Điều kinh hoàng gì sẽ xảy ra khi toàn cầu mất điện?

Bảo Trâm 27/03/2023 15:35

Vụ việc vào năm 2019 khiến các bệnh nhân ở Venezuela nhận ra rằng khi cả nước bị mất điện liên tục kéo dài năm ngày thì hóa ra mất điện gây ra nhiều vấn đề vô cùng chứ không chỉ là chuyện không có ánh đèn.

Một đợt mất điện nghiêm trọng khiến người tham gia giao thông và đi tàu điện ngầm ở Manhattan mắc kẹt trong bóng tối đầu năm nay

Các bác sĩ không thể làm được gì. Trong bóng tối dày đặc chỉ thỉnh thoảng lóe lên ánh sáng của đèn pin và từ điện thoại di động, các nhân viên y tế bất lực chứng kiến bệnh nhân chết dần ngay trước mắt họ. Một phụ nữ lớn tuổi bị hiện tượng máu đông trong phổi – một triệu chứng khá phổ biến, đe dọa tới tính mạng và chỉ có thể chữa lành bằng đúng loại thiết bị và đúng thuốc.

Mọi thứ mà các bác sĩ ở đây cần để cứu bà, trong đó có máy trợ thở, nằm ở rất gần trong khu vực chăm sóc đặc biệt, chỉ cách họ vài tầng lầu. Nhưng không có điện trong bệnh viện cao chín tầng ở Maracay, chẳng cách nào họ đến được với cái máy. Không có điện, thang máy không hoạt động.

Đó là tình trạng đã xảy ra ở nhiều bệnh viện trên khắp Venezuela hồi tháng Ba vừa qua, khi nước này có đợt mất điện toàn quốc kéo dài năm ngày do khủng hoảng chính trị và kinh tế.

Không được chuẩn bị để đối phó với tình trạng mất điện bất thần, máy phát điện dự phòng ở nhiều bệnh viện không hoạt động, trong khi một số bệnh viện khác chỉ có đủ nhiên liệu để duy trì hoạt động một vài khu vực quan trọng nhất.

Đến ngày thứ năm, ước tính đã có 26 người thiệt mạng ở nhiều bệnh viện tại quốc gia này vì mất điện, theo số liệu của tổ chức Bác sĩ vì Sức khỏe (Doctors for Health), nhóm bác sĩ theo dõi tình trạng khủng hoảng y tế ở Venezuela.

Trong số những người thiệt mạng có các bệnh nhân suy thận không được lọc máu khi cần và bệnh nhân bị trúng đạn mà bác sĩ không thể nào phẫu thuật trong đêm.

Cùng với người chết là chuyện về những sản phụ sinh con ngay trong phòng bệnh tối tăm ở bệnh viện, bác sĩ chữa trị cho bệnh nhân và bác sĩ phẫu thuật mổ bằng đèn pin từ điện thoại di động, và những em bé không thể tiếp tục sống trong lồng ấp.

“Những em bé này cần được chăm sóc đặc biệt và vì không có điện, nhân viên lồng ấp trong những phòng săn sóc trẻ sơ sinh đặc biệt đã phải tìm chăn để giữ ấm cho trẻ,” Julio Castro từ Trường Y học Đại học Trung tâm Venezuela nói.

Ông đã tập hợp dữ liệu cho Tổ chức Bác sĩ vì Sức khỏe, mô tả một số câu chuyện mà nhân viên bệnh viện kể lại cho ông khi đợt mất điện toàn quốc xảy ra.

Một số người sử dụng điện thoại để chiếu sáng lên hàng hóa trong siêu thị ở Bueno Aires, Argentina trong đợt mất điện

“Khi máy trợ thở không hoạt động, y tá và bác sĩ phải bóp thiết bị thở cao su bằng cách thủ công,” ông kể lại. “Họ phải thay nhau để giúp bệnh nhân sống sót.”

Vấn đề lan rộng ra ngoài phạm vi bệnh viện. Người già ở căn hộ cao tầng phải được đưa xuống bằng thang bộ. Mọi người nấu ăn bằng lửa và ăn trong ánh nến. Không có điện, thức ăn hư hỏng khi tủ lạnh nóng dần lên, đèn giao thông không hoạt động và hệ thống giao thông bị đình trệ. Bơm nước đến mọi nhà trong thành phố ngừng hoạt động, khiến cư dân khổ sở tìm kiếm nguồn nước ở sông lạch và thậm chí cả ở cống thải gần nơi sinh sống.

