436
category
332211

Điều Công Phượng thiếu, chính là thứ giúp Tuấn Anh rực sáng át cả “siêu phẩm” của Tiến Linh

16/11/2019 11:24

Có rất nhiều tranh cãi xung quanh việc đánh giá Công Phượng ở trận đấu mà Tuấn Anh rực sáng, làm “lóa mắt” cả những người khó tính nhất. Vì đâu Tuấn Anh lại xuất sắc đến thế?

Điều Công Phượng thiếu, chính là thứ giúp Tuấn Anh rực sáng át cả "siêu phẩm" của Tiến Linh
Điều Công Phượng thiếu, chính là thứ giúp Tuấn Anh rực sáng át cả “siêu phẩm” của Tiến Linh

1. Từ khi được thầy Park gọi trở lại đội tuyển Việt Nam, chưa bao giờ Tuấn Anh khiến người hâm mộ phải thất vọng. Nhưng trận thắng UAE vừa qua là điểm nhấn đặc biệt, khiến giới chuyên môn cực kỳ ngạc nhiên, bởi đó lại là một Tuấn Anh rất mới, rất khác, theo chiều hướng cực kỳ tích cực và xứng đáng nhận những lời trầm trồ.

Hai trận đấu trước, đối đầu với Thái Lan và Malaysia ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022, Tuấn Anh đã chơi cực kỳ xuất sắc trong vai trò giúp đội tuyển Việt Nam thoát pressing. Sự bình tĩnh, khôn khéo trong những pha cầm bóng qua người từ phần sân nhà của tiền vệ người Thái Bình đã giúp thầy trò HLV Park Hang-seo giải tỏa được cực kỳ nhiều áp lực từ đối phương chơi pressing tầm cao, hòng đẩy Việt Nam về sâu phần sân nhà, phá tan ý đồ áp đặt trận đấu của đối thủ.

Nhưng ở trận gặp UAE là một Tuấn Anh cực kỳ xuất sắc. Không còn quá nhiều những pha đi bóng lắt léo, những đường chuyền khôn ngoan lên phía trên cho các đồng đội, thay vào đó là những đường chuyền về trong suốt hiệp 1 trận đấu, cho đến khi đội tuyển Việt Nam có được lợi thế từ chiếc thẻ đỏ dành cho đối thủ. Và ở đó là một Tuấn Anh làm lu mờ cả bàn thắng siêu phẩm của Tiến Linh bằng những pha đánh chặn cực kỳ hiệu quả giữa sân.

Ở đấy không còn là một Tuấn Anh “nghệ sĩ” mà người hâm mộ từng biết đến, thay vào đó là một Tuấn Anh “chiến binh” với những pha bứt tốc cự ly ngắn cực nhanh để “chặn đầu” đối phương, phá tan ý đồ tấn công từ giữa sân của UAE. Và quan trọng nhất, những pha bứt tốc đánh chặn “không trượt phát nào” ấy đến từ nhãn quan và khả năng “đón lõng” ý đồ của đối phương cực tốt của cầu thủ mà Tiến Linh cũng phải công nhận là “xuất sắc nhất trận” này.

Có cảm giác như ngay khi đối thủ cầm bóng xuất phát, tiền vệ người Thái Bình đã biết được cực kỳ rõ ràng ý đồ của đối phương, tính toán xong phương án xử lý trong đầu, để rồi mỗi lần “tăng ga”, là một lần đối phương lại “giương cờ trắng” đầu hàng.

2. Điều gì biến Tuấn Anh “nghệ sĩ” thành một Tuấn Anh là “con dao pha” mà HLV Park Hang-seo ưng ý nhất, với đầy đủ tố chất của một chiến binh, nhưng cũng thừa không ngoan có độ thích nghi cực cao với các “nhiệm vụ bất khả thi” mà ông thầy người Hàn Quốc giao cho mình qua từng trận đấu?

Điều Công Phượng thiếu, chính là thứ giúp Tuấn Anh rực sáng át cả siêu phẩm của Tiến Linh - Ảnh 2.

Đấy cũng chính là điều mà Công Phượng chưa có được, để rồi vẫn trình diễn một hình hài “tuổi 19”, suốt từ Hàn Quốc, Bỉ, và ở đội tuyển quốc gia dưới bàn tay thầy Park.

Những ngày Công Phượng tung hoành trước khi đi Hàn, đi Bỉ, để “đem cầu thủ Việt Nam ra với thế giới”, cũng là những ngày tháng Tuấn Anh phải gặm nhấm nỗi đau – cả thể xác lẫn tinh thần, với những chấn thương hành hạ, khiến đã có lúc cầu thủ người Thái Bình này nghĩ đến chuyện giải nghệ. Nhưng chính những ngày tháng ấy, cùng những điều đọc được trong sách đã giúp anh tìm được con đường đi của riêng mình, để trở nên mạnh mẽ hơn, hoàn thiện hơn ngay khi trở lại.

