Dịch COVID-19 ngày 12-3: Mỹ có thể công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia
Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc tình trạng khẩn cấp quốc gia sau khi 23 bang đã tuyên bố khẩn cấp. Ông sắp công bố các giải pháp trong sáng nay. Số ca nhiễm tại nhiều nước tiếp tục tăng, đặc biệt tại Ý.
* Bản tin cập nhật lúc 7h45 ngày 12-3
Hồ Bắc (Trung Quốc) chỉ có thêm 10 người tử vong
Tỉnh Hồ Bắc thông báo tỉnh này chỉ ghi nhận thêm 10 ca tử vong tính đến hết ngày 11-3, giảm hơn một nửa so với 22 ca của ngày 10-3. Tổng số ca tử vong tại tỉnh này đến nay là 3.056 ca, theo hãng tin Reuters.
Qatar: số ca nhiễm tăng gấp 10 lần
Bộ Y tế Qatar ngày 11-3 xác nhận số ca nhiễm ở nước này tăng vọt từ 24 lên 262, sau khi có kết quả xét nghiệm tại một khu dân cư đang bị cách ly. Trước đó, nước này đã đóng cửa các trường học, huỷ nhiều sự kiện lớn và cấm nhập cảnh đối với công dân từ 14 quốc gia.
Quốc gia láng giềng Bahrain cũng có thêm 77 ca nhiễm mới, nằm trong số những công dân hồi hương từ Iran.
Úc công bố kế hoạch giải cứu 11 tỉ USD
Thủ tướng Úc Scott Morrison ngày 12-3 công bố gói chi tiêu 11 tỉ USD nhằm giảm thiểu thiệt hại do đại dịch COVID-19. Kế hoạch, trị giá tương đương 1% GDP của Úc, chủ yếu hỗ trợ các doanh nghiệp.
“Kế hoạch này nhằm giữ việc làm cho người Úc, giúp doanh nghiệp tiếp tục làm ăn, nhằm đảm bảo kinh tế Úc hồi phục mạnh mẽ” – ông Morrison nhấn mạnh. Theo Reuters, kế hoạch của Úc sẽ bao gồm hỗ trợ lương và các khoản chi trả bằng tiền mặt cho doanh nghiệp nhỏ.
Mỹ sắp đề xuất tình trạng khẩn cấp
Đài CNN cho biết tổng thống Mỹ Donald Trump sắp đưa ra các đề xuất chống dịch COVID-19 trong ngày, trong đó bao gồm tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia theo Luật Stafford nhằm tăng cường nguồn hỗ trợ.
Nhiều bang, thành phố của Mỹ tiếp tục tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Ngày 11-3, thống đốc bang Arizona Doug Ducey đặt bang này vào tình trạng khẩn cấp sau khi số ca nhiễm tăng lên 9. “Chúng tôi dự kiến số ca dương tính sẽ tăng thêm” – ông Ducey cảnh báo.
Thị trưởng thủ đô Washington, bà Muriel Bowser, tuyên bố tình trạng khẩn cấp do virus corona chủng mới, cũng với dự đoán số ca nhiễm sẽ tăng.
Đã có tổng cộng 23 bang của Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho biết số ca nhiễm ở Mỹ đã tăng lên 1.162 ca tại 41 bang và thủ đô Washington. Số ca tử vong tăng lên 37 sau khi có thêm bốn người ở bang Washington tử vong.
Chứng khoán toàn cầu suy sụp
COVID-19 sau khi trở thành đại dịch đã đẩy thị trường chứng khoán toàn cầu đi vào suy thoái.
Theo AFP, chỉ số Down Jones của Mỹ giảm mạnhg 1.465 điểm, tương đương 5,9%. Chỉ số S&P 500 chốt phiên giao dịch ngày 11-3, giờ địa phương, mất đến 4,9%. Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm hơn 2% khi thị trường mở cửa trở lại ngày 12-3. Chỉ số Nikkei 225 giảm 2,24% còn Topix giảm 2,42%.
Giá dầu thế giới cũng lao dốc. Giá dầu WTI tại thị trường Mỹ giảm 4% còn 32,9 USD thùng trong khi dầu Brent có giá 35,7 USD/thùng, giảm 3,8%.
Số ca nhiễm ở Ý tăng hơn 2.000 ca trong một ngày
Ý vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 với hơn 2.000 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Số ca nhiễm tại Ý đến nay đã là 12.462 ca, tăng mạnh so với 10.149 ca của ngày 11-3. Số ca tử vong cũng tăng vọt lên 827 với thêm 196 người chết trong vòng một ngày.
Thủ tướng Ý Giuseppe Conte tuyên bố đóng cửa toàn bộ nhà hàng, cửa hàng, quán bar trên toàn quốc để ngăn dịch COVID-19 lây lan. Biện pháp sẽ kéo dài từ nay đến ngày 25-3.
Chỉ có các nhà thuốc và siêu thị được phép hoạt động trong thời gian này. Các quán ăn chỉ được phép giao thức ăn còn các công ty phải chuyển sang hình thức làm việc từ xa.