Trong suốt năm, Venezuela đã gặp phải tình trạng mất điện thường xuyên. Một số đợt mất điện ngắn và chỉ diễn ra ở vài địa phương, kéo dài vài phút đến vài giờ cho đến khi có điện trở lại, nhưng một số đợt mất điện kéo dài nhiều ngày.

Khi mất điện tiếp tục, Castro và đồng nghiệp của ông nhận thấy nhiều người chết hơn.

“Nếu bạn thậm chí chỉ có bốn giờ mất điện trong bệnh viện thì điều đó cũng là quá mức bất thường,” Castro giải thích. “Tình trạng mất nước còn tệ hơn. Có một số bệnh viện buộc phải yêu cầu bệnh nhân tự mang theo nước của họ vì bệnh viện không có đủ nước cung cấp.”

Nhưng tình trạng mất điện lan rộng và kéo dài như vậy, được gọi là sự cố bầu trời đen tối, không chỉ xảy ra ở quốc gia bên bờ vực sụp đổ này.

Mỗi năm, hàng triệu người ở Mỹ và Canada bị rơi vào tình trạng tăm tối vì bão tố đi qua khiến hệ thống lưới điện bị phá hủy.

Trong tháng Sáu năm nay, hầu hết toàn bộ Argentina, Uruguay và Paraquay bị đợt mất điện toàn bộ khiến 40 triệu người không có điện sử dụng.

Trong tháng Tám, gần một triệu người ở Anh Quốc bị mất điện, nhiều hành khách đi tàu mắc kẹt khi sét đánh khiến một nhà máy điện bốc cháy và một nhà máy điện gió ngoài khơi phải đồng thời ngưng hoạt động.

Tuy nhiên, những sự kiện trên đây chỉ là quy mô nhỏ so với tình trạng mất điện mà các chuyên gia lo sợ sẽ xảy ra trong tương lai.

Nhu cầu về điện ngày càng tăng vì dân số tăng và những công nghệ mới như xe hơi điện sẽ phải đối mặt với tình trạng bất ổn tăng dần khi ta dần chuyển qua những nguồn năng lượng tái tạo nhưng không ổn định như điện gió và điện mặt trời.

Điều kiện thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu sẽ gia tăng rủi ro tác động lên nguồn cung cấp điện.

“Phần lớn cuộc sống của con người và gần như mọi thứ ta làm giờ đây lệ thuộc vào năng lượng, cụ thể là nguồn điện,” Juliet Mian, giám đốc kỹ thuật của tổ chức Chuyển đổi Khả năng Hồi phục (Resilience Shift), một sáng kiến giúp các tổ chức và cá nhân chuẩn bị cho sự sụp đổ của những cơ sở vật chất quan trọng trong tương lai, nói.

“Chúng ta thường sử dụng cụm từ ‘mất điện, tối om’, nhưng ánh đèn chiếu sáng chỉ là mối lo lắng thấp nhất với ta ngày nay.”

Trong thế giới hiện đại, hầu như mọi hoạt động, từ hệ thống tài chính, mạng lưới thông tin liên lạc đều hoàn toàn lệ thuộc vào điện. Những cơ sở hạ tầng quan trọng khác như nguồn nước và hệ thống nước thải cũng hoạt động nhờ vào bơm nước chạy bằng điện.

Không có điện, bơm nhiên liệu tại cây xăng cũng ngừng hoạt động, biển chỉ đường, đèn giao thông và hệ thống tàu điện cũng bị đình trệ. Cả mạng lưới giao thông rơi vào tình trạng ngừng hoạt động.

Hệ thống cung cấp thức ăn phức hợp của chúng ta cũng nhanh chóng hỏng hóc nếu không có máy tính phối hợp ở những khâu sản xuất cần đến, hoặc không có nhiên liệu để vận tải thực phẩm hay cấp đông bảo quản. Máy điều hòa nhiệt độ, lò đun bằng ga và hệ thống sưởi cũng phụ thuộc vào điện.

Chỉ mới hơn 100 năm trước, các thành phố của con người còn hoạt động nhờ vào sức người và sức động vật để vận tải hàng hóa và chất thải. Cơ sở vật chất hiện đại giờ đây hoàn toàn phụ thuộc vào năng lượng điện.

“Trong thế giới ngày nay, hệ thống của chúng ta cực kỳ lệ thuộc lẫn nhau và rất khó tìm ra nhiều hệ thống mà không chủ yếu dựa vào điện năng,” Mian nói. “Kịch bản mất điện toàn cầu sẽ gây tác động tới tất cả mọi người.”

Bảo Trâm

Đọc nhiều