Còn Công Phượng thì không có được những “quãng nghỉ” ấy, để nghiền ngẫm, để tự nhìn lại chính mình, để thích ứng với những môi trường mới, mà một trong số đó chính là lối chơi, chiến thuật và HLV Park Hang-seo vận dụng cho bóng đá Việt Nam.

Điều Công Phượng thiếu, chính là thứ giúp Tuấn Anh rực sáng át cả siêu phẩm của Tiến Linh - Ảnh 3.

Tuấn Anh từ bỏ lối chơi “nghệ sĩ”, lối chơi mà được dạy từ khi còn rất bé ở học viện HAGL Arsenal JMG, và làm nên tên tuổi của mình, với những pha đi bóng “dẻo như lụa”, những đường chuyền mang đậm chất nghệ nhân. Tuấn Anh từ bỏ lối chơi “chỉ cần mình làm tốt là đủ”, không cần quan tâm tới đối phương, để chọn cách “đọc bài” đối phương, để rồi phong tỏa đối thủ, trước khi tung ra đòn phản công khiến đối phương phải choáng váng.

Đấy cũng là sự khác biệt căn bản giữa hai trường phái bóng đá lớn của thế giới ở thế kỷ trước. Nếu như cầu thủ Brazil chỉ cần quan tâm làm sao đi bóng, đưa bóng qua được đối phương, thì người Đức vận dụng năng lực của mình để ngăn cản đối phương bằng cách “đọc bài”, để rồi tìm chiến thắng bằng sự chắc chắn, bằng cách bẽ gãy những pha tấn công của đối phương trước khi phản công để tìm đường vào khung thành đối thủ.

Rất có thể HLV Park Hang-seo tung Công Phượng vào sân trong trận thắng UAE với mục đích quấy phá, đẩy hàng thủ đối phương về sát khung thành, “giảm tải” cho các đồng đội phía dưới, thì rõ ràng cứu cánh của nhà cầm quân người Hàn Quốc phải cao hơn thế, với không chỉ là đe dọa, mà còn là ghi bàn vào khung thành đối phương.

Cũng nên nhớ, hai bàn thắng hiếm hoi mà Công Phượng ghi được trong năm nay đều không đến từ những pha đi bóng lắt léo hay những cú sút “thần sầu”, mà đến từ pha đá bồi sau cú sút của Trọng Hoàng trong trận gặp Jordan, và pha băng vào đệm bóng cận thành ở trận đấu với Iraq, cùng ở Asian Cup 2019.

Và hai pha bỏ lỡ đáng tiếc gần đây nhất của Công Phượng, đều là những pha đồng đội ở Sint Truidense chuyền bóng “như đặt”, song “Messi Việt Nam” đều chọn khe giữa hai chân thủ môn đối phương để sút vào, thay vì chọn khoảng trống mênh mông hai bên. Công Phượng vẫn đang làm điều anh muốn, để rồi bị đối phương “bắt bài”, thay vì nhìn đối phương để tìm phương án tốt nhất dứt điểm.

Điều Công Phượng thiếu, chính là thứ giúp Tuấn Anh rực sáng át cả siêu phẩm của Tiến Linh - Ảnh 5.

Đã đến lúc phải thay đổi rồi Công Phượng, như cái cách mà Tuấn Anh “lột xác”, bằng tư duy bóng đá hoàn thiện hơn, hợp với lối chơi mà HLV Park Hang-seo đang vận dụng, cũng như CLB châu Âu mà anh đang thi đấu vận hành.

Để rồi thay vì “cắm đầu cắm cổ” lừa bóng qua đối phương, thì khéo léo gài bóng khiến đối thủ phải phạm lỗi, nhận thẻ đỏ. Thì ngẩng mặt lên, để trong chớp mắt tung ra cú sút đầy quyết đoán khi nhận thấy thủ môn đối phương chớm dâng cao, như cái cách mà Tiến Linh tạo bước ngoặt, lập siêu phẩm để đem về chiến thắng đầy ý nghĩa cho đội tuyển Việt Nam.

Hẳn nhiên Công Phượng khác Tuấn Anh, lối chơi và vị trí của chân sút xứ Nghệ cũng khác với tiền vệ người Thái Bình, nhưng tư duy chơi bóng, hành trình hoàn thiện bản thân là điều có thể tham khảo và học hỏi được. Hãy hỏi Tuấn Anh, để người hâm mộ Việt Nam được thấy một Công Phượng “lột xác” thành công, sau một năm bộn bề với những nỗi niềm khó mà vui nổi.

Lam Chi/Soha News

Đọc nhiều