425
category
416254

Dịch Covid-19, cơ hội để bỏ luôn kỳ thi tốt nghiệp THPT?

04/08/2020 10:05

Bài viết từ BBC News tiếng Việt

Trong khi giới chức Việt Nam vẫn chần chừ trong việc quyết định bỏ hay không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay để phòng dịch bệnh, nhiều ý kiến cho rằng cần bỏ luôn kỳ thi “vô thưởng vô phạt” này.

Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT vì dịch Covid-19.

Kỳ thi THPT năm nay dự kiến diễn ra trong hai ngày 9 và 10/8. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang rất phức tạp, với số ca bệnh tăng mỗi ngày và nhiều tỉnh thành có người nhiễm, báo chí và dư luận đã đặt vấn đề bỏ kỳ thi năm nay.
Tuy nhiên, xem ra bỏ hay vẫn tổ chức thi là một quyết định nan giải đối với cả Bộ Giáo dục và Đào tạo lẫn chính bản thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vào thời điểm chỉ còn vài ngày nữa là đến kỳ thi theo dự kiến.

Đề xuất bỏ kỳ thi để chống dịch

Hàng loạt tờ báo lớn đã nêu vấn đề cần bỏ kỳ thi tốt nghiệp năm nay trong bối cảnh dịch bệnh vừa bùng phát trở lại. Báo Thanh Niên đã mở một cuộc thăm dò trực tuyến, trong đó có tới 80% người chọn phương án bỏ.

Trong bài viết “Thi tốt nghiệp THPT thời điểm này là không cần thiết” trên báo này, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM, cho rằng trong thời điểm này nên bỏ thi tốt nghiệp THPT. Theo ông Dũng, ở Đà Nẵng và Quảng Ngãi, gần như chắc chắn học sinh sẽ không thi tốt nghiệp, nếu vẫn tổ chức thi ở tất cả địa phương khác thì sẽ bất công cho học sinh ở hai địa phương này.

Bài báo cũng dẫn lời hiệu trưởng một trường THPT ở TP HCM cho rằng việc tổ chức thi đến thời điểm hiện tại không cần thiết, gây áp lực cho cả thí sinh và xã hội. Thêm vào đó, kỳ thi đặt áp lực lớn lên vai ngành y tế, và những người nằm trong ban tổ chức vì phải gồng mình để đảm bảo an toàn cho hàng triệu thí sinh tham gia.

“Ở TP HCM, tỷ lệ học sinh rớt tốt nghiệp năm trước chưa tới 3%, vậy chúng ta tổ chức một cuộc thi tốn hàng trăm tỉ đồng chỉ để sàng lọc 3% học sinh để làm gì? Tôi cho rằng, thời điểm này Bộ Giáo dục và Đào tạo nên trao lại cho các trường đại học, cao đẳng quyền lựa chọn, tự chủ. Việc công nhận đậu tốt nghiệp có thể dựa trên học bạ của các em, như vậy vừa nhanh chóng, tiết kiệm lại đảm bảo an toàn cho cả thí sinh và cán bộ tham gia công tác trong kỳ thi này”, vị hiệu trưởng này chia sẻ.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Ánh, một giảng viên đại học tại Hà Nội bày tỏ:

“Trong bối cảnh Covid-19, việc tổ chức thi quá rủi ro về dịch tễ lại tốn kém về nhân lực và chi phí. Đây là cơ hội tốt để bỏ thử kỳ thi tốt nghiệp xem hiệu quả ra sao”.

“Theo tôi nên hủy bỏ kì thi tốt nghiệp vì bản thân kì thi này cũng không chất lượng và hoàn hảo. Trên thế giới, không còn nhiều nước sử dụng kỳ thi này, chỉ còn có Việt Nam, Hàn Quốc và Trung Quốc. Hiện tại, một kỳ thi tốt nghiệp tới 97-98% đều đỗ, không kiểm định được năng lực học sinh mà lại gây căng thẳng cho học sinh, phụ huynh, giáo viên như vậy để làm gì. “, tiến sĩ Ánh chia sẻ.

