Điểm mấu chốt trong Tứ giác kim cương nhằm kiềm chế Trung Quốc

29/07/2020 08:00

Ba trong số bốn nước Tứ giác kim cương đã tham gia vào một “mặt trận thống nhất”nhằm vào Trung Quốc và điểm mấu chốt cuối cùng là Australia.

Điểm mấu chốt trong Tứ giác kim cương nhằm kiềm chế Trung Quốc
Nếu Australia tham gia, tập trận Malabar sẽ trở thành cuộc tập trận thực sự của cả 4 nước Tứ giác kim cương (Bộ tứ Quad). Ảnh minh họa: News.au

Mỹ, Ấn Độ tìm cách lôi kéo Australia

Australia đang đứng trước quyết định có cùng Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ tham gia “siêu tập trận hải quân” như một “mặt trận thống nhất” nhằm gửi thông điệp tới Trung Quốc hay không.

Nhiều năm qua, Ấn Độ vẫn luôn ngần ngại mời Australia tham gia cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất của nước này – cuộc tập trận Malabar cùng hải quân và không quân Mỹ và Nhật Bản ở Vịnh Bengal.

Nếu Australia tham gia, tập trận Malabar sẽ trở thành cuộc tập trận thực sự của cả 4 nước Tứ giác kim cương (Bộ tứ Quad).

Các nỗ lực trước đây nhằm mở rộng quy mô cuộc tập trận đã khiến Trung Quốc giận dữ còn Ấn Độ lại không muốn làm mếch lòng nước láng giềng. Tuy nhiên, giờ mọi việc đã thay đổi.

“Ấn Độ gần đây đã mời Australia tham gia cuộc tập trận Malabar, điều sẽ cho phép cả 4 nước thành viên của Bộ tứ Kim cương cùng tham gia vào một cuộc tập trận quân sự, củng cố các hành động cần thiết để bảo vệ các lợi ích chung của chúng ta”, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Steven Biegun phát biểu trong một phiên điều trần trước Quốc hội cuối tuần trước.

Ấn Độ vẫn chưa chính thức xác nhận lời mời. Tuy nhiên, các nguồn tin địa phương cho biết chính quyền Thủ tướng Narendra Modi đang “xem xét một cách tích cực” về sự tham gia của Australia.

Mỹ cũng muốn các đồng minh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của mình hợp tác cùng nhau.

“Nếu Trung Quốc nhận thấy rằng đó là cách mà thế giới liên kết chống lại các nỗ lực của họ, họ sẽ buộc phải thay đổi cách hành xử của mình theo hướng hòa bình”, Thứ trưởng Ngoại giao Biegun nói.

Chính quyền Tổng thống Trump được cho là sẽ tìm cách thúc đẩy Australia tăng cường tham gia vào các cuộc diễn tập tự do hàng hải ở Biển Đông nhân chuyến thăm của Ngoại trưởng Australia Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds tới Washington (ngày 28/7 theo giờ địa phương) để thảo luận việc tăng cường hợp tác quân sự ở Biển Đông cũng như chống tin giả trên mạng.

Cuộc gặp giữa Ngoại trưởng và Bộ trưởng quốc phòng Australia với các đối tác Mỹ diễn ra trong bối cảnh những căng thẳng gia tăng gần giữa Canberra và Bắc Kinh sau khi tàu chiến Australia chạm trán hải quân Trung Quốc ở Biển Đông và Australia gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc nói rằng những tuyên bố chủ quyền và yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là không có cơ sở pháp lý.

Dù giới chức Mỹ cho rằng Australia đã không phối hợp với Mỹ trong việc gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc, nhưng động thái của Australia cũng phù hợp với chương trình của Mỹ trong việc vận động các nước đồng minh thực hiện tự do hàng hải ở Biển Đông để gửi thông điệp tới Trung Quốc rằng, đây không chủ là bất đồng giữa Trung Quốc với Mỹ mà là với một nhóm nước đồng quan điểm.

Lo ngại tham vọng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương

Trong suốt 30 năm qua, Trung Quốc đã tích cực xây dựng một “vành đai” các cơ sở hàng hải giữa nước này và châu Phi. Hầu hết các cơ sở này đều sử dụng vào mục đích thương mại, nhưng vẫn có thể khả năng tiếp đón các tàu chiến Trung Quốc.

“Sự hiện diện hải quân ngày càng gia tăng cùng với việc sử dụng cái được gọi là “ngoại giao bẫy nợ”, có thể đem lại cho Bắc Kinh các lợi thế quân sự ở xa bờ. Rõ ràng giới lãnh đạo Trung Quốc đang tích cực theo đuổi các khả năng cho phép nước này có thể tiến hành một loạt nhiệm vụ quân sự trong khu vực”, chuyên gia chính sách ngoại giao Joshua White của Viện Brookings cho biết.

Những năm qua, Trung Quốc tham gia tích cực vào các hoạt động chống cướp biển ở ngoài khơi Somalia. Bắc Kinh cũng xây dựng một cảng biển ở Djibouti để phục vụ mục đích này.

