Do đâu mà GDP tăng trưởng bất chấp những “cú sốc” lịch sử?

2022 vừa qua được đánh giá là năm của những cú sốc. Vì trong lúc toàn cầu còn đang cố gượng dậy từ đáy sâu suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra, thì cuộc chiến tranh ở Đông Âu đã bất thình lình xuất hiện. Kéo theo đó là một loạt những biến động đẩy kinh tế toàn cầu đến bờ vực của suy thoái. Nhiều quốc gia vỡ nợ, nhiều nền kinh tế rơi vào đình đốn và sa thải hàng loạt nhân viên… Vậy do đâu mà Việt Nam lại có thể tăng trưởng mạnh bất chấp những “cú sốc” lịch sử trong năm 2022?

Năm 2022 chắc chắn sẽ là một năm không thể quên với nhiều quốc gia. Khởi đầu từ cú sốc mang tên chiến tranh Nga – Ukraine. Và hàng loạt những lệnh trừng phạt đáp trả từ phương Tây, đã khiến cho chuỗi cung ứng ở một khu vực rộng lớn trên thế giới bị đứt gãy. Kinh tế toàn cầu lập tức rơi vào tình trạng khủng hoảng, từ lương thực cho đến năng lượng, đẩy lạm phát ở những nền kinh tế lớn lên mức cao nhất trong lịch sử.

Cũng từ đó lại kích hoạt một cú sốc mới mang tên cuộc chạy đua lãi suất của các ngân hàng trung ương để kéo giảm lạm phát, mà bên nổ phát súng khởi đầu là Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED). Sau khi FED chính thức bước vào chu kỳ nâng lãi suất vào tháng 3, tỷ giá giữa các đồng tiền cũng theo nhảy múa không nghỉ suốt cả năm, gây ra khó khăn cực kỳ lớn cho các nhà điều hành trong nhiệm vụ giữ ổn định cho nền kinh tế.

Nếu nhìn một cách khách quan, thực tế năm nào thế giới cũng sẽ đối mặt với thách thức, không ít thì nhiều, năm 2022 đặc biệt chỉ là vì năm này xuất hiện quá nhiều biến động cùng lúc và xảy ra quá nhanh. Do đó, chính là câu nói “vàng thật thì không sợ lửa”, nền kinh tế Việt Nam đã chứng minh được sức khỏe, sức bền của mình khi chống chọi được với những cú sốc lịch sử của năm 2022. Thành tựu lớn nhất của Việt Nam trong năm qua, chính là đã giữ được sự ổn định cho nền kinh tế trước những cú sốc liên tiếp nêu trên. Hay nói một cách khác là với sự điều hành và chính sách linh hoạt của Chính phủ kinh tế Việt Nam đã có khả năng chống chịu đủ tốt để những tác động xấu từ bên ngoài không ảnh hưởng đến nội tại nền kinh tế.

Có hai lý do cho lợi thế này đó là sự chuẩn bị trước của Chỉnh phủ. Nói là “có chuẩn bị trước” vì nếu quay lại thời kỳ đại dịch mới bùng nổ, tức năm 2020-2021, trong khi nhiều nước, điển hình là Mỹ đã bơm một khối lượng tiền khổng lồ ra nền kinh tế để vực dậy tăng trưởng. Thì tại Việt Nam vẫn kiểm soát chặt chẽ lượng tiền qua room tín dụng, qua đó kiểm soát được cung tiền trong nền kinh tế. Nên khi năm 2022 chuỗi cung ứng bị đứt gãy trầm trọng, khiến lạm phát tại Mỹ leo thang lên mức cao nhất thì ở Việt Nam lạm phát chỉ quanh mức 4%. Chính việc điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, có tầm nhìn, phương hướng rõ ràng đã mang lại khả năng chống chịu tốt cho kinh tế Việt Nam.

Những năm trước đại dịch, Việt Nam cũng chủ động xử lý các khoản nợ quốc gia, nợ xấu, trong đó điển hình là nghị định 42 về xử lý nợ xấu đã được ban hành và áp dụng. Các khoản nợ trong ngoài được giải quyết, đồng nghĩa áp lực lên kinh tế cũng giảm đi rất nhiều. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tích cực đẩy mạnh ngoại giao để thúc đẩy xuất khẩu, qua đó làm đầy dự trữ ngoại hối quốc gia, tạo ra một nguồn thặng dư đủ để Việt Nam chi trả cho các mặt hàng nguyên liệu đầu vào khi chúng leo thang đỉnh điểm vào năm 2022, và bảo vệ được tỷ giá của mình không để lạm phát thâm nhập vào nền kinh tế.

Thế giới đã từng đi qua cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cũng như nhiều cuộc khủng hoảng khác trong lịch sử. Ai cũng biết nền kinh tế đều luôn có chu kỳ, một khi đã vui mừng lúc đi lên, thì cũng cần chuẩn bị cho lúc đi xuống. Và Việt Nam đã có chuẩn bị rất tốt cho những bất ổn, từ xử lý nợ, tăng ngoại hối, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt là những cách Chính phủ đã làm để kinh tế Việt Nam có thể chống chọi tốt với những khó khăn từ bên ngoài.

Và tiếp theo không thể nhắc tới là sự quan tâm sát sao của Chính phủ. Năm 2022 không chỉ có chiến tranh và cuộc đua tăng lãi suất, mà còn vô vàn những bất ổn khác như, hạn hán, giá xăng dầu diễn biến phức tạp, dịch cúm A, sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ Châu Phi, … Gần như, từng ngày từng giờ phút trôi qua, thách thức mới luôn không ngừng xuất hiện, và kinh tế Việt Nam đã vượt qua được những tác động đó, chính là vì đằng sau Chính phủ đã luôn nắm bắt tình hình kịp thời và đề ra giải pháp xử lý. Với người Việt, năm 2022 dường như chúng ta vẫn cảm nhận được một sự bình yên đến lạ thường, dù cho thế giới ngoài kia đang căng mình vì chiến tranh và khủng hoảng do chi phí sinh hoạt leo thang.

Năm 2023 được dự báo vẫn sẽ năm thách thức, song sẽ ít chịu cú sốc hơn, đa phần là hệ quả mà những cú sốc năm 2022 để lại. Và với sự quan tâm sát sao của Chính phủ, tin rằng kinh tế Việt Nam năm 2023 vẫn là điểm sáng, như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, Việt Nam là điểm sáng “trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu.

 Nội dung: Huy Hoàng

Đồ họa: M.N