Điểm mặt tên lửa đạn đạo đáng gờm của Iran

13/01/2020 09:00

Nhiều báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ mô tả lực lượng tên lửa của Iran là lớn nhất ở Trung Đông, và lực lượng này có vai trò quan trọng trong học thuyết quân sự của Tehran.

Iran đã từng tiến hành thử nghiệm công nghệ không gian nhằm giúp nước này có thể phát triển được tên lửa đạn đạo có tầm bắn xuyên lục địa. Nhưng chương trình nghiên cứu tên lửa tầm xa của Tehran ngừng lại như một phần của thỏa thuận hạt nhân nước này ký với các nước phương Tây hồi năm 2015.

Điểm mặt tên lửa đạn đạo đáng gờm của Iran
Tầm bắn một số loại tên lửa Iran sở hữu. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, việc Tehran hôm 5/1 tuyên bố sẽ bỏ các giới hạn về làm giàu uranium, thì việc nước này nối lại chương trình nghiên cứu tên lửa có tầm bắn xuyên lục địa hoàn toàn có thể xảy ra. Và trong trường hợp đó, có rất nhiều mục tiêu trên lãnh thổ Ảrập Xêút, vùng Vịnh, cũng như đồng minh Mỹ tại Trung Đông như Israel sẽ đều nằm trong tầm bắn của các tên lửa tầm ngắn và tầm trung do Iran sở hữu.

Shahab-2

Shahab-2 là tên lửa do Iran nghiên cứu chế tạo từ những năm 1980. Tuy nhiên có một số nguồn quân sự cho biết, loại tên lửa này được chế tạo dựa trên mẫu Hwasong-6 của Triều Tiên (Một phiên bản cái biến của tên lửa đạn đạo Scud).

Điểm mặt tên lửa đạn đạo đáng gờm của Iran
Tên lửa Shahab-2. Ảnh: Missile Threat/ FARS

Shahab-2 có trọng lượng từ 6,3-6,5 tấn, dài từ 11,3-12,3m. Động cơ tên lửa này chạy bằng nhiên liệu lỏng, và có tầm bắn khoảng 500 km. Tên lửa có thể mang theo đầu đạn nặng 770 kg. Tuy nhiên với việc được nghiên cứu từ những năm 1980, nên hệ thống dẫn đường của tên lửa chỉ được dựa theo quán tính. Bởi vậy độ sai số (CEP) của Shahab-2 rất lớn, khoảng 500m.

Zolfaghar

Zolfaghar là tên lửa tầm ngắn hoạt động bằng nhiên liệu lỏng được Iran công bố năm 2016. Tên lửa này có tầm bắn 700 km. Dù trọng lượng tên lửa không được chính quyền Tehran công bố, nhưng theo trang Missilethreat cho biết, tên lửa này có thể mang đầu đạn nặng tới 450 kg.

Điểm mặt tên lửa đạn đạo đáng gờm của Iran
Tên lửa Zolfaghar. Ảnh: Missile Threat

Hồi tháng 6/2017, Iran từng phóng 6 tên lửa Zolfaghar vào vùng lãnh thổ Syria do lực lượng khủng bố IS kiểm soát, nhằm trả đũa vụ lực lượng khủng bố tấn công Iran hôm 6/7 năm đó. Và vào tháng 2/2019, giới truyền thông Iran cho biết quân đội nước này đã phát triển thành công phiên bản mới của Zolfaghar có tên gọi “Defzul” có tầm bắn lên tới 1.000 km.

Khorramshahr

Khorramshahr là loại tên lửa đạn đạo tầm trung được Tehran đưa vào thử nghiệm hồi tháng 1/2017. Tên lửa này nặng tầm 19-26 tấn, trong đó đầu đạn tên lửa nặng 1,8 tấn. Tạp chí quốc phòng Jane Defence nhận định, loại tên lửa này là phiên bản do Iran chế tạo dựa trên mẫu tên lửa Hwasong-10 của Triều Tiên. Theo tạp chí này, tầm bắn của Khorramshahr nằm trong khoảng 1.000-2.000 km. Với tầm bắn như vậy, không chỉ nhiều đồng minh của Mỹ tại Trung Đông như Israel, Ảrập Xêút rơi vào tầm ngắm, mà ngay cả một số nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nằm ở phía nam châu Âu cũng có khả năng bị tên lửa này tấn công.

Soumar

Soumar là loại tên lửa hành trình được Iran bắt đầu nghiên cứu từ năm 2012. Thông tin của Missilethreat cho biết, Soumar có thể là phiên bản Iran sản xuất dựa trên loại tên lửa hành trình KH-55 nước này mua từ Ukraina năm 2001 thông qua thị trường chợ đen. Chỉ có điều KH-55 là tên lửa hành trình phóng từ máy bay, còn Soumar được phóng đi từ mặt đất.

Điểm mặt tên lửa đạn đạo đáng gờm của Iran
Tên lửa Soumar. Ảnh: Time of Israel

Thông tin về Soumar được chính quyền Iran giấu kín, nhưng theo Missile Threat thì loại tên lửa này của Iran có tầm băn 2.500-3.000 km, và được trang bị động cơ đẩy hai tầng Tolou-4, một phiên bản của động cơ Microturbo TRI 60-2 có xuất xứ từ Pháp.

Tuấn Trần/VNN

Tags :
Đọc nhiều