‘Dính’ đại án Út trọc, Licogi 13 làm ăn ra sao?
Từ một công ty có bề dày trong lĩnh vực xây lắp, Licogi 13 đã đề ra mục tiêu tái cấu trúc trên 3 nền móng là: Xây dựng, bất động sản, công nghiệp và hạ tầng.
Ngày 31/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối vói người khác để trục lợi” xảy ra tại CTCP Tập đoàn Yên Khánh, Tổng Công ty Cửu Long, Công ty Licogi 13 và các đơn vị liên quan”.
Một trong các nội dung nổi bật, theo Kết luận điều tra, là việc ông Đinh Ngọc Hệ đã lợi dụng chức vụ chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, người đại diện pháp luật của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P (công ty có 51% vốn Nhà nước) để yêu cầu CTCP Licogi 13 (Licogi 13) bán rẻ căn biệt thự BT01 cho ông Hệ với giá 15 tỷ đồng (Theo Quyết định số 342A/QĐ-LICOGI13-HĐQT ngày 6/5/2013 của Licogi 13 thì giá bán Biệt thự BT01 là gần 18,5 tỷ đồng), đổi lại Licogi 13 được tham gia thi công dự án BOT cầu Việt Trì không qua đấu thầu.
Cũng theo kết luận điều tra, BOT cầu Việt Trì đến thời điểm hiện tại vẫn đang nợ Licogi 13 gần 21,5 tỷ đồng.
Licogi 13 đang kinh doanh thế nào?
CTCP Licogi 13 (Licogi 13) được hình thành và phát triển từ năm 1960, từ cái nôi của Tổng công ty Xây dựng và Phát triển Hạ tầng (Licogi), tiền thân là Đội thi công cơ giới số 57 sau đó phát triển thành Công trường Cơ giới 57 chuyên thi công hạ tầng các công trình phục vụ công cuộc xây dựng Xã hội chủ nghĩa tại Miền Bắc.
Năm 2005, công ty chuyển đổi hình thức sở hữu từ công ty nhà nước sang CTCP theo Quyết định số 2088/QĐ-BXD ngày 29/12/2004 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Đến ngày 22/4/2010, Licogi 13 niêm yết trên sàn HNX với mã là LIG.
Với “thâm niên” hoạt động như vậy, Licogi 13 không phải cái tên xa lạ với giới đầu tư.
Nhắc đến Licogi 13 là nhắc đến những công trình xây dựng lớn, như: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà ga T1 Sân bay Nội Bài, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Trung tâm Hội nghị quốc gia, Nhà Quốc hội mới. Các công trình thủy điện: Bản Chát, Lai Châu; Nhà máy Xi măng Bút Sơn 2, Nhà máy Giấy An Hòa (Tuyên Quang)…
Ngoài ra, có thể kể đến các công trình hạ tầng giao thông như: đường bao biển và hạ tầng Khu đô thị Lán Bè – Cột 8 (TP. Hạ Long, Quảng Ninh); Quốc lộ 1A (Khánh Hòa), Quốc lộ 20 (Lâm Đồng), cầu Hạc Trì (Phú Thọ), đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
Bên cạnh đó là xây dựng các công trình dân dụng: Khu nhà ở Licogi 13, Tòa nhà hỗn hợp Licogi 13 Tower, các tòa nhà của nhiều chủ đầu tư tên tuổi như Handico, Viwaseen, FLC, Sông Đà 7…
Với bề dày kinh nghiệm trong mảng xây dựng, lĩnh vực này trong suốt nhiều năm luôn là mảng đóng góp chính cho doanh thu/lợi nhuận công ty. Đơn cử trong năm 2019, lĩnh vực xây lắp đem về gần 1.765 tỷ đồng cho Licogi 13, chiếm 79,18% tổng doanh thu.
Dù vậy, trong quá trình hướng đến sự phát triển bền vững, HĐQT Licogi 13 đã đề ra mục tiêu xây dựng công ty trên 3 nền móng là: Xây dựng, bất động sản, công nghiệp và hạ tầng.
Điều này có thể thấy ở cơ cấu doanh thu công ty theo thời gian, với sự đóng góp nhiều hơn của mảng bất động sản và năng lượng.
Đáng chú ý, doanh thu năm 2019 có sự tăng trưởng đột biến nhờ mảng năng lượng.
Nửa đầu năm 2020, doanh thu thuần Licogi 13 đạt 1.084 tỷ (tăng 2,8%) và 11,6 tỷ lợi nhuận trước thuế (giảm hơn 14%). Như vậy, Licogi 13 đã hoàn thành 65,3% và 40,5% kế hoạch cả năm 2020.
Trong năm 2020, ở mảng lĩnh vực xây lắp, Licogi 13 đề ra kế hoạch “tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động xây lắp bằng các phương án tổ chức thực hiện đối với từng loại công trình/dự án…”.
Trong mảng bất động sản, Licogi 13 đặt ra mục tiêu triển khai các dự án như dự án Cầu Hưng Lai Nghi (Quảng Nam); Dự án Nhà ở xã hội KCN Hòa Khánh; Dự án Khu đô thị hồ Suối Cam (Đồng Xoài – Bình Phước) và dự án Khu du lịch cao cấp Trà Cổ. Licogi 13 cũng cho biết sẽ “khởi công 1-2 dự án bất động sản tại Thái Bình, Ninh Bình vào quý IV/2020”.
Với các dự án năng lượng, công nghiệp, Licogi 13 triển khai dự án Nhà máy điện mặt trời LIG Quảng Trị (cụ thể là hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chuyển giao chủ đầu tư từ Licogi 13 sang Công ty TNHH MTV Điện Mặt trời Licogi 13; Mục tiêu năm 2020 khởi công xây dựng 1 dự án điện gió, 1 dự án khu công nghiệp); dự án Sông Nhiệm 3 (đặt kế hoạch vận hành phát điện tổ máy số 1 trong tháng 3/2021 và tổ máy số 2 trong tháng 4/2021); Dự án Nậm Pàn 5 (chuẩn bị các điều kiện triển khai thi công trong quý IV/2020).
Tầm nhìn 3-5 năm tới, công ty đặt mục tiêu doanh thu từ lĩnh vực xây dựng đạt 1.800 tỷ đồng/năm; lĩnh vực bất động sản góp 200 tỷ/năm và lĩnh vực hạ tầng công nghiệp sẽ đưa vào khai thác, vận hành tối thiểu 2 nhà máy thủy điện nhỏ, 2 nhà máy năng lượng tái tạo khác và 1 khu công nghiệp với tỷ lệ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận từ 8% – 10%/năm.
Cơ cấu cổ đông Licogi 13
Hiện tại, các thành viên HĐQT Licogi 13 gồm các ông Bùi Đình Sơn (Chủ tịch), Nguyễn Văn Hiệp, Nguyễn Quốc Hùng, Vũ Tuấn Đương, Nguyễn Thanh Tú và Phạm Văn Thăng (cũng là Tổng giám đốc Licogi 13).
Trong đó, ông Phạm Văn Thăng cũng là cổ đông lớn khi nắm gần 2,5 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 5,7%. 3 cổ đông lớn khác gồm Tổng công ty Licogi – CTCP (2,7 triệu CP – 6,2%), Lê Thị Quyên (2,17 triệu CP – 5%) và Vũ Thị Kim Anh (2,17 triệu CP – 5%).
Vừa qua, ông Phạm Văn Thăng đã đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu LIG trong thời gian từ 3/9/2020 – 2/10/2020.
Hữu Bật /NĐT