128036
category
404500

Điều hoà cũ nhập lậu đổ về, ham rẻ coi chừng ăn quả đắng

26/06/2020 21:13

Nắng nóng, nhu cầu mua hàng điện lạnh cũ tăng cao khiến cho số vụ nhập lậu mặt hàng này ngày càng nhiều. Nhưng chất lượng hàng điện lạnh “bãi” liệu có đảm bảo?

Bắt giữ nhiều lô hàng điện lạnh cũ nhập lậu

Khi cả nước bước vào giai đoạn cao điểm nắng nóng, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tại nhiều tỉnh, thành liên tiếp bắt giữ nhiều lô hàng điện lạnh, điện tử đã qua sử dụng không có hóa đơn chứng từ.

Mới đây nhất, ngày 22/6, Đội QLTT số 7 thuộc Cục QLTT Quảng Bình phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Quảng Bình phát hiện trên xe ô tô tải mang BKS 18C-100.89 do ông Trần Hữu Sinh (SN 1980, ở xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) điều khiển có vận chuyển một số tang vật vi phạm gồm: 93 cục nóng điều hoà, 94 cục lạnh điều hoà, 161 chiếc máy lọc không khí, 142 nồi cơm điện, 16 chiếc máy giặt, 15 chiếc máy rửa bát, 11 bếp từ, 10 bộ loa các loại. Tất cả số hàng này đều là hàng đã qua sử dụng do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp ngay tại thời điểm kiểm tra. Ước tính trị giá lô hàng khoảng 400 triệu đồng.

Trước đó, vào ngày 20/6, Đội QLTT số 6 thuộc Cục QLTT Tây Ninh phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế và Cảnh sát giao thông, Công an thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh cũng tiến hành kiểm tra hành chính ô tô tải mang biển kiểm soát 51C 225.90 đang lưu thông qua địa phận phường Lộc Hưng, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Đoàn công tác kiểm tra bên trong xe tải phát hiện số lượng lớn hàng điện máy đã qua sử dụng, không rõ nguồn gốc. Kết quả kiểm đếm cho thấy có 664 đồ điện lạnh đã qua sử dụng, không rõ nguồn gốc gồm: 82 cái nồi cơm điện, 26 cái quạt điều hòa, 280 cái dàn lạnh và 276 cục nóng của máy điều hòa nhiệt độ mang các nhãn hiệu như: Daikin, Hitachi, Toshiba, Panasonic…

Điều hoà cũ nhập lậu đổ về, ham rẻ coi chừng ăn quả đắng
Lô hàng điều hòa và các thiết bị điện gia dụng đã qua sử dụng bị bắt giữ tại Quảng Bình.

Cũng trong ngày 20/6, Đội QLTT số 6, Cục QLTT Hà Tĩnh phối hợp Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Hà Tĩnh tiến hành kiểm tra container mang biển kiểm soát 51C 71292, Mooc 51R 14131 do tài xế Lê Xuân Tứ (xã Cẩm Hà, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) điều khiển. Đoàn kiểm tra phát hiện trên xe chở 12 cục nóng, lạnh điều hòa, 1 máy giặt, 3 tủ lạnh do nước ngoài sản xuất đã qua sử dụng, không có hóa đơn, chứng từ liên quan. Tài xế cho biết, toàn bộ số hàng trên vận chuyển từ TP.HCM ra Bắc để tiêu thụ.

Cách đó không lâu, vào ngày 4/6, tại km 705 Quốc lộ 1A, thuộc xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, Đội QLTT số 5 thuộc Cục QLTT Quảng Bình phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Quảng Bình đã đón dừng và kiểm tra hành chính ô tô tải mang BKS 34C-121.53 do ông Nguyễn Văn Thuật (thường trú xã Cộng Hòa, huyện Yên Thành, tỉnh Hải Dương) điều khiển theo hướng từ Nam ra Bắc.

