130115
topics
519156

Dịch không thể kết thúc trong tháng 6

22/05/2021 09:31

Chuyên gia y tế ước tính số ca nhiễm trong đợt dịch này có thể lên đến 4.500 hoặc 6.600 tùy theo mức độ giãn cách xã hội và giảm tiếp xúc.

Các y bác sỹ nỗ lực cứu chưa bệnh nhân mắc Covid-19.

Các chuyên gia độc lập, dẫn đầu bởi tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock (chuyên về phổi) thuộc Đại học Sydney, nhận định: Đợt dịch này có thể bắt đầu từ giữa tháng 4/2021 hoặc sớm hơn. Khi phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên, số ca tăng lên nhanh chóng, tính đến 20/5 ghi nhận 1762 ca và lan rộng ra 30 tỉnh/thành phố, đồng thời xuất hiện nhiều vòng lây nhiễm. Điều này chứng tỏ đã có ca mắc Covid-19 âm thầm trong cộng đồng.

Theo nhóm nghiên cứu, đợt dịch thứ 4 xuất hiện nhiều ổ dịch đồng thời, bắt nguồn từ các ca bệnh nhập cảnh nhưng không được cách ly chặt chẽ hoặc nhập cảnh trái phép. Kết quả giải trình tự gene của một số ca bệnh cho kết quả là các chủng virus biến thể B.1.167.2 (Ấn Độ) và B.1.1.7 (Anh). Đây là các chủng virus mới xuất hiện ở Việt Nam.

Khi bị lây nCoV từ những ca bệnh nhập cảnh, người dân tới khám bệnh và vô tình làm lây lan virus trong các bệnh viện. Bệnh viện trở thành ổ dịch và tiếp tục lây ra ngoài cộng đồng. Quá trình lây lan này đã diễn biến qua nhiều vòng. Dưới đây là ví dụ về một chuỗi lây nhiễm qua ít nhất 5 vòng của ổ dịch tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Biểu đồ 1: 5 vòng của chuỗi lây nhiễm Covid-19 từ Bệnh viện Nhiệt đới trung ương (27/4 - 11/5/ 2021)
Biểu đồ 1: 5 vòng của chuỗi lây nhiễm Covid-19 từ Bệnh viện Nhiệt đới trung ương (27/4-11/5).

Ngày 4/5, chùm ca nhiễm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương được phát hiện sau khi một bác sĩ của bệnh viện đi công tác nước ngoài xét nghiệm dương tính nCoV. Đến 11/5, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã phát hiện hơn 60 bệnh nhân Covid-19, gồm nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang ở viện. Từ các ca nhiễm ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã nhanh chóng xuất hiện thêm chùm 11 ca nhiễm tại bệnh viện K cơ sở Tân Triều.

Từ biểu đồ 1 cho thấy, khi lực lượng chức năng đang triển khai các biện pháp truy vết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương 2 và Bệnh viện K thì chuỗi lây nhiễm đã tới Bắc Ninh và Lạng Sơn, sau đó lan sang Hòa Bình và Bắc Giang.

Theo nhóm nghiên cứu, các ổ dịch khu trú trong bệnh viện có thể kiểm soát được bằng biện pháp cách ly. Tuy nhiên các ổ dịch có liên quan tới những nơi nhiều người tập trung, khu công nghiệp lớn, các hoạt động nhạy cảm như bar, karaoke thì phức tạp và khó truy vết đầy đủ.

“Do đó việc cắt đứt chuỗi lây nhiễm để hạn chế các ổ dịch mới phức tạp hơn và cần thực hiện nhanh, triệt để hơn”, nghiên cứu nhấn mạnh

Biểu đồ 2: Mối quan hệ phức tạp giữa các chuỗi lây nhiễm
Biểu đồ 2: Mối quan hệ phức tạp giữa các chuỗi lây nhiễm.