Tuy nhiên, sự hiện diện đều đặn các tàu ngầm tấn công của Trung Quốc ở vùng biển Ấn Độ Dương đang cho thấy mục đích của Bắc Kinh còn nhiều hơn là chống cướp biển.

Theo chuyên gia Joshua White, Trung Quốc có thể còn nhiều năm nữa mới đủ khả năng tiến hành các chiến dịch hiệu quả nhằm vào các nước đối thủ trong môi trường xung đột ở Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, việc từng bước xây dựng các cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trong khu vực này là điều không thể không lưu ý. Ông nhấn mạnh, bản chất của các cơ sở cảng biển mà Trung Quốc giúp xây dựng ở Pakistan, Sri Lanka và Mandives cần phải được giám sát chặt chẽ.

Liệu các cơ sở này có hỗ trợ nhiều hơn mức cần thiết trong các hoạt động chống cướp biển hay không? Liệu chúng có trở thành một trung tâm thu thập thông tin tình báo hay trở thành một căn cứ có khả năng tiến hành các chiến dịch trong một cuộc xung đột?

“Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng việc hải quân Trung Quốc tiếp tục tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ Dương là điều không thể tránh khỏi khi mà hạm đội tàu nổi và cả tàu ngầm biên chế cho Bộ Tư lệnh phía Nam gia tăng cả về quy mô và mức độ hiện đại. Việc triển khai [các hạm đội] này nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục trên cơ sở phục vụ các hoạt động phi chiến đấu, cho dù trên thực tế nó hoàn toàn có khả năng đó, thậm chí vượt quá cả đòi hỏi của nhiệm vụ”, theo nhà nghiên cứu Joshua White.

“Sự vươn tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trên khắp Ấn Độ Dương và châu Phi là điều đáng báo động, đặc biệt là đối với Ấn Độ và Nhật Bản”, nhà phân tích quốc phòng Jagannath Panda thuộc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) nói.

Theo ông, điều này cùng với những xung đột gần đây giữa Trung Quốc và Ấn Độ có vẻ như đang khiến New Delhi có quan điểm cứng rắn hơn với Bắc Kinh.

“Mối quan hệ giữa Ấn Độ với Trung Quốc đang trải qua sự thay đổi đang kể sau sự việc ở thung lũng Galwwan. Ấn Độ sẽ tham gia và thúc đẩy một cách có chủ đích hơn cơ chế hợp tác Bộ tứ Kim cương mà không cần phải lo ngại về sự phản đối của Trung Quốc”, ông Panda nói.

Trong khi đó, nhà phân tích Aarti Betigeri của Viện Lowy khẳng định: “Sự tham gia của Australia sẽ có nghĩa là cả 4 thành viên của cơ chế Đối thoại Bộ tứ (Quad) thực sự cùng tham gia vào các cuộc tập trận ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc. Điều này sẽ không chỉ là một thông điệp mang tính biểu tượng”.

Liên minh Tứ giác kim cương?

Tuần trước, đã có 2 cuộc tập trận hải quân diễn ra trên các vùng biển trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Một là cuộc tập trận với sự tham gia của các chiến hạm Australia, Nhật Bản và Mỹ diễn ra ở vùng biển Philippine. Một cuộc tập trận khác là giữa Mỹ và Ấn Độ diễn ra ở Ấn Độ Dương. Dù diễn ra riêng biệt, nhưng thực chất 2 cuộc tập trận này lại có mối liên hệ với nhau do liên quan đến cả 4 nước trong Tứ giác kim cương.

Tuy nhiên, những gì dư luận quan tâm hiện nay là về cuộc tập trận Malabar vào cuối năm nay. Cuộc tập trận quân sự lớn do Ấn Độ dẫn đầu được tổ chức cùng Mỹ năm 1992. Khi Nhật Bản và Australia được mời tham gia cuộc tập trận này năm 2007, Trung Quốc đã phản ứng gay gắt.

Trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc leo thang những năm gần đây, Nhật Bản đã trở thành thành viên thường trực của tập trận Malabar từ năm 2015.

“Trung Quốc không ngần ngại trong việc thúc đẩy các chiến lược gây hấn ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tiếp tục các cuộc tập trận hải quân trong đại dịch Covid-19. Nếu Australia có ý định tham gia, cuộc tập trận [Malabar] sẽ có cả 4 nước Quad và được xem như một liên minh hàng hải nhằm vào Trung Quốc”, ông Panda nói.

Trong một tuyên bố đầu tháng này, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Australia cho biết, Canberra chưa nhận được lời mời tham gia tập trận Malabar. Tuy nhiên, Australia nhận định rằng, việc nước này tham gia vào hoạt động quân sự trong nhóm Bộ tứ kim cương có thể giúp tăng cường khả năng phối hợp, nâng cao lợi ích tập thể tại một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, cởi mở và thịnh vượng./.

Tuấn Anh/VOV

Đọc nhiều