Đoàn kiểm tra phát hiện trên xe có vận chuyển hàng hóa vi phạm gồm: 55 cục nóng điều hòa các loại sản xuất tại Trung Quốc, 52 cục lạnh điều hòa các loại sản xuất tại Trung Quốc, 70 cái máy hút ẩm không khí các loại do nước ngoài sản xuất, 6 cái máy giặt cửa trước các loại xuất xứ Nhật Bản, tất cả đều là hàng hóa đã qua sử dụng. Toàn bộ số hàng hóa trên không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa ngay tại thời điểm kiểm tra. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 400 triệu đồng.

Trước đó, trong 2 ngày 17 và 18/5, lực lượng chức năng tỉnh An Giang cũng đã bắt giữ 2 ghe vận chuyển gần 55 tấn hàng điện lạnh, điện tử nhập lậu. Tất cả đều đã qua sử dụng, thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu.

Hồi đầu tháng 5, lực lượng QLTT TP.HCM kiểm tra kho hàng trên đường Kênh 19/5, quận Tân Phú và phát hiện trong kho đang chứa trữ gần 600 sản phẩm thuộc 5 nhóm mặt hàng: điều hòa đã qua sử dụng, bếp gas, bếp điện, máy lọc không khí, dàn loa amply. Số hàng cấm này đa số có nguồn gốc từ Campuchia, đa phần là mặt hàng máy lạnh đã qua sử dụng có nguồn gốc từ nội địa Nhật Bản.

Mua đồ điện tử cũ nhiều rủi ro

Điều hoà cũ nhập lậu đổ về, ham rẻ coi chừng ăn quả đắng
Nắng nóng, điều hoà cũ đắt hàng.

Cơ quan chức năng nhận định, mùa nắng nóng, các đường dây buôn lậu mặt hàng điện tử, điện lạnh thường hoạt động mạnh hơn, với nhiều mánh khóe tinh vi. Một trong những chiêu thức mà các đối tượng buôn lậu thường sử dụng là chia lô hàng để chở trên nhiều xe, mỗi xe chạy theo các cung đường khác nhau để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng. Tiếp theo đó, lô hàng sẽ được tập kết tại một số kho hàng để phân tải và chuyển đi khắp các tỉnh, thành bằng phương tiện vận tải cỡ nhỏ. Sau đó, các đối tượng sẽ rao bán trên mạng xã hội, phân phối trong nội địa mặt hàng điện tử, điện lạnh cũ để kiếm lời.

Vài năm lại đây, việc rao bán hàng điện tử đã qua sử dụng được nhập khẩu từ nước ngoài trên mạng xã hội khá sôi động. Hàng nội địa nước ngoài nhập lậu, nhất là sản phẩm cũ từ Nhật Bản, Hàn Quốc được nhiều người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng vì giá rẻ. Hơn nữa, những mặt hàng này được cho là rất bền, chất lượng tốt, đặc biệt là tiết kiệm điện.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không nên mua hàng điện tử, điện lạnh cũ vì chúng là hàng thải tại nước ngoài, sẽ làm tăng lượng “rác điện tử” ở nước ta. Chúng thường là hàng quá hạn sử dụng, chất lượng không dễ dàng được kiểm định.

Vì là hàng cũ, đã qua sử dụng nên chúng có xác suất rủi ro lớn như có thể hư hỏng linh kiện, là hàng lắp ráp hoặc hỏng do quá trình sử dụng. Khi về Việt Nam, chúng thường được thay thế linh kiện trôi nổi trên thị trường, sau đó được sơn mới, kéo lụa lại nhãn hiệu, trông như hàng chỉ mới qua sử dụng vài tháng để thu hút người mua. Do đó, việc mua đồ cũ khá hên-sui, may thì mua được hàng tốt, rủi thì mua phải đồ bỏ.

Hiện trên thị trường, hàng điện lạnh, điện tử mới sản xuất trong nước rất phong phú và đa dạng, giá cả phải chăng và công dụng cũng không kém gì hàng “bãi”. Vì vậy, người tiêu dùng nên chọn mua đồ mới sẽ yên tâm hơn về điện áp, chế độ bảo hành, bảo dưỡng…

Anh Tuấn/VNN

Tags :
Đọc nhiều