Từ biểu đồ 2 cho thấy đợt dịch lần này, tính đến 11/5 đã xuất hiện đồng thời nhiều ổ dịch với khoảng gần 20 chuỗi lây nhiễm. Đầu tiên là từ Đà Nẵng với ca bệnh ở khu cách ly trở về Hà Nam và Bar New Phương Đông, Thẩm mỹ viện AMIDA; tiếp đến là các ổ dịch ở Yên Bái với ca bệnh từ các chuyên gia Ấn Độ, lây cho các chuyên gia Trung Quốc, lan xuống Vĩnh Phúc và một số địa phương…. Sau đó là các ổ dịch bùng phát mạnh tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 2, bệnh viện K,… lây lan ra rất nhiều địa phương, tiếp tục tấn công các bệnh viện và khu công nghiệp các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh…

Không chỉ nhiều ổ dịch mà mối quan hệ của các ổ dịch khá phức tạp, chồng chéo lẫn nhau. Từ ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương (màu xanh) lan sang các ca bệnh ở bệnh viện K (màu cam), hình thêm thêm chuỗi lây nhiễm ở Trung tâm chăm sóc sức khỏe Hoa Sen Vĩnh Phúc (màu đỏ)…

Lấy ví dụ từ ca lây nhiễm ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân 3171 lây cho người nhà là ca 3181 nam, 58 tuổi, địa chỉ tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội công bố 8/5.

Bệnh nhân 3181 tiếp tục là nguồn lây cho “bệnh nhân 3253”, 74 tuổi, trú tại xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ. Từ “bệnh nhân 3253” bắt đầu xuất hiện một chùm nhiễm mới gồm các “bệnh nhân 3387-3389”.

Bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển (Uông Bí, Quảng Ninh).

Cũng từ ổ dịch Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tỉnh Nam Định ghi nhận 1 ca, bệnh nhân 3229, nữ, 16 tuổi, địa chỉ tại huyện Trực Ninh. Ca bệnh này cũng có liên quan dịch tễ với bệnh nhân 3166 ở Bệnh viện K Tân Triều. Bệnh viện K lại là nguồn lây cho ca 3238, 3239 ở Lạng Sơn, từ đây tiếp tục hình thành chùm lây nhiễm mới tại Lạng Sơn

Dự báo diễn biến đợt dịch lần này, nhóm nghiên cứu đưa ra hai kịch bản theo mô hình dự báo dịch SEIQHCDR sử dụng số liệu dịch tễ, lâm sàng, xã hội học của Việt Nam, có tham khảo phân tích tổng hợp dữ liệu từ các nước trên thế giới. Mô hình này đã được kiểm chứng với hai đợt bùng phát dịch lần hai (tại Đà Nẵng) và lần ba (Hải Dương), cho kết quả có độ chính xác cao, sai số dưới 5%.

Kịch bản một là kịch bản hiện nay: Giả định rằng chúng ta giữ nguyên các biện pháp phòng chống dịch hiện tại như truy vết, cách ly tập trung, cách ly y tế vùng dịch và giãn cách xã hội các khu vực có nguy cơ cao (giảm tiếp xúc xã hội ở mức 20% từ ngày 4/5 và 50% từ ngày 9/5.

Với kịch bản này, đỉnh dịch nằm ở tuần 3-4 tháng 5/2021 với số ca nhiễm mỗi ngày có thể lên tới 150-210 ca (đây là số ca thực nhiễm trong cộng đồng, không phải số ca phát hiện và báo cáo). Dịch có thể kết thúc vào giữa hoặc cuối tháng 6/2021 với tổng cộng từ 4.100 đến 6.600 ca nhiễm. Tuy nhiên, do nhóm nghiên cứu chưa có đủ thông tin chi tiết về dịch tễ các ca bệnh tại ổ dịch ở khu công nghiệp tại Bắc Giang nên có thể ước tính này chưa phản ánh đúng tình hình nghiêm trọng của đợt dịch.

Đồng thời, nếu không giãn cách xã hội kịp thời, mầm bệnh sẽ lây lan âm thầm và tạo ra các ổ dịch lớn đồng thời ở nhiều tỉnh thành phố.

Kịch bản 2 – kịch bản tốt nhất: Thực hiện giãn cách xã hội, giảm tiếp xúc trên quy mô cấp tỉnh, thành với các tỉnh có nguy cơ cao, số ca nhiễm mới tăng nhanh (giảm tiếp xúc xã hội ở mức 20% từ ngày 4/5, 50% từ ngày 9/5 và 60% từ ngày 24/5). Đỉnh dịch vẫn ở tuần 3-4 tháng 5 tuy nhiên dịch có thể kết thúc sớm hơn 10 ngày với số ca tích lũy ít hơn, dao động từ tổng cộng 2.900 – 4.500 ca.

