419
category
456263

Đỗ Ngà lại lộng ngôn xuyên tạc về dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII

Hải Anh 10/12/2020 14:32

Từ ngày 20/10, dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã được công bố, nhằm lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân đến 10/11/2020. Đặc biệt ngay sau khi các dự thảo văn kiện được công bố, qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều ý kiến đóng góp của đại diện các tầng lớp nhân dân đã đề cập nhiều nội dung quan trọng về định hướng sắp tới trên các lĩnh vực: Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ… Tuy nhiên mới đây trên trang facebook, Đỗ Ngà lại lộng ngôn xuyên tạc về việc lấy ý kiến toàn dân về văn kiện Đại hội Đảng XIII.

Cụ thể, Đỗ Ngà viết: “Năm 2013, ĐCS hô hào lấy ý kiến toàn dân cho Hiến Pháp mới, trông có vẻ rất “dân chủ”. Thế là dân hô lên “phải bỏ điều 4, phải bỏ điều 4”, lập tức ở Hà Nội ông Nguyễn Phú Trọng lên truyền hình VTV lớn giọng nắn gân toàn dân. Và cuối cùng, trò xin ý kiến dân chỉ là tốn tiền, tốn thời gian, bản Hiến Pháp mới cũng chẳng khác gì bản Hiến Pháp cũ. Rồi nay lại hô hào “lấy ý kiến toàn dân” cho đại hội 13. Vẫn bổn cũ soạn lại, ĐCS hoặc đưa dự thảo văn kiện cho đám đoàn thanh niên, các hiệp hội thuộc cánh tay nối dài của đảng “góp ý”. Thế là xong vở kịch. ĐCS với tư cách là kẻ có đặc quyền “dân chủ hơn” đã ép buộc nhân dân phải “dân chủ” theo ý họ. Thế là xong, cái gọi là “ý đảng lòng dân” nó như thế, kẻ “dân chủ hơn” đã gò ép cho “kẻ ít dân chủ hơn” phải vào khuôn khổ của nó. Nói cho dễ hiểu thì ý đảng là cái rọ, lòng dân là con lợn thịt, đảng bắt lòng dân nhốt vào rọ ý đảng là thành nên món “ý đảng lòng dân”, thế thôi.”

Có thể thấy, Đỗ Ngà đang có âm mưu lợi dụng xuyên tạc công tác lấy ý kiến toàn dân để kích động các đối tượng cơ hội, bất mãn viết bài tung lên Internet, mạng xã hội, tạo dư luận đòi Việt Nam phải thay đổi toàn bộ “bộ khung” hiện nay, tức là thực hiện “đa nguyên”, “đa đảng”, “xã hội dân sự” và “đừng trông chờ vào Đại hội XIII của Đảng”.

Xin thưa, không hề có chuyện Đảng ta “đưa dự thảo văn kiện cho đám đoàn thanh niên, các hiệp hội thuộc cánh tay nối dài của đảng “góp ý”” như lời Đỗ Ngà rêu rao, mà ngay sau khi các dự thảo văn kiện được công bố, qua các phương tiện thông tin đại chúng, rất nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm đã được tổ chức trong cả nước để tập hợp trí tuệ, phát huy trách nhiệm, quyền làm chủ của nhân dân tham gia đóng góp với Đảng, hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và năm 2045, góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Nhiều ý kiến đóng góp của đại diện các tầng lớp nhân dân trên các tỉnh thành khắp cả nước đã đề cập nhiều nội dung quan trọng về định hướng sắp tới trên các lĩnh vực: Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ…

Ví dụ, tại Bắc Ninh đã có rất nhiều ý kiến đóng góp sôi nổi, thiết thực của thanh niên công nhân, thanh niên đô thị, thanh niên nông thôn vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đại diện cho thanh niên nông thôn tại các địa phương, chị Nguyễn Thị Thu Hoài, đoàn viên thanh niên xã Khánh An, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình đề xuất cần đưa vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái của người dân vào báo cáo tổng kết thực hiện chiến phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021-2030. Cùng với đó, cần có những giải pháp hữu hiệu trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới gắn với điều tra, rà soát hộ nghèo sát thực tế; đồng thời có giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường do chất thải từ hoạt động sản xuất của các khu cụm công nghiệp, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp.

Hay tại Quảng Ninh, Ông Lê Ngọc Hân một người dân sinh sống tại khu 4B, phường Cẩm Thành (TP Cẩm Phả) góp ý “Cần phát huy hơn nữa vai trò làm chủ của nhân dân”. “Qua nghiên cứu Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, tôi hoàn toàn nhất trí với nội dung trong dự thảo báo cáo. Trong đó đặc biệt đánh giá cao những kết quả của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Tôi thấy những năm gần đây, tình trạng tham nhũng, tiêu cực đã từng bước được kiềm chế, nhiều vụ án kinh tế, nhất là các vụ án lớn, nghiêm trọng lần lượt được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, chứng tỏ không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đối với Nghị quyết nhiệm kỳ tới, cá nhân tôi thấy cần quan tâm hơn nữa về nội dung dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân. Trong đó, cần hoàn thiện cơ chế, quy trình để đảm bảo nhân dân tham gia có hiệu quả hơn nữa vào quá trình hoạch định và quyết định chính sách”, ông phát biểu.

Hay tại Thanh Hoá đã có hơn 175.000 lượt ý kiến của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh góp ý xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Và còn rất nhiều ý kiến đóng góp tích cực của nhân dân trên khắp cả nước vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng được tiếp thu tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm. Hiện nay dù đợt lấy ý kiến kết thúc vào ngày 10/11 nhưng các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục tiếp nhận các ý kiến đóng góp của nhân dân gửi về.

Chừng đó thôi cũng đủ để thấy những lời lẽ xuyên tạc trắng trợn của Đỗ Ngà đối với công tác lấy ý kiến toàn dân về dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII. Vì vậy, mỗi người dân cần tỉnh táo trước mọi thông tin bịa đặt từ những đối tượng phản động đang lan truyền trên mạng xã hội, đặc biệt là thời điểm Đại hội XIII của Đảng đang đến gần.

Có thể nói, việc lấy ý kiến nhân dân đóng góp xây dựng văn kiện Đại hội là một công việc hệ trọng, nhằm tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của nhân dân trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước, thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng là “lấy dân làm gốc”, mọi chính sách phát triển đều “vì nhân dân”; đồng thời thể hiện trách nhiệm, tình cảm, tâm huyết của nhân dân, hòa quyện lòng dân – ý Đảng.

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags :
Đọc nhiều