“Tôi nghĩ kỳ thi tốt nghiệp chỉ cần căn cứ vào học bạ. Sau đó, để các trường đại học tự chủ, tổ chức riêng kỳ thi tuyển sinh vào trường mình. Xét trên bình diện lâu dài về giáo dục của Việt Nam cũng như bối cảnh Covid và thế giới, kỳ thi tốt nghiệp này không có ý nghĩa gì.”, bà Ánh đề xuất.

Trong một bài viết về vấn đề này, báo Tuổi Trẻ kết luận: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ gây ra những áp lực không cần thiết lên học sinh phụ huynh, thầy cô và nhiều người khác liên quan. Nên để nguồn năng lực ấy dồn vào chuyện phòng chống dịch sẽ tốt hơn và thực chất hơn cho xã hội”.

‘Nên bỏ hẳn thi tốt nghiệp THPT’

Thi tốt nghiệp THPT là bài toán mà ngành giáo dục Việt Nam đã giải nhiều năm qua nhưng chưa ra được một đáp án chuẩn.

Trước năm 2014, kỳ thi này nhằm xác định các học sinh hoàn thành và tốt nghiệp THPT, là cấp cuối cùng của giáo dục phổ thông tại Việt Nam. Theo phương thức này, các kỳ thi quốc gia hằng năm được tổ chức theo nhiều đợt trong khoảng một tháng, gồm: một đợt thi tốt nghiệp THPT; 03 đợt thi tuyển sinh đại học, cao đẳng tại các trường đại học, cao đẳng do các trường thực hiện.

Trong vòng năm năm trở lại đây, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã trải qua nhiều lần thay đổi về phương thức khiến học sinh, phụ huynh bối rối và dư luận xã hội phàn nàn.

Một trong những phương án được triển khai trong đợt này là tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia thống nhất trên toàn quốc. Từ kết quả thi tốt nghiệp này, các trường đại học sẽ căn cứ để tuyển sinh, thế nên người ta gọi nôm na là kỳ thi “hai trong một”.

Về vấn đề này, tiến sỹ Hoàng Ánh nêu ý kiến: “Kỳ thi hai chung được áp dụng với hy vọng sẽ giảm tải cho học sinh nhưng đây lại là sai lầm lớn. Kỳ thi đại học cần một kỳ thi chất lượng, kỳ thi này lại không cần nhiều chất lượng nên sinh ra những gian lận thi cử như Hà Giang, Yên Bái.”

Năm 2020, kỳ thi trở lại với các thức cũ, với tên gọi kỳ thi tốt nghiệp THPT (bỏ từ “quốc gia”) và chỉ nhằm xác định học sinh tốt nghiệp. Việc xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ do các trường quyết định, nhưng chủ yếu vẫn trên cơ sở xem xét kết quả thi tốt nghiệp.

Sự bối rối của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc thi tốt nghiệp tốn kém lẫn thực tế là tỉ lệ tốt nghiệp luôn cao (thường trên 95%), đã xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ hẳn kỳ thi “hình thức” này. Dù các lời kêu gọi bỏ thi tốt nghiệp mạnh mẽ, với nhiều cơ sở được đánh giá là chắc chắn, nhưng đến nay các cơ quan hữu quan của Việt Nam vẫn duy trì.

Bà Nguyễn Hoàng Ánh lý giải:

“Theo tôi, Việt Nam vẫn khăng khăng bám lấy kỳ thi tốt nghiệp này, một kỳ thi do Bộ giáo dục quản lý có thể do Việt Nam có tư duy không tin ai: mỗi một giáo viên nhìn học sinh như một người gian lận tiềm ẩn, mỗi người trên bộ về nhìn các giáo viên coi thi như một người nhận hối lộ. Chính vì điều này mà Việt Nam không thể nào tiến lên 4.0 được. Ngay cả khi học online thời gian qua, đến lúc thi thì vẫn là phải đến lớp: phải nhìn mặt học sinh, kiểm tra chữ k‎ý tươi mới yên tâm.”