Ước tính số ca mới mắc mỗi ngày theo hai kịch bản giảm tiếp xúc xã hội
Biểu đồ 3: Ước tính số ca mới mắc mỗi ngày theo hai kịch bản giảm tiếp xúc xã hội.

Nhóm nghiên cứu đề xuất các biện pháp chống dịch theo nguyên tắc chuyển từ phòng chống dịch sang tấn công bằng chiến lược xét nghiệm tầm soát kết hợp đáp ứng dịch theo 4 mức độ và bao phủ nhanh vaccine Covid-19.

Chủ động phát hiện ca bệnh/ổ dịch tiềm tàng bằng cách xét nghiệm tầm soát để tìm ca bệnh. Càng tìm được ca bệnh sớm, càng ít phải truy vết và phong tỏa.

Các địa phương có thể chủ động tự kích hoạt các mức độ phòng chống dịch kịp thời, linh hoạt theo các mức độ:

Mức 1: Chưa có ca Covid-19 trong cộng đồng, triển khai các biện pháp 5 K và quản lý chặt chẽ khu cách ly. Xét nghiệm toàn bộ người thuộc nhóm nguy cơ cao như nhân viên y tế, nhân viên khu cách ly hàng tuần, Toàn bộ nhân viên dịch vụ như sân bay, bến xe, giao hàng hóa… 2-4 tuần một lần; toàn bộ người có dấu hiệu ho/sốt, Thực hiện chiến lược xét nghiệm rộng cho tới khi đạt độ bao phủ vaccine Covid-19 là 70%.

Mức 2: Khi xuất hiện 1-3 ca bệnh trong cộng đồng trong một quận/huyện trong 14 ngày qua, hoặc có một chuỗi lây nhiễm tới F2 rõ nguồn lây, hoặc chỉ phát hiện một ổ dịch. Tại quận/huyện có ca bệnh thực hiện phong tỏa các thôn/xóm, khu phố, nhà máy có ca bệnh. Truy vết và cách ly như đang thực hiện.

Thực hiện xét nghiệm toàn bộ người thuộc nhóm nguy cơ cao như nhân viên y tế, nhân viên khu cách ly, nhân viên dịch vụ như sân bay, bến xe, giao hàng hóa… hàng tuần, toàn bộ bệnh nhân và người có dấu hiệu ho/sốt. Xét nghiệm toàn bộ dân trong khu vực phong tỏa, có thể xét nghiệm gộp hoặc xét nghiệm kháng nguyên cách ngày.

Thực hiện các biện pháp hạn chế tụ tập đông người trong ít nhất 2 tuần cho tới khi không còn ca bệnh trong cộng đồng trong 14 ngày trước đó.

Đóng cửa triệt để các dịch vụ không thiết yếu (bar, vũ trường, karaoke, các dịch vụ hát với nhau…). Dừng các hoạt động có sự tụ tập đông người khi có từ 20 người trở lên tham gia, Giảm tần suất di chuyển đến các địa phương khác.

Cho phép các cơ sở dịch vụ thiết yếu mở cửa nếu thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch như rửa tay, đeo khẩu trang, giãn cách, ghi lại danh sách khách hàng. Giám sát nghiêm việc thực hiện 5K. Mức độ này tương ứng với mức giảm tiếp xúc 40%. Còn quận huyện không có ca bệnh áp dụng như mức độ 1.

Mức độ 3: Khi xuất hiện từ 4 đến dưới 10 ca bệnh trong cộng đồng trong một quận/huyện trong 14 ngày qua, hoặc có ít nhất một ca không phát hiện ra nguồn lây, hoặc có từ 2 ổ dịch trở lên tại từ 2 xã/phường trở lên.

Tại quận/huyện có ca bệnh thực hiện phong tỏa các thôn/xóm, khu phố, nhà máy có ca bệnh hoặc khu công nghiệp có trên một nhà máy có ca bệnh. Truy vết và cách ly như đang thực hiện.

Xét nghiệm toàn bộ người thuộc nhóm nguy cơ cao như nhân viên y tế, nhân viên khu cách ly, nhân viên dịch vụ như sân bay, bến xe, giao hàng hóa,… hàng tuần, toàn bộ bệnh nhân và người có dấu hiệu ho/sốt; Xét nghiệm toàn bộ dân trong khu vực phong tỏa (xét nghiệm gộp hoặc xét nghiệm kháng nguyên cách ngày).