Ca nhiễm tăng mạnh tại châu Âu
Dịch COVID-19 vẫn đang lây lan với tốc độ nhanh tại châu Âu với số ca nhiễm mới tăng tại nhiều nước.
Trên khắp châu Âu, tổng số ca nhiễm COVID-19 đã vượt 22.000 ca với 930 ca tử vong, theo thống kê của hãng tin AFP.
Theo thông báo tối 11-3 của Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran, hiện nước này có 2.281 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, tăng 497 người trong vòng 24 giờ. Số ca tử vong cũng đã tăng lên 48 người so với 33 ca ghi nhận tối hôm trước. Hiện Pháp vẫn ở giai đoạn 2 của dịch vì chưa lây lan ra cả cả nước.
Tại quốc gia láng giềng Bỉ, Bộ Y tế nước này thông báo có 314 ca mắc COVID-19, tăng từ con số 267 ca thông báo trước đó, và đã có 3 người tử vong. Hiện tại, các bệnh viện của Bỉ đang tiếp nhận ngày càng nhiều ca nhiễm trùng đường hô hấp dưới, báo hiệu có thể đang ở thời điểm đầu dịch.
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) có trụ sở tại thủ đô Brussels của Bỉ xác nhận đã có 4 nhân viên dương tính với virus SARS-CoV-2. Cơ quan này yêu cầu tất cả các nhân viên từ Ý trở về phải thực hiện cách ly trong hai tuần.
Tại Thụy Điển, thông báo mới nhất từ chính phủ nước này cho biết số ca mắc COVID-19 đã lên tới 500 người, tăng 147 người chỉ trong một ngày. Chính phủ Thụy Điển đã ra lệnh cấm toàn bộ các hoạt động có từ 500 người tham gia trở lên. Ai vi phạm sẽ bị phạt tiền hoặc ngồi tù 6 tháng.
Anh sắp chuyển sang giai đoạn 2
Hãng tin AFP ngày 12-3 đưa tin chính phủ Anh chuẩn bị áp dụng giai đoạn 2 “trì hoãn” trong kế hoạch chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, Quốc hội Anh vẫn tiếp tục hoạt động bất chấp một nghị sĩ đã bị nhiễm. Số ca nhiễm tại Anh đã tăng lên 456 với 8 ca tử vong.
Báo Guardian cho biết đã có ít nhất ba bộ trưởng bị cách ly chờ kết quả xét nghiệm COVID-19.
Ấn Độ đình chỉ tất cả thị thực du lịch
Ngay sau khi WHO tuyên bố đại dịch COVID-19, Ấn Độ đã đình chỉ tất cả các loại thị thực du lịch nhằm ngăn chặn COVID-19 lây lan tại nước này. Biện pháp này có hiệu lực từ ngày 13-3 đến ngày 15-4. Tuy nhiên một số đối tượng được miễn trừ như những người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ, tổ chức quốc tế và những người có thị thực làm việc hoặc dự án.
Chính quyền liên bang Thụy Sĩ tuyên bố đóng cửa một phần biên giới với Ý, theo đó sẽ đóng cửa ngay lập tức 9 trạm kiểm soát phụ tại biên giới giữa hai nước song các cửa khẩu chính vẫn sẽ được hoạt động.
Nghị sĩ Đức nhiễm bệnh COVID-19
Người phát ngôn đảng đoàn Dân chủ Tự do (FDP) trong Quốc hội Đức tối 11-3 xác nhận một nghị sĩ quốc hội liên bang của đảng này đã bị nhiễm COVID-19.
Những người liên quan tới nghị sĩ này đã được cách ly phòng ngừa tại nhà. Trước đó, khoảng 15 nghị sĩ đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và nhân viên làm việc trong Quốc hội Đức đã phải cách ly tại nhà phòng nguy cơ bị lây nhiễm do đã có tiếp xúc với một trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đến từ Bộ Tư pháp liên bang.
Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội liên bang Wolfgang Schäuble và lãnh đạo các đảng đoàn trong Quốc hội đã thống nhất sẽ không tiến hành biểu quyết theo tên trong phiên họp Quốc hội tuần này nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm khi thẻ của các nghị sĩ được bỏ vào thùng phiếu trong quá trình thực hiện biểu quyết theo tên.
Bệnh nhân ở Saudi Arabia chủ yếu là người Ai Cập
Bộ trưởng Y tế Saudi Arabia ngày 12-3 thông báo nước này ghi nhận thêm 24 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số ca lên 45. Trong các ca nhiễm mới chủ yếu là các công dân Ai Cập có tiếp xúc gần với một du khách Ai Cập nhiễm virus.
Tại Trung Mỹ, El Salvador tuyên bố cấm cửa đối với toàn bộ người nước ngoài, trừ nhân viên ngoại giao, do lo ngại COVID-19. Ngoài ra, toàn bộ hoạt động tụ tập nơi công cộng như hoà nhạc, sự kiện thể thao, trong ba tuần. Cũng trong thời gian này, tất cả trường học ở El Salvador sẽ đóng cửa.