Dính “phốt” vẫn được tái cử lãnh đạo, công tác nhân sự Thái Bình liệu có vấn đề?

02/07/2020 18:55

Việc dừng quy trình tái cử, giới thiệu bầu chức danh lãnh đạo đối với cả hai cựu lãnh đạo phường Lê Hồng Phong từng ‘dính phốt’ liên quan vụ việc cán bộ phường đi tố cáo bị đánh mới đây được dư luận đồng tình, ủng hộ.

Mới đây, vụ việc bà Hoàng Thị Ánh Nguyệt – vợ ông Đặng Xuân Hậu – nguyên chủ tịch UBND phường Lê Hồng Phong TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình bỏ 10 triệu đồng để thuê người đánh dằn mặt anh Vũ Văn Pho, cán bộ tư pháp – hộ tịch phường vì dám viết đơn gây cản trở đường “quan lộ” của chồng mình thu hút sự chú ý của dư luận.

Hiện bà Hoàng Thị Ánh Nguyệt cùng 4 đối tượng khác đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thái Bình khởi tố bị can về tội Cố ý gây thương tích và sẽ bị truy tố, xử lý theo quy định của pháp luật tương ứng với hành vi đã gây ra.

Tuy nhiên, vụ việc trên khiến dư luận chú ý chính là việc ông Đặng Xuân Hậu, nguyên chủ tịch UBND phường Lê Hồng Phong và bà Đặng Thị Kim Thoa – nguyên phó bí thư Đảng ủy phường Lê Hồng Phong từng bị cách chức liên quan đến việc trục lợi chính sách an sinh xã hội năm 2018 vừa qua bất ngờ tái cử vào Ban chấp hành Đảng bộ phường nhiệm kỳ 2020-2025.

Dinh “phot” van duoc tai cu lanh dao, cong tac nhan su Thai Binh lieu co van de?
 Anh Pho, cán bộ phường đi tố cáo bị đánh phải nhập viện.

Dù hai cựu lãnh đạo phường trên sau khi bị kỷ luật cách chức năm 2018 đều không có “vi phạm mới”, nên được tái cử vào Ban chấp hành Đảng bộ phường nhưng dư luận đặt câu hỏi: việc chọn cán bộ từng dính “phốt” để tham gia tái cử có phải là sự “nâng đỡ không trong sáng”? Đồng thời đặt câu hỏi, liệu công tác nhân sự tỉnh Thái Bình có vấn đề không?

Theo Điều 82 Luật Cán bộ, công chức hiện nay, công chức bị xử lý kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không được nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực. Do đó, công chức chỉ có cơ hội được bổ nhiệm lại nếu sau 12 tháng không có vi phạm nào đến mức phải bị xử lý kỷ luật.

Luật Cán bộ, công chức sửa đổi có hiệu lực từ 01/7/2020 cũng quy định, khi bị kỷ luật bằng giáng chức hoặc cách chức, không bổ nhiệm trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.

Theo hướng dẫn về việc tham gia cấp uỷ nhiệm kỳ 2020-2025 đối với cán bộ, đảng viên bị kỷ luật mới đây của Ban Tổ chức Trung ương, những đảng viên bị kỷ luật nhưng nay đã hết thời hạn kỷ luật, thì được thực hiện công tác cán bộ theo quy định hiện hành của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Bên cạnh đó, Ban Tổ chức Trung ương cũng đề nghị các cấp uỷ cần căn cứ tình hình thực tế của đảng bộ và nhân sự cụ thể để thảo luận dân chủ, đánh giá khách quan, thận trọng, kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt về phẩm chất, năng lực, uy tín; nguyên nhân, động cơ vi phạm, khuyết điểm và tính chất, mức độ ảnh hưởng, tác động, kết quả khắc phục hậu quả (nếu có)…

Đồng thời, xem xét, cân nhắc, quyết định theo thẩm quyền việc giới thiệu nhân sự tham gia cấp uỷ nhiệm kỳ 2020-2025, bảo đảm theo đúng Chỉ thị 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị, các quy định hiện hành liên quan và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Dù luật cho phép những đảng viên, cán bộ bị kỷ luật cách chức vẫn có thể được xem xét giới thiệu tái cử nhưng nhiều ý kiến cho rằng đây là việc không nên làm, càng không nên đưa vào những người cơ hội, vi phạm nguyên tắc, có biểu hiện cục bộ, mất đoàn kết, tham nhũng, tiêu cực. Trong khi đó, hai cựu cán bộ phường Lê Hồng Phong bị kỷ luật liên quan đến trục lợi chính sách an sinh xã hội thì càng phải thận trọng cân nhắc. Chủ trương của Đảng, Nhà nước là phải trong sạch hóa đội ngũ cán bộ, loại bỏ những cán bộ yếu về năng lực, kém về phẩm chất.

Bình thường, nếu một cán bộ có lòng tự trọng, có trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân khi bị cách chức do vi phạm khi được giới thiệu tái ứng cử thì nên tự rút lui chứ đừng để dư luận lùm xùm. Nếu cán bộ đảng viên thực sự nêu gương thì thấy mình không đủ điều kiện, tiêu chuẩn cấp ủy, phải tự nguyện xin không tham gia cấp ủy khoá tới. Bởi dù có tái cử nhưng niềm tin của người dân vào những cán bộ này đã vơi cạn khó có thể hoàn thành công việc được giao.

Một ví dụ minh chứng rõ ràng nhất liên quan vụ việc trên, khi cựu Chủ tịch phường bị cán bộ phường tố cáo, vợ người này đã thuê người đánh cán bộ phường để dằn mặt vì cản trở đường “quan lộ” của chồng mình. Nếu cán bộ biết sửa sai đã khuyên răn không để vợ mình làm những chuyện phi pháp đến mức bị khởi tố hình sự như vậy. Bởi những chuyện hệ trọng như vậy, người ngoài có thể không biết nhưng là người chồng khó có thể không hay.

Do đó, sau khi xảy ra sự việc vợ cựu lãnh đạo phường Lê Hồng Phong thuê người đánh người tố cáo, thực hiện chỉ đạo của Ban thường vụ Thành ủy TP Thái Bình, Đảng ủy phường Lê Hồng Phong đã dừng việc làm quy trình tái cử, giới thiệu để bầu vào các chức danh lãnh đạo phường đối với cả ông Hậu và bà Thoa. Quyết định này nhận được sự đồng tình của dư luận.

Qua vụ việc trên dư luận cho rằng, tỉnh Thái Bình nên rà soát các nhân sự, chú trọng hơn nữa công tác cán bộ, kịp thời sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khoá mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội…để đội ngũ cán bộ khóa tới thật sự hồng và chuyên. Bởi như Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã từng nói, cán bộ là then chốt của then chốt và mọi thành bại là do cán bộ.

Ông Vũ Xuân Liệu – bí thư Đảng ủy phường Lê Hồng Phong – cho biết sau vụ anh Vũ Văn Pho, cán bộ tư pháp – hộ tịch phường, bị hành hung và cơ quan công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can (trong đó có bà Hoàng Thị Ánh Nguyệt – vợ ông Đặng Xuân Hậu, nguyên chủ tịch UBND phường Lê Hồng Phong), không còn thấy ông Hậu đến trụ sở phường như mọi ngày. Ban thường vụ Thành ủy TP Thái Bình đã chỉ đạo dừng quy trình tái cử, giới thiệu bầu chức danh lãnh đạo đối với cả hai cựu lãnh đạo từng ‘dính phốt’.

Tâm Đức/KT

Đọc nhiều