Các biện pháp hạn chế tụ tập đông người dưới đây trong ít nhất 2 tuần cho tới khi số ca bệnh trong cộng đồng <4 trong 14 ngày qua, và chuyển dần các mức độ tương ứng với tình hình dịch nêu trên.

Dừng các hoạt động có sự tụ tập đông người khi có từ 5 người trở lên tham gia. Dừng các dịch vụ kinh doanh đòi hỏi có người tiếp xúc với người (đặc biệt là các dịch vụ vui chơi giải trí như bar, vũ trường, karaoke, các dịch vụ hát với nhau, gym, rạp chiếu phim), trừ các dịch vụ thiết yếu. Tạm dừng hoạt động các phố đi bộ. Dừng đến trường, thực hiện việc học/thi online. Hạn chế di chuyển đến các địa phương khác. Khuyến khích người dân chỉ ra khỏi nhà khi có việc cần thiết. Khuyến khích khám bệnh từ xa nếu có thể.

Cấp độ giãn cách này tương ứng với mức giảm tiếp xúc 60%. Tại quận/huyện khác áp dụng theo phân loại ở trên.

Mức 4: Khi xuất hiện từ 10 ca bệnh trong cộng đồng trở lên trong 14 ngày qua, hoặc tự nhận định có năng lực phòng dịch hạn chế. Tại quận/huyện có ca bệnh tiến hành phong tỏa các thôn/xóm, khu phố, nhà máy có ca bệnh hoặc khu công nghiệp có trên một nhà máy có ca bệnh. Truy vết và cách ly như đang thực hiện.

Xét nghiệm toàn bộ người thuộc nhóm nguy cơ cao như nhân viên y tế, nhân viên khu cách ly, nhân viên dịch vụ như sân bay, bến xe, giao hàng hóa,… hàng tuần, toàn bộ bệnh nhân và người có dấu hiệu ho/sốt. Xét nghiệm toàn bộ dân trong khu vực phong tỏa có thể xét nghiệm gộp hoặc xét nghiệm kháng nguyên cách ngày).

Các biện pháp hạn chế tụ tập đông người trong ít nhất 2 tuần cho tới khi số ca bệnh trong cộng đồng ít hơn10 ca trong 14 ngày qua và chuyển dần các mức độ tương ứng với tình hình dịch nêu trên. Yêu cầu người dân chỉ ra khỏi nhà khi có việc cần thiết.

Dừng các hoạt động, đóng cửa các dịch vụ có tụ tập. Dừng di chuyển ngoại tỉnh. Dừng các dịch vụ kinh doanh trừ các dịch vụ thiết yếu. Đóng cửa trường học. Khuyến khích khám bệnh từ xa nếu có thể. Mức giãn cách này tương ứng với mức giảm tiếp xúc 80%.

Ngoài ra, theo nhóm nghiên cứu, việc lập bản đồ nguy cơ lây lan và mức độ lưu hành của các chủng virus cũng rất cần cần thiết. Dịch đã xuất hiện tại nhiều địa phương nên việc báo cáo kịp thời, chính xác sẽ giúp việc nhận định, dự báo tình hình dịch chính xác hơn. Từ đó đưa ra các quyết sách về biện pháp dự phòng và lựa chọn vaccine phù hợp.

Đưa ra hạn chế nhập cảnh với công dân cư trú tại các quốc gia có lưu hành các chủng virus cần quan tâm hoặc mới nổi.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm công nhân KCN Quang Châu, huyện Việt Yên, Bắc Giang, ngày 15/5/2021. Ảnh: Giang Huy
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm công nhân khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, Bắc Giang.

Đối với chiến lược vaccine, chỉ sử dụng các vaccine có bằng chứng khoa học là có hiệu lực cao với chủng virus đang lưu hành tại Việt Nam như Pfizer & BioNTech, Moderna, Astra Zeneca). Khi dịch tễ lưu hành các chủng virus thay đổi, cần thay đổi chiến lược vaccine phù hợp. Sử dụng vaccine có hiệu quả thấp sẽ tạo tâm lý chủ quan ở người được tiêm vaccine, dẫn tới nguy cơ bùng phát dịch lớn hơn. Cần triển khai đặt hàng vaccine cho trẻ em càng sớm càng tốt và dựa theo kết quả thử nghiệm lâm sàng trên thế giới.

Lê Cầm

Đọc nhiều