130115
topics
364651

Dịch Corona: Người dân lo xa là đúng hay đang làm quá sự việc?

18/02/2020 18:42

Giữa việc đưa thông tin đúng gây hoang mang cộng đồng và ém thông tin khiến người ta chủ quan, bất cẩn để bệnh dịch lan nhanh, cách nào hay hơn?

Hơn một tháng đã trôi qua kể từ thời điểm tin tức về bệnh dịch Corona được loan đi từ thành phố Vũ Hán vào ngày 31.12.2019. Cả thế giới vẫn còn bàng hoàng như đang bước đi trong một cơn mê. Đại dịch ập đến theo cách nào đó rất mơ hồ. Mọi người không chỉ không ngờ trước, không trở tay phòng vệ kịp thời, mà quan trọng hơn là không thật sự biết được nguyên nhân của bệnh dịch đến từ đâu. Cứ phải vòng vo đồn đoán.

Trong chớp mắt, dịch bệnh đã lây lan khắp nơi và đã không còn là chuyện riêng của người dân Vũ Hán. Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) đã phải thông báo tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Virus bệnh dịch thì vô hình, nhưng nỗi hoang mang lo sợ thì đã hữu hình trong ánh mắt và trên gương mặt con người. Những xáo trộn đã hiển hiện trong nhịp sinh hoạt và đời sống xã hội của rất nhiều thành phố và quốc gia.

Những xáo trộn vì dịch bệnh đã hiển hiện trong nhịp sinh hoạt và đời sống xã hội của rất nhiều thành phố và quốc gia.

Đọc tin trên báo chí và mạng xã hội những ngày này, chúng ta hẳn chứng kiến những cuộc tranh cãi. Vì virus corona không chỉ gây bệnh, nó còn tạo ra mâu thuẫn xã hội. Bạn có “pray for China” không? Bạn có đang làm quá khi nói về nguy cơ đại dịch corona không?

Khác với không khí trong lành mà hiếm hoi những ngày “qua mùng” mới có, bầu không khí u ám về dịch bệnh phủ khắp các quán xá, nhà hàng và dày dặc đến khó thở trên mạng xã hội. Y tế cấp huyện cũng sẵn sàng đối phó dịch. Bệnh viện quận cũng gấp rút xây khu cách ly…

Cùng với việc mỗi sáng mai ngủ dậy, lại nghe số người nhiễm tăng cao, lại nghe tin gần trăm người tạ từ cõi thế, là hàng loạt số liệu thông tin khác có tính chất hủy diệt mà phải mất một khoảng thời gian hoang mang, tìm kiếm, may ra mới được khẳng định đó là fake news (tin giả) hay sự thật.

Tìm kiếm thông tin là nhu cầu chính đáng của cộng đồng, nó tồn tại đương nhiên như thiên tai, địch họa đi cùng nỗi bất an. Ai đó nói: “Thôi ngừng đọc mạng xã hội đi, số người chết vì corona đang thấp hơn nhiều lần số người lên phường gặp công an vì tung tin sai lệch”. Tuy vậy, chính người đó có thể bỏ máy tính hay điện thoại ra mà sống yên, không nạp các thông tin nhiều nguồn về dịch bệnh?

Sự sống, cái chết là nỗi lo muôn đời của con người. Ở thời có quá nhiều kênh thông tin nhiễu loạn, nỗi lo ấy còn nhân lên gấp bội khi nhìn đâu cũng thấy những bài viết, số liệu rùng mình. Có thể lâu nay ta vẫn chỉ bấm theo dõi vài kênh thông tin chính thống, nhưng lúc này, liệu có đáng tin và đủ cho nhu cầu mạnh mẽ của ta?

Sau cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng ở Vũ Hán – người cùng 7 bác sĩ khác cảnh báo nguy cơ về một bệnh dịch lạ với các đồng nghiệp rồi bị xử lý vì tung thông tin gây hoang hoang cộng đồng, người ta bắt đầu hoài nghi các số liệu từ chính quyền Trung Quốc. Cùng với đó, các số liệu từ vài trang báo ngoài đại lục Trung Hoa, vài clip từ chính tâm dịch Vũ Hán bắt đầu được chia sẻ lại, dù vài ngày trước đó các số liệu, clip đã tạm mất sức hút.

Cậu đồng nghiệp trưa nay kể chuyện tranh luận với một bác sĩ: “Giữa việc đưa thông tin đúng gây hoang mang cộng đồng và việc ém thông tin khiến người ta chủ quan, bất cẩn để bệnh dịch lan nhanh, thì cách nào hay hơn?”

