Điều chuyển hàng loạt giám đốc công an từ nơi khác đến là nguyên tắc hồi tị

04/07/2020 16:52

Để kiện toàn nhân sự chuẩn bị cho đại hội Đảng của các tỉnh thành, thời gian qua Bộ Công an đã điều chuyển hàng loạt giám đốc công an từ nơi khác đến.

Việc điều chuyển này tuân theo nguyên tắc: không để người địa phương làm giám đốc công an ở địa phương. Đây là một bước cải cách rất có ý nghĩa.

Trước hết, việc điều chuyển này sẽ giúp bảo đảm nguyên tắc hồi tị: không để mối quan hệ bà con, gia tộc ảnh hưởng tiêu cực đến công vụ. Đã thực thi công vụ, quan trọng là không được để công, tư lẫn lộn.

Thế nhưng vượt qua tâm lý cả nể, từ chối sự giúp đỡ người thân khi ai ai cũng tâm niệm “một người làm quan, cả họ được nhờ” hoàn toàn không phải là dễ.

Hiện tượng “nâng đỡ không trong sáng”, bổ nhiệm người thân, người nhà gây bức xúc dư luận vừa qua cho chúng ta thấy rất rõ điều này.

Giám đốc công an được điều chuyển từ địa phương khác đến về cơ bản sẽ tránh được ảnh hưởng tiêu cực của mối quan hệ bà con, gia tộc để thực thi công vụ khách quan và công tâm hơn.

6 tháng, Bộ Công an điều động, bổ nhiệm 15 giám đốc công an tỉnh

Thứ hai, việc điều chuyển cũng cắt đứt mối quan hệ thân hữu có thể đang tồn tại. Làm giám đốc công an của một tỉnh thì hẳn có rất nhiều người tìm cách xác lập quan hệ thân hữu để làm ăn.

Hiện tượng doanh nghiệp sân sau, hiện tượng bảo kê cho nhà hàng, khách sạn… kinh doanh bên kia lề của pháp luật xảy ra được chính là nhờ quan hệ thân hữu nói trên.

Cắt đứt được quan hệ thân hữu mới chống được tham nhũng, giữ vững tình hình an ninh trật tự địa phương, bảo đảm được môi trường kinh doanh lành mạnh.

Có thể không phải giám đốc công an nào cũng để cho quan hệ thân hữu có thể hoành hành, song càng điều chuyển thường xuyên thì quan hệ thân hữu càng khó được xác lập.

Lê Thánh Tông (1442-1497) là vị vua đầu tiên của nước ta “luật hóa” hồi tỵ

Thứ ba, việc điều chuyển giúp giám đốc công an mới có vị thế để tiến hành các cải cách cần thiết và áp dụng các chuẩn mực mới. Giám đốc mới rõ ràng ít bị vướng mắc về quan hệ, về những lề lối, những cách thức đã tồn tại trước đây. Giám đốc mới đồng thời lại rất có động lực để khẳng định mình trên cương vị mới và trong môi trường mới.

Bên cạnh những ưu điểm nói trên, việc điều chuyển không phải là không có những khó khăn.

Khó khăn dễ nhìn thấy nhất là việc nắm bắt tình hình thực tế của địa phương. Đây là khó khăn hoàn toàn có thể khắc phục được khi giám đốc được điều chuyển nhập cuộc nhanh chóng và đi sâu, đi sát công việc.

Khó khăn thứ hai là bảo đảm sự lãnh đạo và ủng hộ của cấp ủy địa phương. Điều này tất nhiên đã được xử lý trong quá trình hiệp thương để điều chuyển nhân sự giữa lãnh đạo Bộ Công an với lãnh đạo các địa phương.

Tuy nhiên, giám đốc công an mới cũng cần chủ động báo cáo, xin ý kiến để bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương, đồng thời nhanh chóng nắm bắt công việc và tạo ra những chuyển biến cần thiết.

Mỗi cải cách đều có hai mặt, những khó khăn nói trên là hoàn toàn không đáng kể so với những lợi ích mà việc điều chuyển giám đốc công an mang lại. Đây là cải cách cần được nhân rộng trước đại hội Đảng cho các ngành khác nữa.

TS NGUYỄN SĨ DŨNG

Đọc nhiều