Điều ít biết về hiệp định thương mại lớn nhất thế giới ký kết tại Hà Nội

17/11/2020 06:33

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 tuần qua tại Hà Nội được kỳ vọng là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới.

RCEP là một trong những hiệp định thương mại tự do quy mô lớn nhất thế giới. (Ảnh: Reuters)
RCEP là một trong những hiệp định thương mại tự do quy mô lớn nhất thế giới. (Ảnh: Reuters)

Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 diễn ra tại Hà Nội ngày 15/11, lãnh đạo 15 quốc gia khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) – một trong những thỏa thuận thương mại tham vọng nhất từ trước đến nay.

RCEP là thỏa thuận tự do thương mại (FTA) có sự tham gia của 10 nước thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) cùng 5 đối tác FTA là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.

Được khởi xướng vào năm 2011, RCEP được kỳ vọng sẽ xóa bỏ 90% thuế quan đánh vào hàng hóa nhập khẩu giữa các nước ký kết trong 20 năm hiệu lực dự kiến bắt đầu từ năm 2021. Thỏa thuận cũng đưa ra quy tắc chung cho hoạt động thương mại điện tử, thương mại và sở hữu trí tuệ.

Tại lễ ký kết ngày 15/11, chỉ có đại diện 15 quốc gia ký kết RCEP thay vì 16 quốc gia như ban đầu. Điều này là bởi Ấn Độ tuyên bố rút khỏi đàm phán hồi năm ngoái do lo ngại ngành sản xuất nội địa bị ảnh hưởng tiêu cực bởi hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc hay sữa và sản phẩm nông nghiệp giá cạnh tranh từ Australia và New Zealand.

Mặc dù vậy, các nước thành viên RCEP vẫn để ngỏ cánh cửa để Ấn Độ gia nhập trở lại nếu muốn.

Ngay cả khi không có Ấn Độ, RCEP vẫn là FTA lớn nhất thế giới, với tổng dân số các nước thành viên chiếm 30% dân số thế giới (hơn 2,3 tỷ người), chiếm 30% GDP toàn cầu (gần 25.000 tỷ USD). Hơn nữa, RCEP là FTA đầu tiên có sự tham gia của cả Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc – ba nền kinh tế lớn thứ nhất, thứ hai và thứ tư châu Á.

RCEP cung cấp một bộ quy tắc tiêu chuẩn và minh bạch trên các lĩnh vực đa dạng như thực tiễn thương mại, đầu tư và sở hữu trí tuệ với các điều khoản cao hơn mức tối thiểu hiện hành của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan và cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan, quy tắc xuất xứ sẽ tạo cơ hội để các nước thành viên tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, mở ra cơ hội tiếp cận các thị trường mới, gắn kết vững chắc hơn trong một khu vực kinh tế năng động nhất thế giới

Mặc dù RCEP đã đạt được những bước tiến đáng kể về quy tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ và cắt giảm thuế quan, nhưng vẫn chưa đề cập đến một số vấn đề, đặc biệt khi so sánh với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). CPTPP có sự tham gia của 11 thành viên, trong đó có Nhật Bản, Việt Nam, Canada, Mexico, Peru, Chile và New Zealand.

CPTPP có nguồn gốc là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – một phần quan trọng trong nỗ lực của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm xoay trục sang châu Á cho đến khi người kế nhiệm Donald Trump tuyên bố rút khỏi đàm phán vào năm 2017. Nhật Bản và 10 thành viên còn lại tiếp tục đàm phán và chính thức thông qua hiệp định sửa đổi có tên CPTPP vào năm 2018.

CPTPP được coi là một trong những thỏa thuận thương mại đa phương tiên tiến nhất thế giới, rộng mở hơn và toàn diện hơn, trong đó xóa 99% loại thuế quan với hàng hóa nhập khẩu giữa các nước thành viên. CPTPP cũng bao gồm các điều khoản về tiêu chuẩn lao động và môi trường.

Minh Phương/ SCMP

Đọc nhiều