Bình Dương hồi tháng 9/2022, quy định về an toàn phòng cháy được siết chặt hơn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, cộng đồng doanh nghiệp đã phản ánh, quy định về điều kiện đảm bảo phòng cháy chữa cháy chưa khoa học; chưa phân loại theo mức độ rủi ro của ngành nghề sản xuất, kinh doanh; điều kiện quá khắc nghiệt và làm tăng chi phí quá mức cho doanh nghiệp.
Tại tỉnh Nghệ An, Cơ quan chức năng đã quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với 108 doanh nghiệp, đình chỉ hoạt động đối với 5 doanh nghiệp tại các cụm công nghiệp. Các doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân khiến hệ thống PCCC của họ bị tuýt còi là bởi các doanh nghiệp đã đầu tư hạ tầng từ khá sớm, khi những quy định về PCCC như hiện nay chưa ra đời, nên chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định mới. Cũng theo các doanh nghiệp, để đạt đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, đảm bảo đủ điều kiện nghiệm thu thì gần như phải đầu tư lại từ đầu, từ hệ thống nhà xưởng, đến các công trình phục vụ công tác PCCC. Theo đó, mỗi doanh nghiệp tại cụm công nghiệp phải đầu tư, xây mới 1 bể chứa nước 500 m3 và hệ thống máy bơm chữa cháy tự động theo quy định, với chi phí tương đương 1 tỷ đồng, chưa kể các khu nhà xưởng phải đảm bảo cách nhau 18m trong khi diện tích có hạn, các nhà xưởng đã cố định từ trước… Đây là vấn đề rất khó thực hiện, khó khả thi với nhiều doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp hiện nay.
Đại diện một hiệp hội tại Đồng Nai – tỉnh có 30 khu công nghiệp với 1,2 triệu lao động, thuộc nhóm đông nhất cả nước – cho biết gần như các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ở tỉnh đều bị ảnh hưởng, thậm có nguy cơ sẽ bị đình chỉnh hoạt động.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cho biết: Ngoài ra, việc chỉ trong 18 tháng có 3 thông tư (của Bộ Xây dựng và Bộ Công an) liên quan được bổ sung, thay thế, khiến doanh nghiệp rất khó trong việc chuyển đổi. Nhiều doanh nghiệp đang đầu tư theo phương án cũ, lại thẩm định theo phương án mới, mà không có hướng dẫn chuyển tiếp nên không chỉ họ mà cả cơ quan thẩm tra cũng bị mắc.
Các doanh nghiệp ngừng hoạt động đồng nghĩa với việc hàng trăm nghìn người lao động bị thiếu, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống.
Đối với thị trường lao động, loại trừ yếu tố biến động cục bộ, việc người lao động mất việc hiện nay sẽ tác động lớn đến tính bền vững của thị trường; thúc đẩy dòng chuyển dịch lao động từ khu vực chính thức sang khu vực phi chính thức diễn ra mạnh hơn và khó kiểm soát hơn; giảm không nhỏ lực lượng lao động có tay nghề, kinh nghiệm, đã qua đào tạo khỏi thị trường vốn đã thiếu hụt lao động chất lượng cao; giảm nguồn cung của thị trường trong ngắn hạn (hiện nay đang xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp không tuyển được lao động mới dù nhiều lao động mất việc làm). Những điều này khó có thể bù đắp được trong ngắn hạn.
Cộng đồng doanh nghiệp đều đồng tình ủng hộ quan điểm làm chặt về an toàn PCCC. Song trước những khó khăn, bất cập của các quy định về PCCC, các hiệp hội, doanh nghiệp đều mong được gỡ bỏ, sửa đổi những quy định chưa phù hợp với thực tế. Ví dụ, cơ quan chức năng cần giới hạn quy định bọc vật liệu chống cháy vào kết cấu thép với các công trình đặc thù như quốc phòng, hóa chất hay sản xuất các vật liệu có nhiệt độ nóng chảy cao hơn thép. Các nhà máy, công trình thông thường được áp dụng các quy định phù hợp hơn.
Ngoài ra, họ cho rằng cần phân loại các công trình theo chức năng để có các quy định phù hợp. Trong thực tế, các vụ cháy ở nhà máy, cơ sở sản xuất không nhiều và gây thiệt hại không đáng kể. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần sớm ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn cụ thể, quy định tiêu chuẩn, chất lượng ngay từ khâu thiết kế, phê duyệt, đến nghiệm thu để các doanh nghiệp có cơ sở thực hiện.
Hy vọng rằng, với những mong muốn của động đồng doanh nghiệp sẽ được các cơ quan chức năng lắng nghe, để sớm có những giải pháp tháo gỡ nhằm củng cố niềm tin, tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi nhanh, phát triển bền vững.
Nội dung: Diệu Hương
Đồ họa: M.N