Trung ương chưa quyết

Tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương chiều 2/8 bàn giải pháp phòng chống dịch COVID-19, câu chuyện thi tốt nghiệp THPT hay không thi THPT năm nay trở thành một chủ đề nóng.

Báo Tuổi Trẻ cho biết, tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã đề xuất kỳ thi tốt nghiệp THPT chia làm hai đợt. Địa phương không nguy cơ cao thì tổ chức thi theo kế hoạch, còn lại các địa phương có nguy cơ cao (như Đà Nẵng, Quảng Nam) thì tổ chức thi vào đợt hai.

Ông Nhạ nói rằng thực hiện như trên là nhằm “đảm bảo chất lượng và công bằng, minh bạch cho thí sinh”. Một điều lưu ý là theo đề xuất này, với thí sinh thuộc diện F1, F2 ở các địa phương không thuộc nhóm nguy cơ cao cũng sẽ vẫn được tổ chức thi cùng với đợt thi của Đà Nẵng, Quảng Nam.

Bộ trưởng Nhạ cho biết về cơ bản, công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã hoàn tất, đề thi đã gửi về để các địa phương in sao. Mục tiêu là tổ chức kỳ thi phải đảm bảo an toàn tuyệt đối không chỉ về chuyên môn mà còn cả về sức khỏe cho những người tham gia.

Trong số các địa phương, tỉnh Quảng Nam đề xuất đợi đến ngày 6/8, nếu tình hình dịch bệnh không biến động phức tạp thì vẫn tổ chức kỳ thi theo kế hoạch. Trong trường hợp dịch bệnh trở nên phức tạp hơn thì hoãn kỳ thi lại một tháng. Trong trường hợp dịch bệnh nghiêm trọng kéo dài, có thể tính đến phương án đặc cách tốt nghiệp.

Các địa phương khác thì cơ bản đồng thuận với đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, và cam kết triển khai các biện pháp phòng dịch, chẳng hạn quy định đeo khẩu trang, đo thân nhiệt của tất cả những người có mặt tại địa điểm thi.

Vấn đề thi hay không thi xem ra khiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng bối rối. Báo Tuổi Trẻ trích lời ông Phúc nói: “Tôi và phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thảo luận qua nhiều cuộc điện thoại nhưng ý kiến còn khác nhau. Chỉ một số địa phương có dịch mà dừng cả kỳ thi thì có đúng không? Đề nghị các đồng chí cho ý kiến để đưa vào nghị quyết Chính phủ”.

Một trong những nguyên nhân khiến Chính phủ Việt Nam và ngành giáo dục băn khoăn đó là việc nhiều trường đại học căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Nếu bỏ kỳ thi vào thời điểm này, một số trường đại học có thể bối rối.

“Hiện tại, việc bỏ kỳ thi này trong năm nay sẽ ảnh hưởng đến tuyển sinh đại học. Vì Bộ giáo dục vẫn có xu thế cho thi bình thường, chỉ dời đến tháng 8. Vì thế, các trường đặt phương án xét tuyến dựa trên kỳ thi này. Nếu bây giờ hủy kỳ thi tốt nghiệp, các trường phải thay đổi toàn bộ phương án tuyển sinh của mình. Trong bối cảnh làn sóng Covid diễn biến phức tạp hơn trước, Bộ giáo dục tuyên bố dứt điểm bỏ kỳ thi này và các trường gấp rút ra phương án tuyển sinh khác sẽ là một bước tiền đề tốt cho những năm sau, dù khá vất vả.”

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ tình hình thực tiễn chỉ đạo các địa phương có phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp an toàn, đảm bảo kỳ thi tốt nghiệp, xét tuyển đại học theo đúng quy định.

Đọc nhiều