Cậu đồng nghiệp rõ ràng đã “gài” câu chữ với vị bác sĩ vốn giỏi chuyên môn nhưng không lanh lẹ miệng mồm. Bác sĩ nói: “Ờ thì với các bác sĩ, tất nhiên thà lo xa còn hơn chủ quan. Vì nguy cơ đại dịch kiểu này khác hẳn với các cơn dịch bệnh y học đã nắm chắc cách trị”.

Có quá nhiều kênh thông tin nhiễu loạn, nỗi lo ấy còn nhân lên gấp bội khi nhìn đâu cũng thấy những bài viết, số liệu rùng mình.

Sự lựa chọn của một bác sĩ sẽ khác sự lựa chọn của một doanh nhân đang kinh doanh ế ẩm vì thông tin dịch. Trong các diễn đàn, dậy lên vô số cuộc tranh luận có nên lo xa, lo quá mức hay cứ bình thản theo dòng thời sự?

Đừng đùa với đại dịch corona!

Nhiều phụ huynh, “hóng tin” cả ngày chưa yên tâm, còn thức xuyên đêm đọc hết sạch bất cứ gì liên quan, tất nhiên mục đích là để gạn lọc thông tin rồi truyền tải cho người già, trẻ nhỏ trong gia đình. Có những đêm hội phụ huynh và giáo viên nhắn tin sáng đêm. Có những ngày dài hồi hộp phấp phỏng chờ sở giáo dục ra một cái văn bản và rồi khi ai đó reo lên “quyết rồi!” thì cả cộng đồng phụ huynh reo vang như nhận tin chiến thắng. Tuần này, thông tin dịch leo vào cả trường học thì thôi rồi, toang thật rồi. Đố phụ huynh nào còn phàn nàn sao trường không giữ cháu cho chúng tôi đi làm nữa.

Ai đó vẫn bảo người dân lo xa quá mức, cứ phòng ngừa cẩn thận đúng hướng vẫn là ổn mà. Ngay cả các hướng dẫn phòng ngừa cũng thay đổi mỗi ngày theo tình hình. Mới hôm nào, thông tin chỉ là Corona lan qua dịch hô hấp, thì sau đó là tay nắm cửa, vòi nước, bàn phím máy tính, nút bấm cầu thang, và khả năng tồn tại trên vải, sắt, gỗ, nhựa… Thời gian chúng sống ngoài môi trường lên tới 6-12 tiếng.

Mới hôm nào, thông tin y tế dự phòng là buộc phải dùng khẩu trang mọi nơi mọi chỗ. Bây giờ, WHO, Bộ Y tế Việt Nam lại khuyến cáo người khỏe mạnh và không tiếp xúc nguồn bệnh hay ra nơi đông người thì không cần thiết đeo, tránh phụ thuộc vào cái khẩu trang gây tình trạng “an tâm ảo”. Bằng chứng sống động là ở cuộc họp báo của Bộ Y tế, các cán bộ ngành y đều không hề đeo khẩu trang, trong khi lớp lớp phóng viên thì đều quá sợ hãi, bao kín mũi và miệng.

Nhiều phụ huynh, “hóng tin” cả ngày chưa yên tâm, còn thức xuyên đêm đọc hết sạch bất cứ gì liên quan, tất nhiên mục đích là để gạn lọc thông tin rồi truyền tải cho người già, trẻ nhỏ trong gia đình.

Thông tin đúng kèm các biện pháp hợp lý, các giải thích cụ thể đi kèm sẽ hạn chế gây hoảng loạn và không tới mức xáo trộn xã hội. Chính vì sự thiếu dứt khoát, chậm trễ các quyết định liên quan tới sức khỏe cộng đồng hay thiếu hụt thông tin mới gây ra tình trạng thông tin giả (fake news) và khiến người ta rối nùi, không thể chọn lọc.

Thời đại 4.0 đang tiếp tay cho tin giả lan xa và nỗi hoang mang lớn dần. Chính những tin tức bịa đặt và dối trá ấy đang tước đi của chúng ta cơ hội được cập nhật thông tin hữu ích, thiết thực để chung tay đẩy lùi bệnh dịch. Vậy nên niềm tin là liều thuốc hữu hiệu nhất giữ vững khối đoàn kết và sự bình tĩnh, tỉnh táo trước bất kỳ đại dịch, thảm họa nào. Hãy nhìn cách người Nhật bao lần vượt qua thảm họa mới thấy được sự gắn kết cộng đồng, thái độ bình tĩnh và niềm tin mãnh liệt vào chính quyền, vào các tổ chức hỗ trợ quốc tế trong mỗi người.

Giữa lúc này cần hơn bao giờ hết sự gắn kết cộng đồng, nương tựa vào nhau bước qua đại dịch. Mong rằng mỗi người hãy tử tế hơn với cách dùng mạng xã hội của chính mình. Xin nhớ rằng đại dịch Corona không phải là một trò đùa!

Quỳnh Quỳnh

Đọc nhiều